Khi nói đến tòa án người ta thường nghĩ rằng, tòa án là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mục tiêu cao nhất của ngành tòa án không gì khác ngoài việc hướng tới sự công bằng, bình đẳng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật.
Thế nhưng, có một nghịch lý đang diễn ra hiện nay là, không phải cá nhân nào công tác trong ngành tòa án cũng có thể mang lại sự bình đẳng, công bằng cho người khác, thậm chí là mang lại sự bình đẳng, công bằng cho chính bản thân mình. Đó cũng là lý do mà trong thời gian qua, nhiều cán bộ ngành tòa án đã phải gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí chỉ vì quyền lợi của chính bản thân họ bị xâm phạm. Trường hợp của bà Lâm Kim Chi, nguyên Chánh án TAND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là một minh chứng điển hình.
Không thuộc diện luân chuyển
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Lâm Kim Chi cho biết, bà được tuyển dụng vào công tác trong ngành tòa án từ tháng 10/1996. Tính đến thời điểm hiện tại, bà Chi đã công tác và cống hiến cho ngành Tòa án được 22 năm 11 tháng. Ngày 31/12/2013, bà Chi được Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án TAND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đến ngày 31/12/2018, thời hạn bổ nhiệm (5 năm) của bà Chi kết thúc, do đó, nhiệm vụ của TAND tỉnh Bắc Giang lúc này là phải làm quy trình bổ nhiệm lại hoặc luân chuyển, điều động bà Chi đến nhận công tác ở một địa phương khác theo quy định.
![]() |
Đơn đề nghị mà Lâm Kim Chi, nguyên Chánh án TAND huyện Lục Ngạn gửi Báo điện tử Tầm nhìn |
Theo đó, khi nhiệm kỳ giữ chức Chánh án TAND huyện Lục Ngạn của bà Chi sắp hết, Phòng Tổ chức cán bộ – Thanh tra – Thi đua khen thưởng, TAND tỉnh Bắc Giang có thông cho bà Chi, đồng thời dự kiến luân chuyển, điều động bà Chi theo hai phương án.
Phương án thứ nhất, luân chuyển, điều động bà Chi về giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân huyện Sơn Động (cách chỗ ở của bà Chi 40km); Phương án thứ hai, luân chuyển, điều động bà Chi về công tác tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang (cách chỗ ở của bà Chi 40km).
Trao đổi với phóng viên, bà Lâm Kim Chi cho biết: “Sau khi nhận thông báo, tôi có đề nghị với lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang cho phép tôi được tiếp tục ở lại công tác tại TAND huyện Lục Ngạn vì tôi thường xuyên bị ốm đau, sức khỏe yếu (trải qua ba cuộc đại phẫu thuật); Gia đình neo đơn, mẹ chồng tôi lúc đó ốm nặng, chị gái của chồng bị tàn tật cần gia đình chăm sóc; Bản thân tôi là phụ nữ, người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, theo Quy định 98 của Bộ Chính trị thì tôi không thuộc diện phải luân chuyển vì chưa quá hai nhiệm kỳ. Chính ông Thân Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang cũng đã nói với tôi rằng, tôi chưa phải đối tượng thuộc diện luân chuyển, điều động”.
“Việc tôi xin tiếp tục xin ở lại công tác tại Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn khiến một số người không thích. Tuy nhiên, vì lý do chính đáng nên TAND tỉnh Bắc Giang đồng ý cho tôi làm quy trình bổ nhiệm lại. Cũng chính từ đây, việc tái bổ nhiệm lại chức vụ Chánh án của tôi gặp phải muôn trùng sóng gió”, bà Lâm Kim Chi cho biết thêm.
Quy trình bổ nhiệm lại có vấn đề?
Theo bà Lâm Kim Chi, quy trình bổ nhiệm lại mà TAND tỉnh Bắc Giang thực hiện đối với bà là có vấn đề. Cụ thể, theo quy định, TAND tỉnh Bắc Giang phải thông báo trước cho người được bổ nhiệm lại ít nhất 01 tháng để hoàn tất hồ sơ và các thủ tục có liên quan.
