Bài 2: Tỉnh đã quyết định thu hồi dự án này giao cho Sở VH-TT, vì sao lại chậm thực hiện?
Sau khi chúng tôi đăng loạt bài “Dự án “Tái hiện căn cứ Đồng Bò” TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - Những điều bất cập” vào 4/2018 thì dư luận bắt đầu ngộ ra “Sự thật ở Dự án căn cứ Đồng Bò” không như truyền thông một chiều phản ánh. Có lẽ từ loạt bài này của chúng tôi nêu ra nhiều vấn đề về sự thật và tính lịch sử cách mạng, mà dự án “Khu du lịch sinh thái hồ Kênh Hạ” cũng bắt đầu trục trặc về pháp lý.
|
Ngày 16/11/2018 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Thông báo số 734/TB-UBND cho biết: Tại cuộc họp với các ban ngành liên quan vào ngày 8/11/2018, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã Kết luận:
1-Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Nhà đầu tư tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động của Dự án hồ Kênh Hạ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/11/2018.
2- Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa thanh lý Hợp đồng cho thuê hồ trước ngày 30/11/2018.
3- Chấn chỉnh việc tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án không đúng quy định; ký Hợp đồng cho thuê hồ không đúng trình tự, thủ tục… báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 10/12/2018.
Vậy mà sau đó chỉ một tháng 9 ngày (ngày 9/1/2019) cũng ông Đào Công Thiên lại ban hành văn bản số 68/GP-UBND về việc cấp “Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi – Hoạt động du lịch trong phạm vi bảo vệ Hồ chứa nước Kênh Hạ I (Hồ chứa nước Đồng Bò)” (Nguyên văn - văn phạm rất lủng củng) cho Công ty TNHH Hải Đăng.
Tiêu đề thì “Giấy phép hoạt động…”, nhưng nội dung lại ghi Quyết định:
1-Tên hoạt động: Hoạt động du lịch trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước, bao gồm các hoạt động du lịch sinh thái, câu cá thư giãn và ngắm cảnh.
2-Vị trí hoạt động: Mặt nước 13 ha, mặt đất 3,7 ha (quy tròn, không nói rõ chỉ giới).
3-Quy mô hoạt động: 10 thuyền gỗ chở khách; 10 thuyền đạp vịt 2 chỗ ngồi; 01 ca nô cứu hộ; 20 chòi lợp lá dừa phục vụ câu cá ven bờ; một bè nổi kích thước 25 x 25m kết cấu khung thép bao vật liệu nổi.
4-Thời hạn hoạt động 5 năm, kể từ ngày cấp phép.
Từ chỗ Kết luận thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án du lịch sinh thái hồ Kênh Hạ với một thái độ kiên quyết, dứt khoát, yêu cầu các sở ngành xử lý, báo cáo lãnh đạo tỉnh rất nghiêm minh; đến việc rất nhanh chóng tiếp tục cho hoạt động, nhưng lại trong một phạm vi hạn chế, bằng một văn bản “dơi không ra dơi, chuột cũng chẳng phải chuột”, lủng củng về câu từ, chữ nghĩa, bất nhất về thể loại, thể thức văn bản.
Giấy phép hoạt động của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành ngày 09/01/2019, thì bất ngờ thay, ngày 20/2/2019 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa lại ra Quyết định “Chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 7/5/2014” cho Công ty TNHH Hải Đăng ở hồ Kênh Hạ, theo nội dung Thông báo số 734/TB-UBND ngày 16/11/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa do ông Đào Công Thiên ký?!
Đến thời điểm này, khi ông Đào Công Thiên đã dính vòng lao lý, phải đứng trước vành móng ngựa, thì ai cũng có thể lý giải vì sao ở cương vị đương kim một Phó Chủ tịch tỉnh mà ông Đào Công Thiên lại dễ dàng thay đổi ý kiến của mình như trở bàn tay để làm cái việc đầy khuất tất, nhập nhằng đến vậy? Phải chăng là do “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” như một loạt Dự án sau này để ông Thiên phải rơi vào con đường lao lý (đã ra tòa lãnh án 10 năm tù của hai vụ án và đang tiếp tục ra tòa để lãnh án ở các vụ tiếp theo) hay còn vì một lý do nào khác?
