Chức danh “hàm” không phải là chức danh lãnh đạo, quản lý
"Hàm" là cái gì và nó có vị trí như thế nào trong thang bậc chức vụ của bộ máy nhà nước chúng ta? Liên quan đến vấn đề này Tầm Nhìn – Báo Tri thức và Cuộc sống đã trao đổi với Tiến sỹ Luật Lưu Bình Nhưỡng, Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc Hội.
Tiến sỹ Luật Lưu Bĩnh Nhưỡng cho biết, hiện nay trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về bổ nhiệm chức danh "hàm" trong cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, tại một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư vẫn bổ nhiệm chức danh “hàm” “do đặc thù công việc và để bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, đơn giản, đó chỉ là sự "vận dụng sáng tạo" trong công tác cán bộ mà thôi. "Hàm" được sinh ra để giải quyết khâu "vừa lòng" là chính, cho anh em khỏi "tâm tư" và để "đối ngoại" khi làm việc cho "ngang vai phải lứa". Và, sự lạm phát cấp phó khiến chức danh "Hàm" gia tăng đáng kể trong việc phong chức.
![]() |
Tiến sỹ Luật Lưu Bình Nhưỡng, Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó trưởng ban dân nguyện Quộc hội. |
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc Hội cho biết, Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ban hành tháng 10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã yêu cầu quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm".
Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án "Xây dựng tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia; tiêu chuẩn, chế độ trợ lý, thư ký các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước" để khắc phục việc bổ nhiệm chức danh "hàm" trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tại Nghị quyết 18 T.Ư 6 khoá 12 về "Một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" có yêu cầu "Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp hàm". Ngày 10/12/2018, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản số 6028/BNV-CCVC yêu cầu trong thời gian chưa có quy định mới của Bộ Chính trị, Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh “hàm”; các bộ, ngành, địa phương không bổ nhiệm mới chức danh “hàm” với cán bộ công chức, viên chức.
Tuy nhiên, vấn đề "Hàm" vẫn không được giải quyết, bị nêu ra để chất vấn tại phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII và của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng đã chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về vấn đề này, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc bổ nhiệm chức danh "hàm" ở các cơ quan T.Ư mà dư luận quan tâm từ khóa trước tới nay đã xử lý đến đâu?
Vấn đề này đã treo lơ lửng cả 2 nhiệm kỳ Quốc hội và bây giờ lại thêm một nhiệm kỳ nữa mà chưa có một câu trả lời nào rõ ràng và cụ thể. Như tôi đã chia sẻ “Tôi thấy, còn khá nhiều vấn đề ngổn ngang kiến nghị các cơ quan. Ai sẽ là người giải quyết vấn đề này, những vấn đề tôi đặt ra từ trước đến nay sẽ được giải quyết như thế nào?”.
Đến nay, ngày 19/8/2021, Ban chấp hành T.Ư đã ban hành Quy định số 30-QĐ/TW về tiểu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký. Vậy đã kết thúc việc bổ nhiệm “Hàm” chưa?
Và, vấn đề “Hàm” này được các vị đại biểu Quốc hội khác đưa ra cũng thế, đến bao giờ?, ông Nhưỡng tâm tư!
Một phương thức "lách luật" trong công tác cán bộ?
Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14 phân tích, so sánh chức danh “hàm” với chức vụ lãnh đạo, quản lý chúng ta có thể thấy có một số điểm khác nhau:
Một là, các chức danh “hàm” không thực hiện theo cơ chế bổ nhiệm mà được thực hiện theo cơ chế phong, thăng.
Hai là, các chức danh “hàm” không phải là các chức vụ lãnh đạo, quản lý, người được phong chức danh “hàm” vẫn thực hiện các nhiệm vụ theo chuyên môn; các nhiệm vụ này có thể do cấp trên trực tiếp phân công và chỉ đạo.
Ba là, chức danh “hàm” chỉ để thể hiện sự ghi nhận danh phận trong một tổ chức, cơ quan, ngành, lĩnh vực hoặc trong đời sống xã hội.
Bốn là, người giữ chức danh “hàm” cơ bản không thực hiện các chế độ, chính sách áp dụng như với người giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Như vậy, “hàm” không có trong quy định của Đảng và pháp luật có liên quan. Việc các cơ quan, đơn vị vận dụng để bổ nhiệm chức danh “hàm” và coi đó là chức danh tương đương với các chức danh quản lý vì có cùng hệ số phụ cấp là đang thực hiện không đúng pháp luật, dù biện minh đến đâu cũng chỉ là một phương thức "lách luật" mà thôi, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc Hội kết luận.