“Công ty nhỏ làm app thì cũng không có tác dụng”
App EMDDI - phần mềm đặt xe trực tuyến hay còn được biết đến với tên “ứng dụng gọi xe Việt” ra đời vào năm 2018 trên nền tảng dự án khóa luận tốt nghiệp của một nhóm nhà khoa học, giảng viên và sinh viên trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Đó là thời điểm nhiều hãng taxi truyền thống đang phải lao đao chống lại thách thức và khó khăn trong việc cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ như Grab, Uber…
Mất thị phần trầm trọng, thương hiệu bị loãng, thậm chí bị lãng quên, mặc dù giá Grab đắt hơn giá trung bình của taxi nhưng người dân khi cần gọi xe lại nhớ ngay đến Grab… là “bài toán” đặt ra với nhiều hãng taxi truyền thống. Trong khi đó, tổng số xe của các taxi truyền thống lớn hơn số xe công nghệ, nhưng mật độ của từng công ty hay nhóm công ty thấp hơn rất nhiều so với mật độ của taxi công nghệ khiến việc giải “bài toán” trên càng gặp khó khăn. Bởi lẽ, mật độ xe là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả và tính hấp dẫn của taxi.
Phân tích thêm về thực tế này, ông Đào Kiến Quốc – nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, giảng viên CNTT trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và là chủ nhiệm dự án nghiên cứu và phát triển EMDDI cho biết: “Mật độ thấp sẽ dẫn đến thời gian chờ của khách lâu hơn, do xe phải điều từ một khoảng cách xa hơn. Nhiều trường hợp xe đến thì khách đã “vẫy” và lên xe khác. Bản thân lái xe nếu phải đi khá xa mới đón được khách cũng sẽ từ chối nếu họ cảm thấy không có lợi. Khi xe không đủ, chính công ty phải từ chối phục vụ. Và chỉ cần vài lần đặt xe rồi bị từ chối như vậy, i, khách sẽ bỏ app, thậm chí xóa cả điện thoại tổng đài”. Đó là những khó khăn mà các hãng taxi truyền thống liên tiếp vấp phải.
![]() |
Đội ngũ EMDDI làm việc hết công suất tham gia cuộc đua “làm app” |
Đứng trước khó khăn khi phải cạnh tranh với các hãng xe công nghệ, nhiều công ty đã lao vào cuộc đua “làm app” với suy nghĩ việc nâng cấp công nghệ gọi xe có thể giúp cải thiện được tình hình. Nhưng không người dùng nào cũng cài trong máy điện thoại cả chục app của hàng chục hãng taxi khác nhau. Nói cách khác, công ty nhỏ làm app thì cũng không có tác dụng, vì khách hàng không biết bạn là ai. Quy mô nhỏ rất khó đầu tư cho công nghệ, vì không tự chủ được nhân lực công nghệ cũng như khả năng tài chính. Nếu chất lượng phần mềm không đảm bảo, thường xuyên quá tải, sập hệ thống, có thể gây rối loạn hoạt động điều hành taxi và đem lại những trải nghiệm không hài lòng, độ hấp dẫn khó có thể cạnh tranh với Uber/Grab.
Ngay cả khi có app, các công ty vẫn phải dùng hệ thống đặt chỗ qua bộ đàm vì một tỉ lệ lớn khách quen vẫn tiếp tục đặt xe qua tổng đài. Nếu hai hệ thống không liên kết và thống nhất với nhau có thể gây xung đột dữ liệu, app có thể chọn một xe mà không biết xe đó đang bận vì đã được đặt qua đàm và ngược lại. “Thế kẹt” ấy đòi hỏi cần có một app vận hành chung điều phối cho các công ty taxi, ai có ít xe thì nhận được ít cuốc, ai có nhiều thì nhận được nhiều. Đó là lý do EMDDI ra đời, đi vào thực tiễn và trở thành phao “cứu sinh” của không ít hãng xe
Tỷ lệ nhận chuyến tăng từ 50% lên 90% nhờ app EMDDI
Theo ông Đào Kiến Quốc, nền tảng của EMDDI có phần mềm điều hành đảm bảo hàng ngàn công ty có thể khai báo hệ thống trong vài chục phút, có thể chia sẻ chung thiết bị mà không phải lo duy trì máy móc, không phải lo chuyên viên IT vận hành hệ thống. Khách hàng chỉ cần cài một app duy nhất là EMDDI để gọi tất cả các xe của cộng đồng vận tải taxi dùng EMDDI.
