Mạo danh “Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM” để trà trộn tham gia hội thảo
Như độc giả đã biết, Lê Hoàng Giang không còn là cán bộ của ĐHSP TPHCM từ ngày 1/11/2016 do bị tinh giản biên chế. Kể cả trước đây, khi còn công tác tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM thì Lê Hoàng Giang cũng hoàn toàn không phải là giảng viên mà chỉ là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu giáo dục (thuộc trường). Thế mà, sau khi bị mất việc tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Giang vẫn tiếp tục lấy cái mác giả mạo “Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM” để đi lòe mọi người, trong đó có nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên Tiểu học và Trung học.
![]() |
Trên facebook cá nhân của mình, Giang ngang nhiên đề mình là “Giảng viên Trường ĐHSP TPHCM”. Những tưởng như vậy chỉ là việc khoe mẽ. Nhưng không, Giang không chỉ trưng cái mác “giảng viên” trên facebook mà còn dùng nó để có thể trà trộn tham gia vào các hội thảo khoa học toàn quốc.
Gần đây nhất, ngày 7/6/2019, tại Hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Ngôn ngữ Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển” do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức, người ta thấy Lê Hoàng Giang “hiên ngang” gửi bài tham gia và đề mình là “Giảng viên Trường ĐHSP TPHCM”. Với cái mác “giảng viên” giả mạo này, Giang đã dễ dàng trà trộn vào hội thảo và có bài đăng trong Kỉ yếu, củng cố danh xưng giả mạo để tiếp tục có những hoạt động lừa đảo, trục lợi.
Như vậy, Lê Hoàng Giang đã mạo danh là giảng viên của một trường ĐH công lập uy tín của TPHCM để len lỏi vào các hoạt động chuyên môn của các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Điều này gây hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Trường ĐHSP TPHCM.
Mạo danh “Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM” để mở lớp dạy thêm
Tra thông tin trên mạng, có thể thấy ngay Lê Hoàng Giang đã đăng kí làm gia sư tại nhiều trung tâm gia sư tại TPHCM để dạy thêm cho học sinh trung học cơ sở. Ở bất cứ đâu, Giang luôn giới thiệu mình là “Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM” nhằm tạo một vỏ bọc uy tín, đánh lừa phụ huynh và học sinh. Thực tế thì Giang chưa bao giờ là “Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM” cả.
Nghiêm trọng hơn, vẫn với cái mác “Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM”, Giang thậm chí còn mở các lớp “đào tạo” và “bổ túc” cho… giáo viên Ngữ văn, Tiếng Việt. Chẳng hạn, ngày 29/8/2020, dưới danh nghĩa “Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM”, Giang ngang nhiên mở chuyên đề Dạy học Tích hợp môn Ngữ văn dành cho GV Trung học (30 tiết). Nhiều giáo viên đã lầm tưởng Giang là tiến sĩ, là giảng viên trường ĐHSP TPHCM nên đã nhanh chóng nộp tiền, đăng kí khóa học trực tuyến. Họ đâu có biết rằng họ đang bị mắc lừa, bị trục lợi bởi một gã giảng viên rởm, tiến sĩ tự phong.
Cũng với mác giảng viên này, Giang còn lập hẳn một kênh YouTube cá nhân, đưa các “bài giảng” của mình trong các khóa học mà Giang tổ chức lên mạng. Đồng thời, Giang chia sẻ rộng rãi các clip này trên nhiều diễn đàn trực tuyến khác nhau nhằm câu view, thu hút thêm nhiều người nhẹ dạ cả tin. Giang còn tổ chức các khóa học theo kiểu “đa cấp”: Giang sẵn sàng chia phần trăm “hoa hồng” cho admin của các diễn đàn nếu anh ta “vợt” được nhiều học viên. Không chỉ dừng lại đó, Giang còn lấy danh nghĩa “Giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM” để đăng kí giảng dạy tại trường Trung cấp Việt Giao.
Các hành vi mạo danh để trục lợi của Lê Hoàng Giang đã diễn ra trong một thời gian dài, có chủ đích, có tổ chức, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và danh tiếng của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Tiến sĩ, giảng viên rởm Lê Hoàng Giang làm loạn các diễn đàn
Ngoài những hành vi phạm pháp vu khống, dựng chuyện, bôi nhọ các cơ quan trực thuộc chính phủ và các cá nhân lãnh đạo, Lê Hoàng Giang còn lân la đến nhiều diễn đàn của giáo viên Tiểu học và Trung học trên mạng để đăng bài, “câu” giáo viên và học sinh đến đăng kí học tại các khóa học do anh ta tự tổ chức dưới danh nghĩa “Tiến sĩ”, “Giảng viên Trường ĐHSP TPHCM”.
Cái vỏ bọc lừa đảo hoành tráng của Giang đã làm lóa mắt không ít giáo viên và phụ huynh. Thế nhưng, dầu có ngụy trang khéo léo thế nào thì bản chất và năng lực của Giang chẳng chóng thì chầy cũng lộ diện.