![]() |
Hồi đó khi loạt bài báo của chúng tôi đăng lên, tác giả loạt bài báo đã bỏ tiền cá nhân mua mỗi số vài trăm tờ để gửi đến tất cả các đồng chí lãnh đạo ở xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, các sở ban ngành liên quan. Sau khi báo xuất bản, đi đến đâu tôi cũng nhận được lời khen ngợi, sự động viên, ủng hộ, thể hiện niềm mong đợi của cán bộ, đảng viên, nhân dân, của các CCB TP.Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa...
Tuy nhiên, cái mà tôi cần, chờ đợi là ý kiến của lãnh đạo tỉnh, các địa phương và ngành chức năng liên quan về việc cần phải xem xét xử lý những vấn đề báo nêu như thế nào thì lại chưa có (!). Duy nhất chỉ có nhà báo, CCB Lê Bá D. (lúc bấy giờ là Trưởng Văn phòng đại diện báo Văn Hóa), cựu chiến sỹ thành cổ Quảng Trị, tác giả của mấy câu thơ “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ, đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”, người bạn (nhỏ hơn tôi vài tuổi) đồng hương, đồng đội, đồng nghiệp mà tôi luôn quý trọng đã tìm đến. Anh rủ tôi đi nhậu. Khi cuộc nhậu vừa bắt đầu thì xuất hiện người thứ ba. Bất ngờ với tôi, đó là ông Lê Xuân Thơm, Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng. Anh D. giới thiệu và đặt vấn đề nhờ tôi giúp đỡ ông Thơm về “Dự án căn cứ Đồng Bò”.
Hôm đó, lúc đầu tôi bất ngờ nên bối rối, nhưng đã lựa kế dung hòa để không mất lòng hai người. Tôi đề nghị ông Thơm cung cấp thông tin để “rộng đường dư luận”. Mấy hôm sau ông Thơm mang đến cho tôi một công văn ghi đơn vị phát hành là Công ty TNHH Hải Đăng, do ông ký, có dấu đỏ, cho biết lý do ông đập bỏ bảng hiệu “Mật khu Đá Hang” và thay vào đó ở một vị trí khác nhưng vẫn thuộc căn cứ Đồng Bò cái tên Kalina Lake View (tên khách sạn của ông ở đường Hùng Vương, Nha Trang). Tôi không nói gì với ông Thơm cũng như anh Lê Bá D., nhưng tự xác định: Không được, vì không đúng! Và thế là cuộc đấu tranh của một đảng viên, CCB, nhà báo già lại buộc phải tiếp tục.
Tôi cứ băn khoăn không hiểu sao Lê Bá D. lại nhờ tôi làm cái việc vừa khó lại vừa sai sự thật, sai pháp luật và lương tâm nhà báo đến như vậy? Với anh, có thể nói tôi đã sống hết mình. Trước đó, khoảng năm 2016 - 2017, tôi từng có loạt bài điều tra 5 kỳ với tựa đề: “Tấm ảnh Bác Hồ và lời thề viết bằng máu của Lê Bá D.”; ra sức bảo vệ khi anh bị đồng đội đánh te tua, cho là anh có hành vi giả mạo; tấm ảnh một thời được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội như một kỷ vật quý, nay buộc phải đưa tấm ảnh ra khỏi Bảo tàng Quân đội, do đồng đội anh phản biện cho là không đúng. Và nữa, anh D. cũng bị đục bỏ tên tác giả mấy câu thơ đúc trên bia tại Thành cổ Quảng Trị, mặc dù bài thơ này đã được anh xin xác nhận bản quyền của Bộ Văn hóa. Tiếp đến năm 2018 tôi lại có loạt bài thứ 2 dài 3 kỳ: “Người thả hoa trên sông Thạch Hãn”, để cổ vũ và bênh vực anh. Vậy mà giờ đây chẳng nhẽ anh lại đưa tôi vào thế bí, ép đồng nghiệp phải đi ngược lại sự thật? Mà quan trọng hơn, căn cứ cách mạng Đồng Bò còn có anh linh các anh hùng liệt sỹ trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc!
