Bài II: Liệu đã có dấu hiệu trốn thuế và nhập lậu?
Chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức do Thuduc Agromarket Co.Ltd quản lý, kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp; thực hiện các hoạt động kinh doanh, đăng ký theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Các khoản thu từ hoạt động ở chợ bao gồm: Tiền thuê sử dụng địa điểm kinh doanh (cho thuê đất), cung cấp dịch vụ hàng hóa, dịch vụ bốc xếp, kho bãi, dịch vụ bảo vệ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày đi vào hoạt động đến nay, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cấp thẩm quyền và ngành chức năng, lãnh đạo chợ đã có những việc làm mà theo chúng tôi cho là chưa đúng pháp luật, cần được kịp thời xem xét, kết luận, xử lý.
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ. Theo đó, quy định các loại hóa đơn, tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, nội dung ghi trong hóa đơn… đều rất rõ ràng và cụ thể. Các khoản tiền thu có giá trị từ 200.000 đồng trở lên đều phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ hay hóa đơn điện tử) theo mẫu do Bộ Tài chính quy định. Tuy nhiên, ở Thuduc Agromarket Co.Ltd thì lại không làm như thế. Đơn cử các trường hợp thu tiền thuê sảnh có giá trị hàng chục triệu đồng mỗi tháng, với mỗi lần thu, nhưng Ban quản lý chợ chỉ xuất phiếu thu tiền do Thuduc Agromarket Co.Ltd phát hành. Tương tự, tiền công bốc xếp hàng theo chúng tôi nắm được, loại phiếu thu từ 200.000 đồng trở lên thu được trong các năm: Năm 2015: 19.735.000 đồng. Năm 2016: 19.633.500 đồng; Năm 2017: 29.107.000 đồng; Năm 2018: 24.422.000 đồng; Năm 2020: 10.239.000 đồng, đều không ghi hóa đơn. Tiền bốc xếp được thu hàng ngày, phiếu thu tự in hoặc viết tay, thậm chí không có chữ ký của người thu.
Một lĩnh vực khác mà chúng tôi lấy làm hết sức trăn trở và lo ngại. Đó là loại hàng nông sản nhập từ Trung Quốc. Lâu nay chúng ta ai cũng cứ tưởng trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc và nếu không có Trung Quốc tiêu thụ thì Việt Nam… gặp khó khăn, thậm chí sẽ chết? Thực tế hoàn toàn không đúng như vậy (!).
|
Chúng ta vẫn thường thấy, thi thoảng lại có đợt hàng trăm xe containes, xe tải loại lớn trái cây Việt Nam bị dồn ứ tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, như hiện nay đang diễn ra. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa vụ thanh long, dưa hấu, xoài… ở Việt Nam chín rộ, các thương lái người Việt vận chuyển hàng sang Trung Quốc tiêu thụ. Lúc đầu họ rất sốt sắng, đặt mua với giá hấp dẫn; nhưng khi hàng vào thời điểm tập trung lớn thì họ “vô tư đóng cửa biên giới” (?). Vậy là hàng đoàn xe tải, xe container chở trái cây Việt Nam lại phải nằm la liệt bên cửa khẩu biên giới. Trái cây hư hỏng phải vứt bỏ hàng loạt hoặc bán tống, bán tháo, chấp nhận lỗ nặng. Thực tế này không chỉ xảy ra một lần và cũng không chỉ là loại trái cây thanh long, dưa hấu… mà đã nhiều lần và nhiều thứ hàng hóa khác. Trong khi hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải chịu cảnh “sáng nắng, chiều mưa” thì trái cây và nông sản khác của Trung Quốc cứ vô tư tuồn vào Việt Nam cả ngày lẫn đêm, hết tuần này sang tháng khác, một cách ngang nhiên đáng lo ngại. Chúng ta cứ tưởng tượng, chợ Đầu mối nông sản Long Biên, Hà Nội, theo Ban quản lý chợ thì các loại rau, củ, quả, trái cây chiếm 77% so vói các loại hàng hóa khác; trong số đó nguồn gốc phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc.
Với loại hàng trái cây, thì Luật Hải quan quy định không phải loại trái cây nào cũng được nhập khẩu và trái cây nước nào cũng được nhập khẩu. Nhưng muốn được nhập khẩu phải hội đủ các điều kiện về thủ tục Hải quan như: Hợp đồng mua bán; đơn xin phép kiểm dịch; giấy phép đăng ký kinh doanh. Khi hàng về cửa khấu thì chủ hàng khai báo danh mục kiểm tra nhập khẩu; trình giấy phép cho kiểm dịch; đăng ký lấy mẫu kiểm dịch; lấy mẫu kiểm dịch và làm thủ tục thông quan nhập khẩu. Hồ sơ thông quan phải có đầy đủ các chứng từ và giấy xác nhận kiểm dịch thực vật; tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Khi hồ sơ đầy đủ, sẽ được Hải quan cấp chứng thư đạt yêu cầu và hàng hóa sẽ được thông quan.