Về cơ chế vận hành của phần mềm EMDDI, ông Quốc thông tin: “Sau khi thao tác đặt xe hoàn thành, hệ thống của EMDDI đưa ra 3 kịch bản điều phối giúp các hãng taxi và khách hàng kết nối với nhau. Trường hợp 1: khách hàng đặt xe trên app EMDDI. Hệ thống EMDDI sẽ chọn xe gần nhất và thuận tiện nhất cho khách hàng, đảm bảo công bằng, không thiên vị hay ưu tiên cho bất cứ hãng xe nào; Trường hợp 2: khách hàng gọi cho hãng taxi A, đặt xe đi từ quán Cafe X. Quá trình vận hành sẽ được diễn ra như sau: Nhân viên tổng đài định vị và bấm điều xe, app EMDDI sẽ tự chọn xe gần nhất của chính hãng taxi A; Trường hợp 3: trong trường hợp 2, nếu không taxi nào của công ty A nhận thì cuốc xe đó lập tức được chuyển cả cho hệ thống Liên minh taxi Việt”.
Do nhiều công ty cùng tham gia nên mật độ xe cũng tăng đáng kể, đem lại hiệu quả triển khai rõ rệt. “Ở các thành phố lớn như Hà Nội, từ khi có EMDDI thời gian chờ xe trung bình của khách hàng giảm từ 8 phút xuống 1 phút, tỉ lệ từ chối của các công ty giảm từ 30% xuống còn 5%. Khi khách hàng đặt qua đàm của một công ty, EMDDI cũng điều xe tự động và nếu không điều được xe của công ty đó, thì EMDDI sẽ điều một xe của công ty khác trong Liên minh taxi Việt, nhờ đó cắt giảm được nguồn nhân lực điều xe bằng đàm, bộ máy điều hành tinh gọn. Tỉ lệ nhận chuyến của lái xe taxi truyền thống nhờ đó cũng tăng từ 50% lên 90% do bố trí xe đón hợp lý, quãng đường di chuyển để đón khách giảm đáng kể” - ông Đào Kiến Quốc chỉ rõ
![]() |
EMDDI ra đời làm thay đổi cục diện ngành vận tải taxi ở Việt Nam |
Đến nay, chỉ riêng ở Hà Nội đã có 18 hãng taxi tham gia EMDDI, với quy mô hơn 7.000 xe. Trong khi, số liệu đăng ký mà sở GTVT ghi nhận, hãng taxi công nghệ lớn nhất thị trường hiện tại có hơn 10.000 xe. Trên quy mô cả nước, EMDDI có hơn 30.000 xe đăng ký chạy, phủ khắp 55 tỉnh thành với 130 công ty taxi. Tính thời điểm hiện tại, số xe được điều bằng EMDDI đã đạt tới 5 triệu chuyến/tháng.
Khởi nghiệp từ con số “0”, EMDDI kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều thành công và cao nhất là vươn lên “số 1” thị trường; “phủ” 50-70% thị phần taxi cả nước, thậm chí có thể mở rộng ra nước ngoài. Trong tương lai, những người sáng lập dự án cũng mong muốn EMDDI phát triển hơn nữa, không chỉ dừng ở đặt xe, mà các công ty taxi có thể tự khai báo như giao hàng hay tổ chức dịch vụ đội ngũ xe ôm trên EMDDI. Một số các dịch vụ đặc thù như “xếp lốt” cũng đã có. EMDDI đang chuẩn bị phát hành thẻ doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể đi xe trả sau. Một số nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo để tìm hiểu, đánh giá khách hàng, giúp phục vụ tốt hơn cũng đang được triển khai.
Quang Linh