Đền Quy Lĩnh nằm trong vòng cung của núi Quy Lĩnh, với mặt chính hướng ra biển, trông rất đẹp. Đền được xây dựng năm 1276, ban đầu chỉ là ngôi miếu tranh thờ vị sư – Người đã cứu sống 3 mẹ con Hoàng hậu nước Nam Tống. Đến năm 1312, sau lần chinh Nam, Vua Trần Anh Tông đã cho xây lại đền thờ bằng ngói, kiến trúc độc đáo với nhiều hiện vật quý và cho thờ thêm 3 mẹ con Hoàng hậu nước Nam Tống.
![]() |
Đền Quy Lĩnh nằm trong vòng cung của núi Quy Lĩnh, với mặt chính hướng ra biển |
Đền là nơi Vua vào Cầu Đảo và đã có công âm phù nhà Vua đánh thắng quân xâm lược nước ta. Đến năm 1470, sau đợt bình chiêm của Vua Lê Thánh Tông thắng lợi, Đền tiếp tục được xây dựng với quy mô lớn hơn, tạc tượng, đúc chuông, làm thơ ngự chế và cho mở lễ hội lớn hàng năm. Đền được tu tạo vào năm 1663, 1719 và một số lần vào thời Nguyễn.
Đền có 21 sắc phong của các nhà Vua. Do thời gian và bão lũ, Đền bị hư hỏng nặng, di tích trở thành phế tích. Vì Thượng điện đền Quy Lĩnh gắn liền với một hang đá ăn sâu vào núi Quy Lĩnh, nơi để bát hương và “lốt gỗ thần” trước đây nên nhân dân vẫn đặt bát hương thờ phụng và thường xuyên đến thắp hương cầu lộc – cầu bình yên.
Những năm qua, các cấp, các ngành huyện Quỳnh Lưu đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc của đền Quy Lĩnh. Qua đó, nhằm góp phần làm phong phú nhu cầu văn hóa tâm linh và đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Thể theo nguyện vọng và nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của Đền gắn với phát triển du lịch, sinh thái, nghĩ dưỡng của khu vực Bắc Quỳnh Lưu; năm 2006 xã Quỳnh Lương đã trùng tu, tôn tạo lại đền với kinh phí hơn 5 tỷ đồng, chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hóa. Đền Quy Lĩnh hiện có kết cấu 4 tòa nhà gồm: Hậu cung, thượng điện, trung điện và nhà bái đường. Cả 4 tòa nhà được bố cục mặt bằng theo kiểu chữ Tam, chạm trỗ Tứ linh, Tứ quý.
![]() |
Đền Quy Lĩnh hiện có kết cấu 4 tòa nhà gồm Hậu cung, thượng điện, trung điện và nhà bái đường |
Trong đền có nhiều đồ tứ khí như Long bài, Tượng pháp, kiệu long đinh, kiệu bát cống. Cho đến thời điểm hiện tại, Đền còn lưu giữ được 8 sắc phong, 15 bản gỗ khắc chữ tinh xảo, văn cúng, câu đối và nhiều di vật khác. Với những giá trị lịch sử này nên vào năm 2014 đền Quy Lĩnh được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ đó, đến nay địa phương đều tổ chức lễ hội lớn hàng năm, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương tại Đền.
Để tiếp tục phát huy giá trị lịch sử ý nghĩa này, năm 2019 xã Quỳnh Lương đã trích ngân sách theo Nghị quyết HĐND xã 1 tỷ đồng và kêu gọi vận động các cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ thêm kinh phí để tu sữa mặt bằng sân lễ hội, mở rộng khuôn viên đền, đảm bảo hệ thống giao thông đi lại. Năm 2020, địa phương dự kiến sẽ đầu tư thêm 1,5 tỷ đồng làm hệ thống đèn chiếu sáng, trồng cây xanh. Ông Hồ Anh Dũng – Bí thư đảng ủy xã Quỳnh Lương cho biết: Đền Quy Lĩnh là di tích kiến trúc nghệ thuật, địa chỉ văn hóa tâm linh nằm trong tổng thể các di tích, danh lam thắng cảnh du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quỳnh Lưu nói chung nên thời gian qua, địa phương rất chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá đa dạng nhiều hình thức khác nhau. Từ đó, để bà con nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu đúng về ý nghĩa lịch sử của đền nhằm có thái độ và hành vi ứng xử văn hóa đối với di tích.