Trở lại hàng hóa nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc vào chợ đầu mối Thủ Đức. Chúng tôi đã có nhiều ngày và đêm đi khảo sát ở chợ này nhưng rất hiếm thấy các loại trái cây hay củ quả của Trung Quốc được đóng hộp, ghi nhãn mác xuất xứ từ Trung Quốc. Thủ tục xuất nhập như thế nào khách hàng không cho biết rõ, nhưng khi vào Việt Nam, lái xe mang theo một Hợp đồng vận chuyển chỉ ghi họ tên, số điện thoại, CMND lái xe; không có họ tên, địa chỉ, số điện thoại chủ hàng mà chỉ có chữ ký. Hàng hóa không kèm theo bất cứ loại giấy tờ nào của Hải quan cũng như ngành thuế.
![]() |
Phiếu thu tiền các ô sảnh của Ban quản lý Thuduc Agromarket Co.Ltd, phát hành trái quy định của pháp luật vè tài chính. |
Ở chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức tuy xa biên giới Việt Nam - Trung Quốc cả ngàn km, lại nằm giữa vựa trái cây và nông sản của các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nhưng từ lâu, trái cây, rau, củ của Trung Quốc đã chiếm một thị phần lớn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Hàng ngày có khoảng hơn 800 tấn rau, củ, trái cây từ Trung Quốc đưa vào chợ đầu mối nông sản Thủ Đức bằng cả đường bộ và đường thủy, chiếm gần 1/3 tổng số lượng hàng hóa của chợ. Chúng tôi đảm bảo nếu người tiêu dùng biết đó là hàng hóa Trung Quốc thì họ không bao giờ sử dụng. Nhưng bởi hàng hóa Trung Quốc sau khi được thay nhãn mác Mỹ, Hàn Quốc, Oxtraylia, Thái Lan và phổ biến là của Việt Nam… thì nó được phân phối đưa đi tiêu thụ khắp TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và chạy ngược ra cả miền Trung.
Chúng tôi không tính toán cụ thể được về mức thất thu thuế ở Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nhưng áng chừng là rất lớn, khả năng không kém Thuduc House đã bị Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh thanh tra và kết luận. Chúng tôi cũng chưa dám cho rằng Thuduc Agromarket Co.Ltd đã có dấu hiệu buôn lậu các loại rau, củ, quả… từ Trung Quốc, nhưng những gì thu thập được thì việc Thuduc Agromarket Co.Ltd có thể đi theo vết xe của Thuduc House đã bị Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh kết luận về việc buôn lậu hàng điện tử sang Campuchia là điều khó tranh khỏi.
Theo quy định của pháp luật thì quy hoạch và quản lý quy hoạch phải được thực hiện hết sức nghiêm túc. Không có chuyện mỗi diện tích đất, cùng một lúc sử dụng với nhiều công năng. Gần 1.500 tiểu thương đã thuê lô sạp trong chợ, góp vốn xây dựng chợ đã chịu rất nhiều ảnh hưởng bởi các loại ô, sảnh ở các hành lang và bãi đậu xe mà Ban quản lý chợ đã sử dụng sai mục đích, thu lợi bất chính. Đây có thể nói là một vi phạm mà Ban quản lý Thuduc Agromarket Co.Ltd đã mắc phải. Nhưng điều chúng tôi trăn trở hơn không phải là chổ này mà ở chỗ mức phí và lệ phí mà Ban quản lý chợ đặt ra đã không đúng với quy định của Nhà nước liên quan đến thuế.
Như vậy, dấu hiệu sai phạm về thuế ở Thuduc Agromarket Co.Ltd là khá rõ ràng; còn việc có buôn lậu hay không theo chúng tôi cũng là điều khó tránh. Nhưng để trả lời những câu hỏi này một cách chính xác, đúng thẩm quyền thì chỉ có cơ quan chức năng mới làm được. Đó là Cục thuế và Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh và nhất là khi cơ quan điều tra Bộ Công an đã vào cuộc điều tra về hành vi lừa đảo của ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Thuduc House kiêm Giám đốc Chợ, thì đề nghị xem xét luôn các dấu hiệu vi phạm pháp luật như chúng tôi vừa nêu. Lúc đó, câu trả lời mới có thể được làm sáng tỏ.
Nguyễn Xuân
(Kỳ 3: Có hay không lợi ích nhóm? Đôi điều kiến nghị!)