Nguyên nhân vì sao sách giáo khoa tăng giá? Đó là vấn đề được dư luận cũng như nhiều bậc phụ huynh quan tâm trước thềm năm học mới 2022 - 2023, trong bối cảnh hàng loạt sự thay đổi chóng mặt về giá cả như học phí, xăng dầu và nhiều mặt hàng khác.
![]() |
Giá bìa sách giáo khoa học sinh lớp 3. Ảnh: NXBGD |
Từ năm học 2020 – 2021, Bộ GD&ĐT bắt đầu đưa bộ SGK mới vào chương trình giảng dạy trên cả nước đối với lớp 1. Tiếp nối tinh thần này, từ năm học 2021 – 2022 học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước tiếp tục được học SGK mới. Vì vậy, phụ huynh với vai trò là người đồng hành quan trọng nhất trong hành trình học tập của các con đã chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến chương trình và SGK mới.
Chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đang được thực hiện ở nước ta để hướng đến mục đích không chỉ cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, mà quan trọng hơn là trên nền tảng kiến thức và kỹ năng để hình thành các phẩm chất và phát triển năng lực thực hiện vốn đã được bàn bạc, chọn lựa một cách kỹ lưỡng, phù hợp với học sinh Việt Nam. Đây là một xu thế tiến bộ bởi học sinh đi học không chỉ để hiểu và tích lũy kiến thức, mà còn áp dụng những kiến thức đó vào học tập và đặc biệt là trong cuộc sống.
Nhưng thực tế như thế nào? Vào cuối tháng 4, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách lớp 3, 7 và 10 theo chương trình mới, sử dụng từ năm học 2022 - 2023. Giá SGK tăng cao vọt khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc, thậm chí dư luận còn "nổi sóng" bởi quá lãng phí khi hàng nghìn cuốn sách chỉ có "tuổi thọ" 1 năm.
Trong năm đầu triển khai chương trình mới, năm bộ SGK lớp 1 được phê duyệt gồm: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), Cánh Diều (hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm TP HCM kết hợp). Thực tế trong năm đầu triển khai chương trình mới đã có hàng chục nghìn cuốn sách chỉ có "tuổi thọ" một năm của hai trong số năm bộ SGK ngừng phát hành.
Sau một năm, khi áp dụng chương trình mới cho lớp 2 (năm học 2021 - 2022), hai bộ "Cùng học để phát triển năng lực", "Vì sự bình đẳng và dân chủ" trong giáo dục đột ngột bị "xóa sổ". Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết những bộ sách này được hợp nhất với hai bộ còn lại (của cùng NXB), nhằm "giảm chi phí, tập trung tối đa nguồn lực".
Và khẳng định việc hợp nhất không ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, chọn sách; các cuốn sách thuộc hai bộ đã bị hợp nhất vẫn được tái bản. Tuy nhiên, thực tế, khi thẩm quyền chọn SGK được giao cho UBND cấp tỉnh (từ năm học 2021 - 2022), nhiều nơi không dùng sách của hai bộ bị hợp nhất nữa. Giá mỗi bộ sách này dao động 189.000 - 194.000 đồng.
Giả sử năm 2020, khoảng 30.000 học sinh lớp 1 của một tỉnh học sách Tự nhiên và xã hội của hai bộ Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.Đến 2021, khi quyết định chọn lại sách giáo khoa lớp 1, trong đó sách Tự nhiên và xã hội được chọn thuộc bộ Cánh Diều, nghĩa là 30.000 sách Tự nhiên và Xã hội lớp 1 của bộ cũ chỉ được dùng một năm. Tính theo giá bìa, 30.000 cuốn này đã lên tới khoảng 600 triệu đồng.
Theo chị Phương Ngọc (Kim Liên, Hà Nội) cho biết: "Con thứ 2 của tôi chuẩn bị kết thúc chương trình lớp 2, nhưng đã học 2 bộ SGK. Năm lớp 1 học bộ sách Cánh diều, học xong thì năm tiếp theo nhà trường chọn sách Kết nối tri thức với cuộc sống, thành ra bộ lớp 1 của con dù được giữ gìn cẩn thận cũng đành phải bỏ đi mà không tặng được cho người quen. Đến năm lớp 2, con đã đặt sách qua nhà trường, nhưng do dịch Covid-19 nên con không thể nhận được sách. Cô giáo gửi file mềm để bố mẹ đi in ra cả bộ SGK với giá thành cao hơn, trong khi bộ sách đã đặt thì không thể hủy được. Với hai bộ SGK, với bộ photo thì đem nộp kế hoạch nhỏ, còn 2 bộ sách in cũng chưa biết sẽ tặng cho ai hay cũng để dành nộp kế hoạch nhỏ. Hàng triệu học sinh mỗi năm học xong rồi sách giữ sạch đẹp cũng trở thành giấy vụn, vô cùng lãng phí và ảnh hưởng môi trường."
Bên cạnh đó chị Hương (Mĩ Đình, Hà Nội) bức xúc chia sẻ: "Khi con học hết lớp 1, tôi kiểm tra lại bộ sách, thấy nhiều quyển còn mới như lúc mua, hỏi con sao ? Con trả lời chưa bao giờ được học... Giáo dục là nền tảng then chốt của mỗi quốc gia nhưng đã thất bại ngay từ những bước đi đầu tiên. Có nhiều loại sách hết năm học còn mới, bộ dụng cụ học tập mỗi năm mua đến cuối năm đem về chưa gỡ niêm phong. Con tôi mới lớp 1 học bộ sách Chân trời sáng tạo. Khi nhận sách tôi tưởng sách đại học. Như môn giáo dục thể chất (môn thể dục) học dưới sân trường, tôi không biết mua sách để làm gì. Và còn nhiều môn nữa. Qua đây, tôi cũng mong nên xem xét lại khi quyết định ra những sách nào cần học sách nào không để tiết kiệm chi phí mỗi gia đình trong thời buổi khó khăn này. Và cũng mong đừng đặt thêm gánh nặng cho phụ huynh chúng tôi".
Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng những cuốn SGK theo chương trình mới không thể tái sử dụng trên cả nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mức thiệt hại mà số sách này gây ra có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Phải chăng, những cuốn sách giáo khoa với "tuổi thọ" 1 tuổi đã gây lãng phí? Quan trọng hơn, các bậc phụ huynh lại thêm "gánh nặng", thậm chí hoang mang không biết con mình có thể tiếp tục đi học nữa hay không?
(Còn tiếp)
Bài 2: "Gánh nặng" lên vai phụ huynh và học sinh?