Bên cạnh đó, Quỳnh Lương đã phục hồi được nhiều trò chơi dân gian, hoạt động giao lưu văn hóa – thể thao mở rộng nên đã thu hút được đông đảo nhân dân trong và ngoài xã tham gia. Đồng thời, xã cũng chú trọng nâng cao hoạt động nghiệp vụ của ban quản lý đền trong việc lưu giữ hồ sơ gốc với đầy đủ thông tin của di tích, nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và giới thiệu du lịch. Cùng với đó, lập sổ ghi chép, cập nhật thông tin về việc bổ sung hiện vật, đồ thờ tự, tượng... hồ sơ thiết kế trong quá trình trùng tu, tu bổ, phục vụ cho công tác bảo vệ di tích.
Hơn 10 năm đảm nhận công việc bảo vệ và vệ sinh khu vực trong và ngoài đền Quy Lĩnh, bà Hồ Thị Nữ, xóm 6, xã Quỳnh Lương chia sẻ: mỗi năm, có hàng nghìn lượt du khách đến thắp hương cầu nguyện và thưởng lãm cảnh đền. Mỗi khi có du khách đến, bằng hiểu biết của mình, bà đều giải thích thêm về lịch sử, ý nghĩa đối với các vị thần được thờ tại đền để mọi người có thêm kiến thức, sự hiểu biết. Đồng thời, tuyên truyền du khách nâng cao ý thức tự giác cùng chung tay bảo vệ di tích mang cấu trúc cổ xưa, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đền Quy Lĩnh được Quỳnh Lưu lựa chọn là nơi để tổ chức lễ hội mang quy mô cấp huyện bắt đầu từ năm 2020. Trong năm 2019, huyện đã mời các nhà khoa học, giáo sư thuộc Viện sử học – Viện hàn lâm khoa học Việt Nam và Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long về làm việc, khảo sát, nghiên cứu thực địa, một số hiện vật tại đền. Các nhà khoa học đã có nhận định, đánh giá sơ bộ là đền Quy Lĩnh có 4 giá trị văn hóa – lịch sử tiêu biểu. Về cảnh quan là địa điểm có vị trí đặc biệt, vừa có núi lại vừa có biển, công trình kiến trúc tín ngưỡng.
![]() |
Vào ngày 20, 211 âm lịch hàng năm, địa phương đều tổ chức lễ hội lớn, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương |
Trong lịch sử, trước đây là một vùng đất phát triển sầm uất, đô thị thời trung cổ, có giá trị cả về kinh tế, giao thương và quân sự; là địa điểm mà các vị vua của các triều đại đặt làm căn cứ hậu phương, chuẩn bị quân lương và điểm xuất phát để thực hiện cuộc Nam chinh, mở rộng bờ cỏi phía Nam. Đối với giá trị về kiến trúc thì có sự giao thoa của văn hóa người Việt và Chiêm Thành, bằng chứng là giếng nước và một số hình vẽ, họa tiết còn lưu giữ tại đền. Về mặt tâm linh, là gắn với truyền thuyết về thần vị sư, tứ vị thánh nương, mộc thần, tục chạy ói...
Theo các nhà khoa học, với việc hội tụ các yếu tố này, đền Quy Lĩnh đủ điều kiện để lập hồ sơ đề nghị Bộ văn hóa, thể thao và du lịch công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong tháng 3 này, huyện sẽ tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đền Quy Lĩnh gắn với phát triển du lịch của huyện”, với mục đích là làm căn cứ để tổ chức tốt lễ hội những năm tiếp theo.
Ông Hoàng Phú – Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trong hội thảo huyện sẽ mời các nhà khoa học, sử học viết các bài tham luận. Bên cạnh đó, huyện cũng mời một số cơ quan, ban ngành của Sở văn hóa, Sở du lịch, ban quản lý di tích của tỉnh để có những ý kiến đóng góp giúp huyện trong công tác này. Ngoài ra, UBND huyện cũng có khảo sát và trong năm 2020 sẽ hỗ trợ cho xã Quỳnh Lương 200 – 250 triệu đồng để đầu tư vào một số hạng mục như sân lễ hội, di dời một số linh vật không phù hợp, bãi đổ xe, xây bờ kè và một số hạng mục khác để bắt đầu tổ chức lễ hội quy mô cấp huyện vào năm 2021.