![]() |
Chả là trước đó, nhờ sự đam mê và chút duyên nghề nghiệp mang lại, tôi đã vinh dự được số phận chọn là người đại diện các Nhà văn cựu chiến binh của Việt Nam tổ chức cuộc vận động “Sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” từ năm 2004; đồng thời, cũng được bạn đọc cả nước tin yêu, coi là một trong những Nhà văn mặc áo lính chuyên về mảng tư liệu chiến tranh…
Thêm nữa, tôi và Cựu chiến binh, Nhà báo Ngô Văn Học, người con của quê hương Sóc Sơn cùng trong Nhóm Thường trực Ban Liên lạc Cựu chiến binh Quân đoàn 14 - Mặt trận Lạng Sơn (1979 - 1989) và "Trái tim người người lính" Việt Nam. Chúng tôi đã phối hợp thành công trong việc biên soạn và giới thiệu nhiều cuốn sách tư liệu về chiến tranh biên giới, gây tiếng vang tích cực trong dư luận xã hội. Trong đó, tiêu biểu là “Những người đi giữ biên cương” và “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1989) – Góc nhìn báo chí”.
Tôi đã dành thời gian mấy đêm để đọc đi đọc lại bản thảo “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn” và đánh giá cao ý tưởng nhân văn trong nội dung của cuốn sách này. Có lẽ, Sóc Sơn là đơn vị hành chính cấp Huyện - Thị - Quận đầu tiên trên cả nước đã sáng tạo ra cách làm mới: Tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân huyện nhà cùng làm sách về lịch sử, truyền thống và niềm tự hào của quê hương. Từ cụ già cho đến em nhỏ, từ cán bộ cho đến người dân, ai cũng có thể tham gia thể hiện theo cách của mình.
Người có thành tích, kinh nghiệm, hiểu biết và sống nhiều thì kể chuyện. Người có khả năng viết thì giúp ghi chép lại thành tác phẩm. Các bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên, học sinh, thậm chí là các cháu thiếu nhi có thể viết thư cảm nhận sau khi đọc cuốn sách này, tổ chức các buổi diễn văn nghệ và giao lưu với nhân chứng lịch sử trong sách, để “tiếp lửa truyền thống”. Những hoạt động như thế, đều hết sức ý nghĩa và nhân văn, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của quê hương huyền thoại Thánh Gióng.
Hơn 30 bài viết có trong cuốn sách này, hầu hết được các nhà báo có uy tín, kinh nghiệm và các cây bút là người địa phương... “Ghi theo lời kể” của những người con ưu tú nhất của vùng đất Sóc Sơn. Nhưng nếu chỉ đơn thuần là những bài báo, cung cấp thông tin, hình ảnh, thì đọc xong, biết rồi, người ta sẽ dễ quên. Theo tôi, nhiều bài viết trong cuốn sách này đã thầm đẫm tình người, tình đất Sóc Sơn, vượt ra ngoài khuôn khổ những bài báo thông thường. Nhiều bài viết đã có cốt chuyện, có đối thoại cùng nhau, nhân vật có số phận, có tính cách, và mang yếu tố điển hình. Nói cách khác, đọc những bài viết ấy thấy có không khí Văn học phi hư cấu và giàu chất sử liệu.
![]() |
Tác giả bài viết đại tá Đào Văn Sử trao cuốn "Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn" tặng Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh-nhân vật trong cuốn sách. Ảnh: KHỞI MINH |
Xét về lý luận thể loại, chúng ta cần biết Văn học đã xuất hiện từ rất lâu trước khi có báo chí. Nó lấy con người làm đối tượng nhận thức trung tâm với phương thức chiếm lĩnh và biểu đạt đặc thù là hình tượng nghệ thuật. Còn Báo chí xuất hiện trong đời sống con người muộn hơn nhiều so với văn học. Nó nhận được sự trợ giúp rất nhiều của kỹ thuật: in ấn, hình ảnh, âm thanh… Chính vì thế mà ngày nay các phương tiện kỹ thuật số đã hỗ trợ tới mức ai cũng có thể làm báo được, khi bạn đăng tải thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội...
