Hội nghị Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra vào ngày 09/05/2022 tại trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp .
![]() |
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Quang Huy – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng Đồng Đồng Tháp cùng các Vụ trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, đại diện các Sở LĐ-TB&XH, lãnh đạo Phòng Giáo dục nghề nghiệp của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại Hội nghị, Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính đã trình bày những nội dung chính của Chiến lược, về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các điểm mới của Chiến lược, kế hoạch triển khai Chiến lược trong thời gian tới và Kế hoạch triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên trình bày về bối cảnh, thách thức phát triển nguồn nhân lực, thực trạng tuyển sinh, đào tạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác tuyển sinh gắn với giải quyết việc làm thực hiện Chiến lược. Ông Phí Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra thông tin một số cơ chế, chính sách ban hành trong Quý I/2022 và quy định mới về quản lý đào tạo, miễn giảm học phí, liên kết đào tạo, việc cắt giảm điều kiện đầu tư và thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm, chính sách đang triển khai tại địa phương trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, phân luồng, tổ chức đào tạo trực tuyến, chuyển đổi số, chế độ làm việc, tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, danh mục đào tạo nghề cấp 4, miễn giảm học phí, chính sách đối với các doanh nghiệp khi tham gia công tác đào tạo nghề; việc tổ chức thực hiện các Tiểu dự án về giáo dục nghề nghiệp trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025… Các đề xuất, kiến nghị của đại biểu đã được Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao đổi, giải đáp tại Hội nghị.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã khẳng định: Chiến lược là khát vọng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, xác định phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tranh thủ thời cơ dân số vàng và lần đầu tiên có mục tiêu về đào tạo lại, phân tầng chất lượng. Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có các Tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, đây cũng là nguồn lực lớn để triển khai thực hiện. Tổng cục trưởng đề nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động thực hiện các nội dung: (1) Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược. (2) Tăng cường công tác truyền thông, tổ chức Hội nghị giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm của địa phương hàng năm. (3) Xây dựng kế hoạch triển khai các tiểu dự án, nội dung thành phần trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. (4) Đôn đốc việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. (5) Sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (6) Củng cố năng lực quản lý giáo dục nghề nghiệp cấp Sở, Phòng và các huyện. Khuyến khích các địa phương thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp của tỉnh để tham mưu, tư vấn trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung tuyển sinh đào tạo, chống đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động; rà soát, đánh giá và chuẩn bị kỹ các điều kiện để triển khai các tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia; chuẩn bị xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường trong giai đoạn 05 năm, 10 năm tới cho phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp của ngành, của địa phương.
Ngoài ra, còn có sự tham dự của các trường Cao đẳng, Trung cấp, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã nhấn mạnh vai trò của giáo dục nghề nghiệp là sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 đã định hướng sẽ mở rộng quy mô nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 30% có văn bằng, chứng chỉ vào năm 2025; tỷ lệ tương ứng là 75% và 40% năm 2030.
Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao về nhân lực có kỹ năng phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì Giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng hành vi và các kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu. Vì thế, mục tiêu chiến lược là cần phải phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường…
Để đáp ứng nhu cầu này, tại Hội nghị đại diện các trường, các Sở của các địa phương các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long cũng đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm đẩy mạnh nâng cao chất lượng, thu hút học sinh…và chương trình phát triển kinh tế xã hội cả vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cũng tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.