|
Theo đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị y tế trong và ngoài công lập khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị y tế nêu trên rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉlệ tử vong. Các cơ sở y tế phải bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.
“Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị” - Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Đồng thời, tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.
Ngoài 3 ca tử vong, hiện đang còn nhiều bệnh nhân được nghi ngờ mắc bạch hầu. Cụ thể, Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho biết, đến ngày 16/9, Bệnh viện đa khoa tỉnh đang điều trị cho 12 ca nghi ngờ mắc bạch hầu. Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Mèo Vạc điều trị 32 người và 2 người tại Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Yên Minh.
Trước đó, 37 bệnh nhân đã xuất viện và được nhân viên y tế cơ sở tiếp tục theo dõi trong 14 ngày. Hiện đã có gần 11.000 người ở 2 huyện Yên Minh và Mèo Vạc được sử dụng kháng sinh dự phòng. Hà Giang đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh bạch hầu.
Còn tại tỉnh Điện Biên, từ tháng 5/2023 đến nay ghi nhận 6 ca bạch hầu dương tính, 1 ca tử vong. Các trường hợp cũng đều không rõ nguồn lây.
Bệnh bạch hầu (Diphteria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh bạch hầu thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ca bệnh lâm sàng: + Viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. + Khám thấy có giả mạc. Cần phân biệt tính chất của giả mạc bạch hầu với giả mạc mủ. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan. Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hoà tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết. + Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%. |