|
![]() |
Tuy nhiên, tôi vẫn lẳng lặng làm cái việc mà mình đã quyết định: Bảo vệ sự thật! Tôi đi khắp các cơ quan thẩm quyền, địa phương liên quan của TP. Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa để thu thập thêm thông tin. Ở đâu tôi cũng nhận được sự đồng tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đồng chí và đồng đội. Tất cả đều thống nhất rằng: Dự án căn cứ cách mạng Đồng Bò là tài sản của Nhà nước, một loại di sản văn hóa cách mạng đặc biệt, phải do Nhà nước quản lý, tôn tạo, sử dụng, phát huy giá trị, chứ không thể giao, hoặc hợp tác với bất cứ tổ chức, cá nhân nào vì mục đích lợi nhuận.
Ngày 15/9/2019 tôi viết đơn tố cáo gửi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Quân khu V, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ủy ban kiểm tra Trung ương; yêu cầu làm rõ những sai phạm ở Dự án tái hiện khu căn cứ cách mạng Đồng Bò; lấy lại dự án đó để phục vụ yêu cầu giáo dục cách mạng tại địa phương; đồng thời xử lý cán bộ sai phạm, bất cứ họ ở cơ quan, đơn vị nào.
Ngày 3/5/2020, tôi gửi đề xuất kèm theo một bộ hồ sơ đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Định. Ngày 29/5/2020 tôi vinh hạnh có buổi làm việc với đồng chí Bí thư. Sau hai giờ làm việc, ông Định Kết luận: Thừa nhận nội dung báo cáo và kiến nghị của tôi về căn cứ Đồng Bò; giao cho Đảng đoàn UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch tỉnh chỉ đạo cơ quan thẩm quyền làm thủ tục báo cáo Bộ Tài chính ban hành Quyết định giao về cho tỉnh Khánh Hòa theo quy định của pháp luật.
Ngày 26/6/2020 tôi có bài viết “Hai giờ làm việc với Bí thư tỉnh Khánh Hòa” đăng trên tạp chí Người cao tuổi và Ngaymoioline. Nội dung bài báo phản ánh những gì mà tôi đã báo cáo kiến nghị và Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Khắc Định đã kết luận.
![]() |
Hình ảnh tại buổi làm việc. Tôi đứng báo cáo toàn bộ sự việc. Đối diện là Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Khắc Định đang lắng nghe và ghi chép. |
Ngày 31/8/2020 tại công văn số 8992/UBND-NC về việc trả lời tôi, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thừa nhận:
1-Công trình chưa được nghiệm thu nhưng ngày 12/3/2014 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã ký Biên bản tạm giao mặt bằng khu đất và tài sản trên khu đất tái hiện căn cứ Đồng Bò cho Công ty TNHH Hải Đăng là chưa đúng quy định.
2-Xét thấy việc UBND tỉnh đồng ý cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh là cơ quan Nhà nước liên doanh liên kết với Công ty TNHH Hải Đăng kinh doanh du lịch là chưa đúng quy định tại Khoản 2, Điều 6, Luật Quản lý tài sản nhà nước năm 2008.
3-Giấy phép số 68/GP-UBND ngày 9/1/2019 của UBND tỉnh chỉ cho phép Công ty TNHH Hải Đăng được quyền sử dụng phần diện tích thuộc phạm vi bảo vệ hồ chứa nước với mục đích hoạt động du lịch và thời gian hoạt động 5 năm, không liên quan đến Dự án tái hiện căn cứ Đồng Bò.