Báo chí có nhiệm vụ thông tin kịp thời về cái mới, nhằm thoả mãn nhu cầu được hiểu biết của công chúng về những sự thật nóng hổi, sinh động mới xảy ra, được phản ánh một cách chính xác, cụ thể, tỷ mỉ, cặn kẽ. Những sự kiện, tình huống, hoàn cảnh tiêu biểu đó đang chuyển động, nảy sinh hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là trực tiếp trong đời sống xã hội chúng ta đang sống. Nó phản ánh hiện thực đúng trong mọi trạng huống tồn tại có thực và luôn luôn chịu áp lực của yêu cầu thời sự. Còn Văn học phản ánh hiện thực thông qua những hình tượng nghệ thuật vừa phản ánh chân thực đời sống, đồng thời thông qua đó thể hiện thái độ thẩm mỹ của Nhà văn.
Như vậy, thông tin báo chí chủ yếu là thời sự và vấn đề đời sống xã hội, còn tác phẩm văn học thì chuyển tải cả cảm xúc, thẩm mỹ và tính hình tượng. Báo chí và Văn học nhiều khi có chung nhân vật phản ánh, nhưng kết quả về sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội và sức sống lâu bền, chắc chắn sẽ không giống nhau và chúng luôn bổ sung cho nhau. “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn” đã hội tụ được cả hai yếu tổ Báo chí và Văn học.
![]() |
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với CLB Trái tim người lính |
Những nhân vật kể chuyện được viết trong cuốn sách này, có thể là một Cựu chiến binh, một Cựu tù chính trị, Cựu cán bộ kháng chiến, hay chỉ là một công dân bình thường, nhưng có chung một điểm là từng tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hay bảo vệ Biên giới. Họ có thể vừa là nhân vật, nhưng cũng vừa là tác giả. Họ là người thật, việc thật, có họ tên tuổi, địa chỉ cụ thể và rõ ràng. Họ có thể đã hy sinh tại chiến trường, có người đã mất vì tuổi sao và sức yếu; nhưng con cháu, gia tộc, dòng họ vẫn luôn tự hào vì những gì họ đã cống hiến cho quê hương đất nước.
Sẽ có bạn đọc thắc mắc: Tại sao lại chọn tên sách là “Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn” mà đọc chỉ thấy “Thời chiến”, rất hiếm “Thư”? Theo tôi, “Thư thời chiến” ở đây chỉ là “cái cớ”, mang tính ẩn dụ, nhằm gợi mở cho người đọc tạo nên những câu chuyện xung quanh nó. Chẳng hạn, ngay lời mở đầu cuốn sách, dùng hình tượng “sau khi dẹp xong giặc Ân, Thánh Gióng dừng chân ở núi Sóc, rồi cởi áo giáp treo lên cây, bay về trời. Truyền thuyết này để lại cho hậu thế “bức thông điệp” sáng ngời về ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt đồng thời nêu tấm gương anh hùng trừ giặc cứu nước ngay từ tuổi nhỏ mà không tự phụ, màng danh lợi”. Đây cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mang âm hưởng ‘theo dấu chân Phù Đổng” của tác phẩm “CHUYỆN THƯ THỜI CHIẾN SÓC SƠN”.
Điều quan trọng là vế sau đang chờ đợi: Những lá thư của bạn đọc cả nước, đặc biệt là thư của thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên học sinh… Sóc Sơn viết về cuốn sách này. Họ có thể gửi qua bưu điện, gửi trực tiếp qua Chi đoàn, Nhà trường. Và dĩ nhiên là có thể gửi cả qua email và mạng xã hội. Nhân đây, tôi đề nghị lập một fanpage CHUYỆN THƯ THỜI CHIẾN SÓC SƠN trên mạng xã hội, để đăng tải các bài viết có trong cuốn sách và những bài viết tiếp sau, cùng chủ đề “Lịch sử - Truyền thống Sóc Sơn anh hùng”.
Thật hiếm có vùng đất nào lại hội nhiều yếu tố điển hình về “địa linh nhân kiệt” như Sóc Sơn: Không chỉ là quê hương của Thánh Gióng - một trong vị “Thánh tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam; mà còn có núi thiêng Ông Đùng, những dòng sông huyền thoại như Cà Lồ, hay Sông Cầu và cả sân bay quốc tế Nội Bài! Bởi thế, có thể coi CHUYỆN THƯ THỜI CHIẾN SÓC SƠN không chỉ là Di sản của ông cha để lại, mà còn là Tài sản tinh thần vô giá, góp thêm và làm giàu cho Văn hiến Sóc Sơn.