Bài I: Dự án Căn cứ cách mạng Đồng Bò - Chưa ra đời đã bị “chiếm đoạt”(!)
![]() |
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dãy núi Đồng Bò, thuộc xã Phước Đồng, TP.Nha Trang là căn cứ cách mạng của quân và dân Nha Trang, Khánh Hòa. Do đó khu vực này đã trở thành “Khu di tích cách mạng” cần được bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử cho muôn đời con cháu.
Thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa và TP.Nha Trang, ngày 7/5/2008, ông Lê Xuân Thân-Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1280/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tái hiện lại căn cứ cách mạng Đồng Bò. Nội dung Quyết định nêu rõ: Tên dự án “Tái hiện lại căn cứ Đồng Bò” với mục tiêu “Xây dựng thành một bảo tàng sống để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”. Quyết định của UBND tỉnh giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư với Tổng số tiền ban đầu là 11.235.417.000 đồng vốn ngân sách cùng với 25 ha bao gồm cả đất quốc phòng, đất công của TP.Nha Trang và đất thu hồi của dân. Thời gian thực hiện 2 năm (2008 – 2009).
Bởi lý do khách quan nên dự án không đảm bảo tiến độ, mãi đến năm 2014 mới xong. Mặc dù năm 2017 Sở Tài chính mới nghiệm thu công trình, định giá tài sản lên đến 22 tỷ đồng (tăng gấp đôi dự toán), nhưng thật khó hiểu, trước đó 3 năm, ngày 12/3/2014, đại tá Lê Văn Bình, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa đã lập BIÊN BẢN Tạm giao mặt bằng khu đất và tài sản trên đất cho ông Lê Xuân Thơm, Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng sử dụng vào mục đích kinh doanh du lịch. Năm ngày sau đó, 17/3/2014, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, ông Lê Xuân Thơm và một số ban, ngành liên quan. Tại cuộc họp ông Chiến Thắng giao nhiệm vụ: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh kết hợp với Công ty TNHH Hải Đăng thực hiện đầu tư xã hội hóa đối với các hoạt động giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Thông báo của ông Thắng nói thêm: Dự án không được xâm phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước (hồ Kênh Hạ). Một ngày sau (18/3/2014) UBND tỉnh Khánh Hòa phát hành Thông báo nói trên. Ông Lê Xuân Thơm bắt tay vào “tôn tạo” căn cứ Đồng Bò. Lập tức ông thay đổi tên gọi của dự án từ “Căn cứ Đồng Bò” sang “Mật khu Đá Hang”, cái tên mà chính quyền Sài Gòn dùng để chỉ căn cứ Đồng Bò của Quân và Dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ! Thật đau lòng thay!
![]() |
Ông Lê Xuân Thơm, giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng, đúc bêtông cốt sắt dựng lên bảng hiệu, “hô biến” căn cứ cách mạng thành Khu du lịch “Mật khu Đá Hang” – tên gọi của chế độ cũ! |
Tết 2018, ông Lê Xuân Thơm mở cửa đón khách du lịch. Một chiến dịch truyền thông hết sức rầm rộ ở cả báo địa phương lẫn Trung ương đã diễn ra. Các bài viết PR, các trang quảng cáo được đăng lên… Một số bài báo hết lời ca ngợi ông Thơm - một CCB (sau giải phóng miền Nam mới nhập ngũ) đã dồn hết tâm huyết của mình để... “Tái tạo căn cứ cách mạng Đồng Bò”.
Với tôi, ngoài là một CCB tham gia kháng chiến, còn là một đảng viên, một nhà báo đã không hành xử như các đồng nghiệp mà lặng lẽ đi tìm sự thật. Một loạt câu hỏi được đặt ra: Dự án tái hiện một khu căn cứ cách mạng, biến nó thành "bảo tàng sống" để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, sao đổ ngân sách và đất công và đất thu hồi của nhân dân, vào xây dựng xong rồi lại giao cho một doanh nhân kinh doanh? Lấy tài sản của Nhà nước và Nhân dân giao cho tư nhân kinh doanh thu lợi, liệu có đúng pháp luật và đạo lý? Thẩm quyền chuyển giao tài sản, văn bản pháp lý để thực hiện chuyển giao dựa vào quy định nào, căn cứ pháp lý nào? Phương án tổ chức hợp tác liên doanh để phát huy hiệu quả sao rối rắm và vô lý đến khó hiểu? V.v và v.v...
Chúng tôi tiến hành cuộc điều tra và ngay lập tức phát hiện ra một loạt sai phạm hết sức nghiêm trọng của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa mà cụ thể là đại tá Lê Văn Bình, Chỉ huy trưởng, và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, mà cụ thể là ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh. (Xin mở ngoặc: Lúc bấy giờ ông Bình đã “hạ cánh an toàn”, còn ông Thắng đang bị kiểm tra một loạt dự án và sau đó bị khởi tố, truy tố và hiện nay đang thi hành 2 bản án với mức án 12 năm tù và còn một số vụ án khác nữa).
