Khoảng 80% bệnh nhân mắc di chứng hậu Covid-19 với các triệu chứng dai dẳng đặc trưng, như mệt, khó thở, rụng tóc, hồi hộp tim đập nhanh... Nhiều người bị thêm tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm, bồn chồn, kèm mất ngủ và mau quên, không tập trung - những di chứng về tâm thần kinh.
![]() |
Các bác sĩ, nhân viên y tế nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: TTXVN |
Đại dịch Covid – 19 đã khiến nhiều người bị mắc bệnh phải đi cách ly, điều trị tại các bệnh viện chuyên biệt. Ở đây, cái chết mong manh được tính theo từng giây từng phút, bệnh nhân mắc bệnh vật lộn với sự sống lại không có người thân bên cạnh, nên khi đã trải qua những điều đó, những người đã phải trải qua căn bệnh này hầu như đều cảm nhận thấy điều bất an, tâm lý khủng hoảng. Thậm chí có người quá lo âu mà dẫn đến trầm cảm. Các chuyên gia gọi chung là chứng hậu covid-19.
Đối với những người cao tuổi, sau khi khỏi bệnh Covid-19, họ lại phải tiếp tục chữa trị bệnh nền của mình, do đó rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài. Bởi vậy, họ rất cần những bác sĩ tâm lý để hỗ trợ, chia sẻ cũng như phân tích về các tình huống cụ thể để người bệnh giảm bớt lo âu.
Để làm được điều mà các bệnh nhân muốn nêu trên, cần phải có người bác sĩ tâm lý lành nghề mới đủ kinh nghiệm chia sẻ những khủng hoảng do hội chứng hậu Covid-19 gây ra.
Theo nghiên cứu chuyên đề về căn bệnh hậu Covid – 19, có tới 50% người tham gia chương trình có kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phát hiện bất thường về tim mạch, phổi như viêm phổi, xơ phổi, suy hô hấp cấp… đây là những biến chứng nặng nề, nguy hiểm cần phải can thiệp ngay cũng như điều trị lâu dài.
Khoảng 80% bệnh nhân mắc di chứng hậu covid-19 với các triệu chứng dai dẳng đặc trưng, như mệt, khó thở, rụng tóc, hồi hộp tim đập nhanh... Nhiều người bị thêm tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm, bồn chồn, kèm mất ngủ và mau quên, không tập trung - những di chứng về tâm thần kinh.
Các bác sĩ khuyến cáo, tất cả người bệnh Covid-19 cần tái khám sớm sau khi xuất viện để được xét nghiệm, đánh giá tổng quát thể trạng, từ đó phát hiện và điều trị kịp thời các di chứng, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Nhất là với những F0 từng phải thở máy, thở oxy, nằm phòng hồi sức tích cực (ICU)... một tháng sau khi xuất viện phải đi tái khám.
Tại hội nghị triển khai các hoạt động trọng tâm của ngành y tế năm 2022 đã diễn ra vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia đã khẳng định vấn đề di chứng hậu Covid là mối lo cộng đồng năm 2022 này. Từ tháng 10/2021, thế giới có những định nghĩa về hội chứng hậu Covid-19. Một số thống kê ghi nhận khoảng 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính của bệnh, trong đó 20% người bệnh phải tái nhập viện, 80% người bệnh phải theo dõi chăm sóc trong vòng hai tháng sau xuất viện.
![]() |
Trong ngày đã có hàng trăm bệnh nhân được thăm khám, sàng lọc hậu Covid-19. |
Hiện gần 2% dân số Việt Nam mắc Covid-19, nhưng chưa có thống kê, ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu Covid-19 trong cộng đồng. Trong bối cảnh hậu Covid không chỉ tác động đến sức khoẻ, tâm lý… dẫn đến ảnh hưởng về khả năng người khỏi bệnh khi trở lại làm việc có đáp ứng được yêu cầu hay không? Hậu Covid-19 tác động đến xã hội và kinh tế tới mức nào; thái độ mọi người với bệnh nhân đã mắc Covid ra sao? Hệ thống an sinh xã hội đối với người đã từng bị nhiễm Covid-19 có được đảm bảo vv... đã làm cho vấn đề sức khỏe cộng đồng hậu Covid đang trở thành là việc ưu tiên mang tính toàn cầu, cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành y tế năm 2022.
Để làm tốt được vấn đề nêu trên, trong thời gian tới Bộ Y tế cần cập nhật, ban hành phác đồ điều trị hậu Covid-19, đồng thời tập hợp các chuyên gia nghiên cứu để có hướng dẫn tạm thời. Đồng thời cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phân tích các biểu hiện lâm sàng, phương pháp điều trị, đối với vấn đề hậu Covid-19.
Việc xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 cũng phải được thực hiện theo từng cấp từ y tế cơ sở (tiếp nhận bệnh nhân nhẹ) đến bệnh viện tuyến quận, huyện và cuối cùng là bệnh viện chuyên khoa sâu và đa khoa tuyến cuối nhằm tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch. Theo đó, hai cấp dưới cần thực hiện được mục tiêu chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời từ sớm, hạn chế nguy cơ chuyển nặng.
Mặt khác, cần có giải pháp khuyến cáo bệnh nhân khi điều trị hậu Covid-19 nên thường xuyên tới bác sĩ tâm lý tư vấn. Có như vậy, họ mới được kịp thời điều trị các sang chấn tâm lý, vượt qua các khủng hoảng ám ảnh về dịch bệnh. Khi tinh thần khỏe mạnh thì người bệnh mới sớm trở lại cuộc sống bình thường như trước.
Ngoài ra, cũng nên thành lập tổng đài tư vấn nhằm hỗ trợ thông tin chăm sóc, điều trị cho người hậu Covid-19. Theo đó, thành lập tổ Tâm lý lâm sàng triển khai tại các địa phương nhằm tham vấn, trị liệu tâm lý cho người bệnh đến khám, chữa trực tiếp… Có như vậy mới mong giảm bớt nỗi lo của cộng đồng đối với di chứng Covid 19 nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.