Văn bản của ông Tuân còn cho biết: Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên trách là Sở Tài chính, Văn hóa - Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Quân khu V và Bộ Quốc phòng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính ban hành Quyết định điều chuyển tài sản “Căn cứ Đồng Bò” về cho địa phương quản lý theo quy định.
Tháng 6/2021, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên cả nước, trong đó có Khánh Hòa, nhưng được biết ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì một cuộc họp bàn thảo về Dự án căn cứ Đồng Bò. Tại cuộc họp ông Thiệu kết luận: Tỉnh thu hồi dự án này giao cho Sở Văn hóa - Thể thao quản lý, khai thác, sử dụng và tôn tạo; Giao cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh hồ sơ văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành quyết định.
Cũng tại cuộc họp này, được biết ông Lê Xuân Thơm đã thể hiện sự đồng tình chủ trương của tỉnh và hứa sẽ không tính toán gì khoản tiền đã bỏ ra tôn tạo dự án mấy năm qua, coi đó là phần đóng góp của mình ối với địa phương (công nhận là ông Thơm đã bỏ ra số tiền khá lớn để tôn tạo, làm cho một số điểm ở khu căn cứ đẹp hơn, trừ những chỗ ông Thơm làm biển hiệu là không đúng, và nhiều chỗ di tích để cho xuống cấp hoang tàn. Tuy nhiên, cần nói rõ số tiền thu được trong việc kinh doanh du lịch qua mấy năm ông Thơm thu về cũng không hề nhỏ).
Thế nhưng, đến quý III/2022, thấy chưa có động thái gì đến việc thu hồi Dự án căn cứ Đồng Bò, với tư cách Nhà báo tôi đã đặt câu hỏi chuẩn bị cho cuộc Họp báo. Vậy mà đến khi cuộc họp báo diễn ra thì không ai trả lời câu hỏi của tôi, chỉ nghe người phát ngôn UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hà cho biết: Hiện nay Bộ Tài chính đang xem xét để ban hành quyết định. Tôi hết sức quan ngại về sự chậm trễ này, nhưng vẫn phải bấm bụng chờ đợi và hy vọng vào lẽ phải, vào sự công tâm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.
Thế rồi Tết Qúi Mão 2023 đến. Những ngày cận Tết, khi các ấn phẩm báo Xuân được phát hành thì tôi bất ngờ trước các trang quảng cáo, bài PR về Dự án căn cứ Đồng Bò, trong đó đáng nói và đáng thất vọng có bài “Khu du lịch Hồ Kênh Hạ và chuyện ăn khế trả vàng” của tác giả Lê Bá D. đăng trên một tờ tạp chí của một Hội nghề nghiệp ở Trung ương.
Bài báo “Khu du lịch Hồ Kênh Hạ và chuyện ăn khế trả vàng” của tác giả Lê Bá D.
Như vậy, từ khi có kết luận của ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao dự án Căn cứ Đồng Bò về cho Sở Văn hóa-Thể thao, quản lý, sử dụng, tôn tạo... từ tháng 6/2021 đến nay đã 2 năm nhưng động thái chuyển giao vẫn chưa được thực hiện. Trong lúc đó dịp Tết quý Mão 2023 lại rộ lên lại rộ lên một đợt quảng cáo, PR như là một dự án du lịch sinh thái của doanh nhân Lê Xuân Thơm, Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng. Tiêu biểu là bài đăng mấy trang khá hoành tráng trên tạp chí “Khu du lịch Hồ Kênh Hạ và câu chuyện ăn khế trả vàng” của tác giả Lê Bá D.
Liệu có phải ông Thơm đã “trả vàng”, nhưng trả cho ai, ai nhận vàng? Trong khi đó biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào ngã xuống vì độc lập dân tộc, nhắc nhở rằng “Khu di tích căn cứ cách mạng Đồng Bò cần được đưa về đúng vai trò lịch sử” thì ai làm?
(Còn nữa)
Nguyễn Xuân