![]() |
May quá, ngay sau đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu tháo dỡ và ông Lê Xuân Thơm đã phải đập bỏ biển hiệu Mật khu Đá Hang. |
Sai phạm của ông Bình và ông Thắng ở chỗ: Dự án căn cứ Đồng Bò là loại tài sản đặc biệt được quy định tại Điều 64 “Luật quản lý sử dụng tài sản công”. Căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 104, “Luật quản lý tài sản công” thì “Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, Ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho đối tượng thụ hưởng được xác định trong dự án để đưa vào khai thác sử dụng”. Như vậy, loại dự án này phải được Bộ Tài chính ban hành Quyết định, giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở đó UBND tỉnh ban hành Quyết định giao cho Sở Văn hóa, Thể thao; Sở tiếp tục giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích quản lý, khai thác, sử dụng, tôn tạo, phát huy giá trị chứ không thể giao cho ông Lê Xuân Thơm (hay doanh nghiệp tư nhân Hải Đăng của ông Thơm) như ông Bình và ông Thắng đã làm! Đây có phải là hành vi lấy tài sản công biếu tặng cho doanh nghiệp, hay nói cách khác là biến tướng tài sản công để phục vụ cho lợi ích nhóm?!
Xin phân tích sâu, kỹ lưỡng về “Dự án căn cứ Đồng Bò” là một dự án đầu tư công, mang màu sắc văn hóa, lịch sử, truyền thống, không thể hợp tác với bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Vậy nên xin khẳng định: Công ty TNHH Hải Đăng dù to lớn, giàu có đến mấy cũng không thể “tái tạo” được căn cứ cách mạng Đồng Bò; ông Lê Xuân Thơm dù tài giỏi đến mấy, tâm huyết của một CCB có dồi dào đến mấy cũng đều mục đích chỉ là để kinh doanh thu lợi nhuận, cũng không thể thay thế các cơ quan được Nhà nước giao trọng trách đứng ra tổ chức giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ!
Tài sản với 22.840.388.000 đồng (giá quyết toán năm 2017) và 25 ha đất của Nhà nước, của Nhân dân là rất lớn, thuộc sở hữu chung, lại được giao chức năng bảo tồn, tôn tạo giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng (trong đó truyền tải bao máu xương của đồng chí đồng bào) nên phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích, không ai có quyền “ban tặng” cho tổ chức, cá nhân khác.
Vì vậy xin khẳng định: Thông báo số 117/TB-UBND do ông Nguyễn Chiến Thắng ký, áp dụng Nghị định 69/2008 quy định về chính sách xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường để hợp thức Biên bản bàn giao của ông Lê Văn Bình cho ông Lê Xuân Thơm trước đó một tuần là văn bản trái pháp luật. Căn cứ cách mạng Đồng Bò là một dự án đặc biệt, một bảo tàng sống phải thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan đơn vị chuyên trách Nhà nước. Ở đó giá trị bảo tồn, nhiệm vụ tôn tạo di tích và giáo dục truyền thống được đặt lên hàng đầu, còn mục tiêu kinh tế chỉ là hàng thứ yếu, phụ trợ! Nơi đó cán bộ chuyên trách bảo tồn Nhà nước phải thể hiện vai trò trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân, linh hồn các liệt sỹ và lịch sử cách mạng của địa phương cũng như cả nước.
![]() |
Bị yêu cầu tháo dỡ tên gọi "Mật khu Đá Hang" của chế độ cũ, ông Lê Xuân Thơm “đúc” ngay Galina Lake View, tên khách sạn 4 sao của ông ở đường Hùng Vương, Nha Trang ngay giữa Dự án căn cứ cách mạng Đồng Bò |
Biên bản tạm bàn giao của ông Lê Văn Bình và Thông báo Kết luận của ông Nguyễn Chiến Thắng là trái pháp luật nên không cần nói thêm về Hợp đồng liên kết kinh tế số 215/HĐ 2015/BCH–HĐ ngày 15/4/2015 giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa và Công ty TNHH Hải Đăng là có giá trị hay không. Ngược lại phải khẳng định: Hợp đồng đó lại là một văn bản trái pháp luật. Thực tế, từ năm 2014 đến nay ở Dự án căn cứ Đồng Bò, người dân xã Phước Đồng không thấy bóng dáng một người lính hoặc cán bộ nhân viên của Sở Văn hóa - Thể thao làm việc, mặc dù khu du lịch vẫn hoạt động rất tưng bừng và doanh thu hàng năm, nhất là các năm 2018, 2019 và năm 2022, dịp Tết 2023 (trừ 2 năm 2020 – 2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19) theo phản ánh của dư luận là rất lớn. Khoản tiền có thể lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng ai quản lý, ai thụ hưởng? Chắc chắn là không phải vào ngân sách Nhà nước, mà của Công ty TNHH Hải Đăng do ông Lê Xuân Thơm làm Giám đốc.
Cũng cần nói thêm: Sau khi tiếp nhận Dự án căn cứ Đồng Bò, ngày 12/3/2014 với con mắt “nhìn xa trông rộng”, để có cơ hội “đánh bùn sang ao”, ông Lê Xuân Thơm đã xin phép UBND tỉnh đầu tư một dự án du lịch sát bên có tên gọi là “Khu du lịch sinh thái hồ Kênh Hạ”. Ngày 17/5/2014 tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho ông Thơm với thời gian hoạt động 30 năm. Từ đó ông Thơm triển khai xây dựng các công trình lẫn lộn giữa Dự án du lịch hồ Kênh Hạ với Dự án căn cứ Đồng Bò làm cho không ai phân biệt được đâu là Khu căn cứ cách mạng Đồng Bò, đâu là khu du lịch sinh thái hồ Kênh Hạ?
(Còn nữa)
Nguyễn Xuân