Xem một số cái gọi là “bài giảng” của Giang trên YouTube, nhiều chuyên gia về Sư phạm Ngữ văn và Ngôn ngữ học không khỏi lắc đầu ngao ngán vì các video đó đều không có giá trị sư phạm và học thuật. Sẽ thật vô cùng nguy hại nếu nhiều giáo viên theo học và nghe theo những lời rao giảng của Giang. Đọng lại cho người xem chỉ là những lời đe dọa theo kiểu “đầu đường xó chợ”. Chẳng hạn, tại clip đăng ngày 29/5/2020 trên YouTube, Giang đã đe dọa một TS ở Trường ĐHKHXH và NV TPHCM như sau: “nếu như nhà báo không giấu tên [vị tiến sĩ kia] thì tôi tìm đến ông này tôi chửi. Dạy ngữ pháp chức năng cho học sinh phổ thông à? Ngu vậy” (!?).
Điều trớ trêu là chính vị “giảng viên đại học rởm” Lê Hoàng Giang này trong rất nhiều các bài đăng và bình luận trên các diễn đàn có nhiều diễn đạt ngô nghê và thường xuyên sai chính tả! Không chỉ có vậy, nhiều kiến thức của Giang, trong tư cách giả mạo của một Giảng viên Trường ĐHSP TPHCM, là sai trái, vô căn cứ và phản khoa học với một thái độ hung hăng, ngạo mạn, vô văn hóa, vô liêm sỉ như nhiều nhận xét của các giáo viên trong diễn đàn Ngữ văn THCS.
Chính nhiều giáo viên trên các diễn đàn cũng dần nhận ra cái “đuôi cáo” của Giang và họ đã bày tỏ sự bất bình, đồng thời đã đặt ra những nghi ngờ về tư cách “Giảng viên Trường ĐHSP TPHCM” và học vị “Tiến sĩ” mà Giang công khai viết trên facebook của mình. Chẳng hạn, chị Thu Hoài Nguyễn nhận xét: “đăng cái tin gì mà chính tả sai be bét”. Còn chị Phan Hà Hồi nhận xét thẳng: “Đúng là rất ngạo mạn! GV dạy văn viết sai chính tả lại còn lên giọng cười người khác”. Chị Vũ Thị Minh Nguyệt chỉ rõ trình độ của Giang chỉ đáng “đi học lớp 1” khi viết chữ “ghém” còn sai chính tả (viết thành gém). Chị Nguyệt viết: “ kiến thức [của Giang] thì chẳng đến đâu, kiểu ếch ngồi đáy giếng mà thái độ rất ngạo mạn ngay trong bài viết và trong cách trả lời các bình luận của mọi người, chủ top không thấy xấu hổ à”. Ngay trong thông báo “quảng cáo” khóa học tự chế của Giang dành cho giáo viên Tiểu học và THCS, người ta cũng dễ dàng nhận thấy những điểm “bất thường”. Anh Toàn Công Nguyễn nhận xét: “Thầy là giáo viên mà thầy viết cái thông báo tôi đọc chẳng hiểu thầy đang nói gì. Câu cú, diễn đạt, ngữ pháp, chính tả...”.
Vì thế, rất nhiều giáo viên trong diễn đàn dần thấy được bộ mặt thật của Lê Hoàng Giang. Họ đặt nghi vấn về cái gọi là “Tiến sĩ” mà Giang tự khoác lên mình. Chị Hương Trang bình luận: “Mình thấy ghi Tiến sĩ, mà gém viết như vậy. Thứ tiến sĩ như này người ta hay gọi là...”. Chị Lương Lê Thi nhận xét: “Ôi trời, ông ấy là tiến sĩ ngôn ngữ cơ đấy mọi người. Ghê hồn. Tiến sĩ ngôn ngữ "gói gém". Chị Minh Nguyệt nhấn mạnh thêm: “chả hiểu sao mà là tiến sĩ với giảng viên đại học khi kiến thức tầm thường thế, viết chữ còn sai lỗi chính tả không bằng trẻ lớp 1, cười cợt người khác thì nhân cách cũng vứt đi”. Về tư cách “giảng viên Trường ĐHSP TPHCM” mà Giang tự phong cho mình, nhiều giáo viên trong diễn đàn cũng nhận ra sự bất thường. Anh Thanh Huu Nguyen bình luận: “Giảng viên đấy, khổ cho ai là học viên rồi.” Anh Đậu Chinh than phiền: “giảng viên hả bạn? Không tin nổi luôn á!”. Còn chị Lương Lê Thi nhận xét thẳng thắn: “May ngày đó mình học ngôn ngữ thầy Hoàng Dũng, Tiếng Việt thực hành thầy Trần Hoàng, cho đến bây giờ những gì các thầy dạy đều giúp ích rất nhiều. Và đó là những người mình thực sự kính trọng, mình luôn tự hào về chất lượng đào tạo của trường mình. Mình không biết Tiến sĩ Hoàng Giang Lê này”. Chị Thi cũng nghi ngờ về “giảng viên” tên Giang này: “Mình có bạn cũng đang dạy ngôn ngữ ở đó, để mình hỏi bạn ấy và thầy mình xem ông thầy này làm sao nữa?”.
