![]() |
Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề: “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” vừa diễn ra tại Đà Nẵng |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023, TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, các vùng kinh tế trọng điểm là những cực tăng trưởng quan trọng, giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng.
Ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25 ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Đây là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội và tạo động lực quan trọng cho các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, giao thương và hợp tác phát triển.
Định hướng và chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã được các địa phương nội vùng triển khai tích cực và đã đạt được những thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế. Các địa phương trong Vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Kinh tế các tỉnh nội vùng đã dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Tuy nhiên, quá trình phát triển thời gian qua cũng cho thấy, vai trò động lực, chức năng đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho sự phát triển chung của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Quy mô nền kinh tế vùng còn nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế cả nước. Đóng góp của Vùng vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, tăng trưởng của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Hoạt động liên kết còn nhiều hạn chế, kết nối về đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương...
Để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) gợi ý 2 nhóm giải pháp, gồm: giải pháp về huy động nguồn lực tài chính và giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng. Đồng thời, cần rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng, qua đó giải quyết những nút thắt, giúp huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho phát triển KT-XH của cả nước nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng.
Tập trung nguồn vốn NSNN đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá các lĩnh vực (giáo dục, đào tạo, y tế...) ở các địa bàn có lợi thế, dành phần kinh phí NSNN hỗ trợ cho các vùng nghèo, khó khăn; khuyến khích việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển sự nghiệp công; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn của các địa phương, đảm bảo các chế độ, chính sách hỗ trợ của nhà nước đến với người dân đầy đủ, kịp thời, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm hiệu quả.
Cần đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài NSNN. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhất là trong lập và quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm yêu cầu phát triển, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh, bổ sung.
![]() |
Ông Huỳnh Huy Hòa: Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần có nhà đầu tư chiến lược, tạo ra được liên kết cho vùng (ảnh KCN Thaco Chu Lai) |
Tăng cường các biện pháp quản lý các nguồn thu phát sinh, chống thất thu ngân sách; kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách. Tiếp tục cơ cấu chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, giảm chi thường xuyên. Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang thiếu một "nhạc trưởng" để có thể liên kết vùng, giúp cho vùng phát triển. Vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng trong liên kết vùng, cần phải phát huy vai trò của doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp đặt nhà máy ở địa phương đều nhìn theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, khi liên kết được những vấn đề đó, liên kết vùng sẽ tạo được sức mạnh và thành công.
Tuy nhiên, làm thế nào để có cơ chế tài chính, về dài hạn thì Chính phủ cần phải tính toán cụ thể cũng như nên có hội đồng vùng thực chất. Ngoài ra, cần xây dựng thiết chế vùng. Song hiện nay, vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ nên chưa trở thành một thực thể đóng vai trò trung tâm phát triển vùng.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chỉ ra một số tồn tại như: Hệ thống hạ tầng KT-XH chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao; Du lịch, kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng (sản phẩm, dịch vụ thiếu đa dạng, sức cạnh tranh thấp; thiếu dự án quy mô lớn; tỷ lệ lấp đầy KCN còn thấp…); Quy mô, năng lực DN còn nhỏ: quy mô vốn/DN chỉ 10 tỷ đồng, thấp nhất trong các Vùng, thấp hơn trung bình cả nước (13,8 tỷ đồng); vốn BQ/1 dự án FDI là 11,3 triệu USD, thấp hơn bình quân chung cả nước (12,2 triệu USD); Cơ cấu thu NSNN thiếu bền vững phụ thuộc vào một số doanh nghiệp FDI, DN lớn; nhiều khoản thu kém bền vững tăng mạnh (thu từ đất đai, thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán…)’; Vai trò hạt nhân, đầu tàu, dẫn dắt chưa rõ nét (chưa có địa phương nào thật sự phát huy vai trò “hạt nhân”, có sức lan tỏa toàn Vùng);
Ông cho rằng, vùng chưa có chính sách, cơ chế đủ mạnh, hiệu quả để tạo đột phá. Hiện chỉ có một số cơ chế, ưu đãi cho Đà Nẵng, Huế. Bên cạnh đó, còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó nhiều dự án hạ tầng chậm tiến độ, chưa làm rõ tính khả thi và phù hợp của dự án lớn, dự án liên vùng…
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ gợi ý, cần xét đến yếu tố cho phép địa phương phát hành trái phiếu; đặt vị trí của trái phiếu chính quyền địa phương trong tổng thể thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; đa dạng các phương thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương…, tạo đòn bẩy tài chính cho địa phương phát triển kinh tế.