Thế nhưng, trong khi bà Lâm Kim Chi đang điều trị bệnh tại bệnh viện thì ngày 12/12/2018, TAND tỉnh Bắc Giang bất ngờ gửi hồ sơ và yêu cầu bà phải hoàn thiện hồ sơ trong 02 ngày, tức là ngày 14/12/2018 phải nộp về TAND tỉnh.
“Về việc này, tôi thấy rằng, cách làm việc của TAND tỉnh Bắc Giang là không khoa học, có sự tính toán, mang tính chất trù dập… bản thân tôi có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể làm kịp. Việc TAND tỉnh Bắc Giang ứng xử với tôi như vậy nhằm mục đích gì?”, bà Chi bức xúc.
![]() |
Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang |
Bên cạnh đó, trong khi bà Chi đang nằm viện điều trị, TAND tỉnh Bắc Giang đã cử lãnh đạo “tức tốc” lên TAND huyện Lục Ngạn để lấy phiếu thăm dò, sau khi lấy phiếu thăm dò xong thì lại không thông báo cho các lãnh đạo của TAND Lục Ngạn biết.
Ngoài ra, ngày 21/12/2018, trước khi bỏ phiếu tín nhiệm làm quy trình bổ nhiệm lại đối với bà Lâm Kim Chi, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Chánh Văn phòng TAND huyện Lục Ngạn đem con dấu của cơ quan giao cho ông Nhiên. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm được diễn ra 2 vòng nhưng không công bố kết quả phiếu bầu từng vòng, không lập biên bản kiểm phiếu từng vòng. Tổ kiểm phiếu không đúng thành phần, thiếu khách quan...
Trong đơn gửi cơ quan chức năng và báo chí, bà Lâm Kim Chi cũng cho biết thêm, trước những dấu hiệu bất thường trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm và kết quả kiểm phiếu, bà Chi đã nhiều lần làm đơn khiếu nại lên TAND tỉnh Bắc Giang để được giải quyết, đồng thời đề nghị ông Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang dừng chuyển hồ sơ lên TAND tối cao nhưng cơ quan này vẫn phớt lờ ý kiến của bà. Cực chẳng đành, bà Chi phải gửi đơn khiếu nại lên TAND cao để được xem xét giải quyết.
“Sau khi nhận được chỉ đạo của TAND tối cao về việc trả lời khiếu nại của tôi, TAND tỉnh Bắc Giang mới vào cuộc xác minh, làm rõ. Sau một thời gian xác minh, ngày 10/4/2019, TAND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 248/QĐ-CA về việc giải quyết khiếu nại của tôi. Nội dung quyết định khẳng định, việc thực hiện quy trình bổ nhiệm lại với tôi là đúng quy định”, bà Lâm Kim Chi cho biết.
Trước trả lời của TAND tỉnh Bắc Giang bà Lâm Kim Chi cho rằng, “TAND tỉnh Bắc Giang đang bao che, be bịt những việc làm sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể là, cơ quan này đã dựng khống biên bản, ngụy tạo biên bản kiểm phiếu, không xác minh hết sự việc, không tổ chức đối thoại… Do đó, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại lần 2 lên TAND tối cao”.
Thế nhưng, trong khi bà Chi đang khiếu nại lần 2 (chưa có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2) thì ngày 9/7/2019, TAND tối cao có Công văn số 504/TANDTC-TCCB với nội dung “Qua xem xét, thẩm định hồ sơ, TAND tối cao thấy rằng, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang thực hiện quy trình thủ tục, hồ sơ đề nghị không bổ nhiệm lại chức vụ Chánh án TAND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Gang đúng quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, luân chuyển, điều động chức vụ lãnh đạo quản lý trong Tòa án nhân dân”.
Báo điện tử Tầm nhìn tiếp tục thông tin đến bạn đọc!