Điều nực cười là ở chỗ, Lê Hoàng Giang tỏ ra rất hung hăng, tích cực bình luận trong các bài đăng, nhưng khi các giáo viên đặt nghi ngờ về tư cách giảng viên và học vị tiến sĩ mà Giang tự bịa ra thì Giang hoàn toàn im bặt, lặn mất tăm.
Lê Hoàng Giang dường như có suy nghĩ càng chỉ trích mạnh, chê bai mạnh người khác, không ngại bịa đặt trắng trợn, dùng từ ngữ tục tĩu thì mình càng nổi tiếng. Trở lại với Hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Ngôn ngữ Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển” do trường Đại học Thủ Dầu Một (ĐH) phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức, một mặt Lê Hoàng Giang gửi bài tham gia, mạo danh là “Giảng viên Trường ĐHSP TPHCM”, một mặt vu khống (dùng những lời lẽ tục tĩu không nên có ở một kẻ tự nhận làm nghề giáo) GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và công việc ở Viện Ngôn ngữ học, với cái tút (viết trên face của Hoang Giang Le), nguyên văn: “Là Viện trưởng, ông Hiệp xách đít từ Hà Nội và Dh TDM ngồi chễm chệ cho có mặt, k một bài viết tham dự, k một tham luận phát biểu. Hội thảo cấp QG mà vô trách nhiệm thế thì Tạp chí NHh bị dẹp thì giải thể viện Ngôn ngữ học luôn”. Kỳ thực, theo điều tra của phóng viên Tầm Nhìn, GS Hiệp đã tham gia điều hành một tiểu ban của Hội thảo, đồng thời GS Hiệp có báo cáo được đăng toàn văn trong Kỷ yếu của Hội thảo, đó là báo cáo “Trật tự từ trong tiếng Việt từ góc nhìn của ngữ pháp chức năng hệ thống như là phương tiện biểu đạt tình thái”.
![]() |
Lê Hoàng Giang tiếp tục mạo nhận "Giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM" để vào "Giảng dạy bộ môn Ngữ văn" tại trường Trung cấp Việt Giao.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tầm Nhìn, PGS-TS Đặng Ngọc Lệ - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Tôi đã có 54 năm dạy đại học trong đó từ 1988 là giảng viên Khoa Ngữ văn của ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Tôi biết anh Lê Hoàng Giang trước đây học tại Đại học Quy Nhơn, nhưng anh Giang tự nhận là giảng viên ĐHSP TPHCM là không đúng. Theo tôi, đã làm nghề giáo, thì cần phải có đạo đức, nhưng anh Giang đang mạo danh, đang lừa dối các cơ quan nhà nước, lừa dối học trò, rồi anh ta còn thô tục chửi bới, lăng mạ, xúc phạm, vu khống những người khác trên mạng xã hội, thì đó là điều một người tự nhận mình là nhà giáo thì không được làm, không nên làm”.
Cần sự khẩn trương vào cuộc của cơ quan điều tra
Những hành vi vi phạm pháp luật của Lê Hoàng Giang đã diễn ra trong một thời gian dài và có hệ thống. Giang đã mạo danh Tiến sĩ, mạo danh giảng viên Trường ĐHSP TPHCM trong nhiều năm qua để đánh lừa những người trong và ngoài ngành không có đủ thông tin. Giang đã mượn danh tiếng của Trường ĐHSP TPHCM để kiếm sống trong nhiều năm qua bằng việc chiêu dụ các lớp dạy thêm dưới danh nghĩa giảng viên của trường ĐH này. Không những thế, trong cái vỏ bọc của một giảng viên ĐH, Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Giang còn hoành hành trên nhiều trang, diễn đàn của giáo viên, đưa ra những bài viết, bình luận sai trái, ngỗ ngược, phản cảm, đi ngược lại với đạo đức của một nhà giáo, gây hoang mang cho không ít giáo viên. Những việc làm của Giang đã gây tổn hại cực kì nghiêm trọng đến uy tín của Trường Đại học Sư phạm TPHCM - ngôi trường đã bị Giang mạo danh.
Rõ ràng, Lê Hoàng Giang đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật với các tội như vu khống, phỉ báng, làm nhục người khác, mạo danh để trục lợi. Nạn nhân của Giang là các cơ quan công quyền, các cá nhân lãnh đạo, các giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, cho đến nay, Giang vẫn nhởn nhơ, chưa bị xử lí và tiếp tục “coi trời bằng vung”. Thiển nghĩ, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương vào cuộc xử lý để tránh những hậu quả nghiêm trọng do các hành vi vi phạm pháp luật của Lê Hoàng Giang gây ra.