Tạo sân chơi khởi nghiệp cho giảng viên, sinh viên
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã trở thành sân chơi cho đội ngũ giảng viên, sinh viên của đơn vị với nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng cao, hữu ích cho cuộc sống... Từ đây, Trung tâm đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện, hoạt động đào tạo và ươm tạo các nhóm khởi nghiệp, trở thành một trong những điểm sáng về hỗ trợ khởi nghiệp trong tỉnh Thái Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc.
Theo PGS. TS Nguyễn Hưng Quang, Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên: Với vai tò là đơn vị đi đầu trong hoạt động khởi nghiệp của Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Nông Lâm thời gian qua đã làm tốt công tác ươm tạo, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Hằng năm ngoài phát động khởi nghiệp thì trường cũng dành 1 khoản kinh phí hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp.
Đây là một trong những định hướng hết sức đúng đắn, bởi lẽ hội nhập và khởi nghiệp là những hành trang quan trọng mà sinh viên cần chuẩn bị trước khi xông pha vào “tâm bão 4.0” và khẳng định bản thân. Với môi trường đại học năng động, đào tạo theo định hướng hội nhập như đại học Nông Lâm Thái nguyênn, sinh viên chắc chắn sẽ có nền tảng vững vàng để phát triển 2 khả năng này.
Tới nay, Trung tâm đã tổ chức trên 10 khóa đào tạo với những chủ đề, nội dung khác nhau về kỹ năng khởi nghiệp cho các sinh viên, thậm chí cả giảng viên, cán bộ trong trường như: Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, kỹ năng pitching, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, mô hình Kinh doanh Canvas, sử dụng công cụ số trong kinh doanh… Các khóa học đều nhận được sự tham gia nhiệt tình và đánh giá cao về chất lượng từ những người tham gia. Qua những sự kiện này, Trung tâm đã thiết lập mối quan hệ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan và tổ chức khác nhau, để cùng cố vấn và hỗ trợ sinh viên trong quá trình khởi nghiệp.
Thông tin thêm về hoạt động của Trung tâm, PGS.TS Đàm Xuân Vận, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ Khởi nghiệp, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thông tin: Hàng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho cán bộ và sinh viên nhà trường. Chúng tôi tổ chức các cuộc thi trong đoàn trường để các bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp. Từ giải thưởng các bạn có thể mang mô hình đi dự thi ở các giải Quốc gia. Sau mỗi cuộc thi chúng tôi đều có hỗ trợ tổ chức thực hiện dự án, thương mại hóa sản phẩm”.
![]() |
Sinh viên đại học Nông lâm tiến hành nghiên cứu phục vụ cho các sản phẩm khoa học, sáng tạo |
Sản phẩm khoa học từ giảng đường đến thị trường
Một trong những thành công ngay từ năm đầu đi vào hoạt động của Trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp có thể kể tới dự án khởi nghiệp của sinh viên trong trường mang tên Anti - HPpro. Đây là dự án khởi nghiệp với sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày dạng viên nang từ thảo dược.
Anh Lưu Hồng Sơn, Giảng viên khoa Công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm Trường Đại học Nông lâm (ĐHNL), Trưởng nhóm nghiên cứu Sản phẩm chia sẻ: Ý tưởng về thuốc Anti-HPPro xuất phát từ những kinh nghiệm dân gian về công dụng của lá cây bồ đề trong điều trị bệnh dạ dày. Ban đầu, đây chỉ là một đề tài cấp cơ sở do Khoa Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm thực hiện. Tuy nhiên, để tăng tính thực tiễn và mở rộng phạm vi nghiên cứu, chúng tôi đã kéo các sinh viên cùng vào làm việc, tạo môi trường cho các em được thử sức với việc nghiên cứu khoa học.
![]() |
Các thành viên trong dự án quảng bá sản phẩm Anti-HPpro |
Kết quả, dự án đã đạt được nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Đại học Thái Nguyên lần thứ nhất năm 2017; Top 10 TECHFEST Việt Nam 2017; Tham gia Triển lãm Taiwan Innotech Expo 2018 tại Đài Loan. Năm 2019, sản phẩm tiếp tục lọt Top dự án được hỗ trợ đào tạo thương mại hóa, kết quả nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh. Năm 2020 dự án được nhận Bằng độc quyền sáng chế. Từ đó đến nay là 1 hành trình. Nhóm dự án khởi nghiệp đã thành lập doanh nghiệp và phát triển, thương mại hóa sản phẩm.
Đến nay, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là một trường đại học tiêu biểu trong việc tham gia đào tạo nhân lực cho 16 tỉnh miền núi phía Bắc. Từ năm 2016 đến nay, doanh thu từ chuyển giao công nghệ của Nhà trường đạt 70 tỷ đồng với khoảng 30-40 hợp đồng mỗi năm. Thành công từ các dự án như trên chính là động lực để trường Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên trong thời gian tới tiếp tục có những chương trình, hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của các bạn trẻ.
Hoàng Nam