![]() | Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội |
![]() |
Quang cảnh hội thảo |
Vừa đóng vai trò thông tin tuyên truyền, định hướng, vừa là chủ thể chủ động chuyển đổi số, thậm chí phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số, truyền thông Đa phương tiện hiện nay đang có nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng phải đối diện với không ít thách thức.
Trong công cuộc chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, Truyền thông đa phương tiện cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung.
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho báo chí nhận ra rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, cần phải bắt tay vào làm ngay. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.
![]() |
TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường của VUSTA phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường của VUSTA, cho rằng, trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, báo chí có vai trò quan trọng, mang sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Không đứng ngoài cuộc, báo chí thực hiện chuyển đổi số là quá trình tất yếu để tồn tại và phát triển. Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đã có những chủ trương, chính sách để tạo điều kiện cho chuyển đổi số của báo chí. Thực tế, hiện nay nhiều tờ báo đã thực sự đổi mới, thay đổi phương thức làm báo, đưa tin, ứng dụng được công nghệ thông tin, bắt tay sớm vào chuyển đổi số.
Tuy nhiên, không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí, có những quy trình có thể rất thành công với cơ quan này, nhưng khi áp dụng lại hoàn toàn không hiệu quả với cơ quan khác. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án để chỉ đạo xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.
![]() |
Nhà báo Đặng Đình Chấn, Tạp chí Việt Nam hội nhập phát biểu tại hội thảo |
Đồng quan điểm, nhà báo Đặng Đình Chấn, Tạp chí Việt Nam hội nhập cũng trao đổi, chia sẻ những suy nghĩ của bản thân về lĩnh vực Chuyển đổi số báo chí: “Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó, thậm chí là rất khó, do lĩnh vực truyền thông luôn biến động không ngừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nếu làm được điều này, báo chí sẽ tồn tại và sau đó mới có thể phát triển, thậm chí nếu thành công sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các cơ quan báo chí phải nhất nhất thực hiện chuyển đổi số như nhau. Mà trước hết vẫn phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí. Nếu các cơ quan báo chí cảm thấy cần phải làm, nghĩa là phải chuyển đổi số thì mới giữ chân được độc giả, mới duy trì sự ảnh hưởng và thậm chí có thể tăng doanh thu, mới phát triển bền vững được, thì sẽ làm và làm tốt. Ngược lại, sẽ khó có sự khởi động tiền đề tốt được.
Theo ông Chấn, mỗi cơ quan báo chí cần thay đổi cách nhìn về chính mình trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, báo chí thực hiện chuyển đổi số phải đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa nguồn thu và xây dựng tòa soạn hội tụ thực chất để không còn có sự giằng co giữa cũ và mới. Đó chính là vấn đề tư duy.
Khi đã có tư duy đúng và thực sự muốn thực hiện chuyển đổi số thì người lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ tìm tòi và biết cách tạo ra một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, gắn với đội ngũ làm chuyển đổi số được đào tạo, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số.
Chuyển đổi số báo chí không chỉ là đầu tư thiết bị công nghệ mà còn cần tập trung làm nội dung cho tốt, Mà muốn có nội dung tốt thì yếu tố quyết định là Con người. Cho nên, cũng có thể nói, chuyển đổi số trong cơ quan báo chí không phải là một cuộc cách mạng quá lớn về công nghệ và thiết bị, mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo nói chung và của người đứng đầu cơ quan báo chí nói riêng. Bên cạnh đó, để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của Nhà nước mà trực tiếp là các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí rất quan trọng.
Về Giải pháp để báo chí thực hiện chuyển đổi số, theo nhà báo Đặng Đình Chấn có 3 giải pháp căn bản:
Thứ nhất, cơ quan báo chí phải coi trọng nhu cầu, tâm lý, thói quen của người đọc; chọn cho mình đối tượng công chúng phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tránh trùng lặp thông tin. Đồng thời phải xây dựng được nội dung có tính thu hút và thuyết phục thông qua những bài viết có chiều sâu, trung thực, khách quan đối với vấn đề đặt ra.
Thứ hai, cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm xây dựng tiềm lực con người – đó là đội ngũ những người làm báo vừa có tâm, có tầm và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Đây là vấn đề quan trọng nhất, nhưng cũng khó nhất trong điều kiện hiện nay; đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí nhỏ, tiềm lực hạn chế… Khó, nhưng không thể không thực hiện, phải làm dần dần, từng bước chắc chắn.
Thứ ba, cần đầu tư xây dựng tòa soạn theo hướng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, linh hoạt, thích ứng với xu hướng phát triển của ngành báo chí, truyền thông; coi trọng các nền tảng công nghệ, quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc, coi trọng nhân tài gắn với sự điều hành hiệu quả của bộ máy lãnh đạo tòa soạn. Đây là lĩnh vực cần đến nguồn lực tài chính không nhỏ; có thể đầu tư trên cơ sở khả năng, nhu cầu thực tế của cơ quan báo chí, theo hướng hoàn thiện dần, làm đâu được đó.
Nhân dịp này, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề, thực hiện được yêu cầu chuyển đổi số, đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật, phóng viên cần được tập huấn, cập nhật các kiến thức về chuyển đổi số và tác nghiệp theo hướng số hóa; lãnh đạo, quản lý, cơ quan báo chí cũng phải nâng cao trình độ, thấm nhuần tinh thần và sẵn sàng đối diện với những thách thức trong quá trình chuyển đổi số.../.