Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đạt được một số kết quả, đó là: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt; Quy hoạch tổng thể quốc gia đang hoàn thiện theo kết luận của Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII để xem xét trình Quốc hội thông qua; Quy hoạch không gian biển quốc gia đang hoàn thiện các thủ tục để trình Hội đồng thẩm định.
Đối với quy hoạch ngành quốc gia đã có 04/38 quy hoạch ngành quốc gia đã phê duyệt, 15/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, đang hoàn thiện để trình thẩm định, ở cấp vùng, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phê duyệt; 05 quy hoạch vùng còn lại đang triển khai lựa chọn đơn vị tư vấn để tổ chức lập quy hoạch theo Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại cấp tỉnh, đã có 02 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 07 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong, đang hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt; 17 quy hoạch tỉnh đã trình Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định; 22 quy hoạch tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để trình thẩm định.
![]() |
Ảnh minh họa |
Kết quả triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch là chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ KH&ĐT, kết quả triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch nêu trên là chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022. Nguyên nhân chủ yếu là do đây là nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp và nhiều nội dung quy định rất mới về cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch; công tác lãnh đạo, chỉ đạo các các cấp, các ngành chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; nhiều nơi, nhiều lúc công tác quy hoạch chưa quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ, năng lực nên chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế, nhất là việc cho ý kiến về quy hoạch trong giai đoạn lấy ý kiến, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt trong thời gian gần đây là rất chậm, chất lượng còn nhiều hạn chế.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Nhật Bắc) |
Để đảm bảo tiến độ công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&ĐT đề nghị đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Các đồng chí Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ quan tâm, chỉ đạo cơ quan, đơn vị được phân công khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ và chất lượng quy hoạch, cụ thể:
Khẩn trương cho ý kiến đúng thời hạn theo đề nghị của Bộ, ngành, địa phương khi gửi xin ý kiến trong quá trình lập quy hoạch; xin ý kiến trong quá trình thẩm định quy hoạch và xin ý kiến trong quá trình rà soát quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, Quy chế làm việc của Chính phủ và Quy chế của Hội đồng thẩm định.
Đối với các quy hoạch ngành quốc gia đã tổ chức thẩm định xong, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 11/2022.
Các quy hoạch ngành quốc gia mà các Bộ đã đề xuất, cam kết hoàn thành vào cuối năm 2022 trong kế hoạch lập quy hoạch theo văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục để trình Hội đồng thẩm định vào tháng 11/2022 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào chậm nhất tháng 12/2022.
Tập trung, ưu tiên nguồn lực cho công tác lập quy hoạch tỉnh
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ KH&ĐT đề nghị các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả cơ quan lập quy hoạch và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ và chất lượng quy hoạch, cụ thể:
Tập trung, ưu tiên nguồn lực cho công tác lập quy hoạch tỉnh; tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định.
Đối với các quy hoạch tỉnh đã tổ chức thẩm định xong, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 11/2022.
Các quy hoạch tỉnh mà các địa phương đã đề xuất, cam kết hoàn thành vào cuối năm 2022 trong kế hoạch lập quy hoạch theo văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục để trình Hội đồng thẩm định vào tháng 11/2022 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào chậm nhất tháng 12/2022.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.
Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, nhưng đây cũng là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.