Hai bộ Đàn Đá này có thể coi là nhạc cụ tự rung như cồng, chiêng, đàn tơ-rưng... của đồng bào Tây Nguyên, nó đã có niên đại cách đây hàng ngàn năm.
Công dụng của hai bộ Đàn Đá nguyên sơ được đồng bào địa phương dùng có lẽ là để đuổi hoang thú, chim muông bảo vệ mùa màng. Tiến tới, do nhu cầu sinh hoạt văn hóa trong quá trình lao động, Đàn Đá được tấu lên tại các ngày lễ hội: Mừng lúa mới, mừng được mùa, lễ đâm trâu, uống rượu cần… Tiếng Đàn Đá thay cho tiếng lòng, là lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của đồng bào và rồi ngày nay nó đã trở thành vật báu.
Hai bộ Đàn Đá Khánh Sơn vốn được ông Bo Bo Sung (cha của ông Bo Bo Ren, người Raglai, xã Trung Hạp, nay là thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Phú Khánh-nay là Khánh Hòa) tìm thấy trên đỉnh núi Dốc Gạo của địa phương. Ông Bo Bo Ren kể: Lúc mới 13, 14 tuổi, ông đã thấy cha ông trong lúc tìm củ Mài ở đỉnh núi Dốc Gạo thì bắt gặp hai bộ thanh đá rất lạ, gồm 12 thanh được đẽo gọt rất công phu.
Các thanh đá được đẽo gọt công phu với kích cỡ dài, ngắn khác nhau, khi dùng vật cứng gõ vào thì tạo nên những âm thanh rất độc đáo. Lúc đầu cha ông lắp đặt trên rẫy, lợi dụng sức gió, sức nước và sự va đập của vật cứng vào các thanh đá tạo nên những âm thanh với mục đích xua đuổi thú vật đến phá hoại mùa màng. Mặc dù chưa hiểu biết gì giá trị của các thanh đá này nhưng cha con ông Bo Bo Ren đã rất có ý thức bảo vệ. Bởi vậy, trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, do Khánh Sơn là căn cứ cách mạng của tỉnh Khánh Hoà nên quân Pháp và quân Mỹ liên tục tổ chức những cuộc càn quét, đánh phá. Ông Bo Bo Ren cùng gia đình đã rất cẩn trọng đưa các thanh đá cất dấu ở các hang hốc của núi Dốc Gạo.
Sau giải phóng miền Nam, biết giá trị của các thanh đá, ngày 16/3/1979, ông Bo Bo Ren đã mang tặng Bộ A Đàn Đá Khánh Sơn cho chính quyền tỉnh Phú Khánh. 10 ngày sau đó, ngày 26/3/1979, ông Bo Bo Ren tiếp tục trao tặng Bộ B Đàn Đá cho chính quyền tỉnh. Sau đó hai bộ Đàn Đá Khánh Sơn A và B được tỉnh Phú Khánh bàn giao cho Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam để nghiên cứu.
![]() |
Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa (bên phải) tiếp nhận bàn giao hai bộ Đàn Đá Khánh Sơn từ lãnh đạo Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. |
Ngày 12/9/1979, Hội đồng khoa học về Đàn Đá Khánh Sơn - do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam làm Chủ tịch đã công bố kết quả sơ bộ nghiên cứu:
“Bộ Đàn Đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm (khoảng 3.000 - 4.000 năm). Âm thanh sắc, gọn, có cao độ rõ rệt, ngân dài; âm thanh trầm bổng, độ mạnh nhẹ, độ dài ngắn và màu sắc đặc biệt của âm. Bộ Đàn Đá Khánh Sơn là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa”.
Hai bộ Đàn Đá đã được giới thiệu và sử dụng biểu diễn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục được nghiên cứu, sáng tác, bảo quản tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh từ đó đến nay.
![]() |
Các đại biểu tham gia buổi lễ bàn giao chụp hình lưu niệm với hai bộ đàn đá Khánh Sơn. |
Quá trình tồn tại của Đàn Đá Khánh Sơn, đã có hơn 50 tác phẩm sáng tác thể nghiệm và dàn dựng thành tiết mục nghệ thuật hai bộ Đàn Đá này cùng các loại Đàn Đá khác. Đa số là tiết mục viết cho độc tấu, song tấu, tam tấu đàn đá, có dàn nhạc dân tộc phụ họa; hoặc một số tiết mục đàn đá đệm cho đơn ca, tốp ca; một số tiết mục kết hợp giữa Đàn Đá với múa và vũ kịch múa… Trong số các ca khúc xáng tác về đàn đá có nhạc phẩm nổi tiếng “Đàn ơi hát cùng ta” của nhạc sĩ Bằng Linh, một người con của quê hương Khánh Hòa: “Ơi Đàn Đá Khánh Sơn. Ơi Đàn Đá Việt Nam. Tiếng nghìn xưa vọng vang. Đến hôm nay lên tiếng. Gọi buôn làng, nương rẫy. Mừng ngày mới bừng lên…”.
![]() |
Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (người mặc áo trắng đứng giữa) cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Khánh Hòa và Sở Văn hóa Thể thao Khánh Hòa tại lễ giới thiệu “Bộ Đàn Đá Khánh Sơn” |
|
Ngày 27/3/2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam TPHCM, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức bàn giao bộ Đàn Đá Khánh Sơn A và B về cho tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý, phát huy giá trị.
Nhân dịp Kỷ niệm “Khánh Hòa 370 năm Xây dựng và Phát triển”, ngày 29/3/2023 Sở Văn hóa và Thể thao, phối hợp với Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa tổ chức trưng bày hai bộ Đàn Đá Khánh Sơn và giới thiệu đến đông đảo công chúng về giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của bộ Đàn Đá Khánh Sơn A và B./.
Bài và ảnh: Hoàng Quân