Theo đó, trái phiếu chính quyền địa phương có thể được phân loại thành ba loại cơ bản. Loại thứ nhất, chính quyền địa phương là chủ thể đi vay và nguồn trả nợ là lấy từ nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương. Đây là trường hợp chính quyền địa phương huy động vốn để thực hiện các dự án không tạo ra doanh thu hoặc doanh thu thấp, không đủ để trả nợ nên phải lấy nguồn thu ngân sách làm nguồn trả nợ.
Loại thứ hai, chính quyền địa phương chỉ là một bên thứ ba tham gia vào việc phát hành trái phiếu và nghĩa vụ tài chính chỉ giới hạn ở một hoặc một vài khoản thu ngân sách có liên quan trực tiếp tới việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu. Các dự án được tài trợ bằng tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ tạo ra nguồn thu để trả nợ khi đến hạn; còn các khoản thu ngân sách sẽ không được sử dụng để trả cho nhà đầu tư khi trái phiếu đến hạn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, trong thực tế, có thể xảy ra trường hợp trái phiếu được phát hành trên cơ sở giao thoa giữa hai loại kể trên, trong đó có sự tham gia của cả chính quyền địa phương và khu vực tư nhân với các thỏa thuận về phân chia vốn đầu tư và doanh thu của các dự án như trường hợp các dự án hợp tác công tư. Tại các dự án này, chính quyền địa phương có rất nhiều sự lựa chọn để tham gia vào quá trình huy động vốn, bao gồm góp vốn cổ phần, cam kết sử dụng sản phẩm và dịch vụ của dự án, cho tới cung ứng đầu vào cho dự án. Thỏa thuận giữa các bên với nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương với các khoản trả gốc và lãi của trái phiếu.
Trong một số trường hợp, việc thực hiện các dự án có quy mô lớn trên địa bàn nhiều địa phương sẽ mang lại hiệu quả cho tất cả địa phương tham gia và tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả vùng, so với trường hợp riêng lẻ từng địa phương thực hiện. Việc phân cấp tài khóa cần có quy định cho phép các địa phương phối hợp với nhau để thực hiện các dự án như vậy. Đồng thời, các quy định cần hướng dẫn việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương làm sao để huy động được lượng vốn đủ cho đầu tư đồng thời hạn chế việc huy động vốn một cách riêng lẻ từ chính quyền từng địa phương.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Huy Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, phát triển kinh tế nên bắt đầu từ khu vực doanh nghiệp. Kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tăng trưởng liên tục nhưng có xu hướng thấp dần và ngày càng thấp hơn so với bình quân chung, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào, đặc biệt là vốn đầu tư.
"Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí nhỏ đến không tìm thấy được. Do đó không có sức mạnh trong sự liên kết. Chúng tôi chỉ mong muốn cần có doanh nghiệp đủ lớn đứng ra làm trung tâm tạo liên kết cho các doanh nghiệp sẽ rất hiệu quả" - ông Huỳnh Huy Hòa nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Huy Hòa cho rằng, Vùng cần có nhà đầu tư chiến lược, tạo ra được liên kết cho vùng. Để làm được việc này các địa phương phải có liên kết cụ thể, cần phải có một hiệp hội để thu hút đầu tư.../.