Thưởng tết chỉ 100 ngàn đồng
Hy vọng về tiền thưởng tết của năm Covid-19 thứ hai của công nhân lao động cũng vô cùng mong manh. Trải qua một năm 2021 đầy biến động, đại dịch toàn cầu Covid-19 hoành hành trong năm vừa qua đã khiến nền kinh tế trong nước chịu thiệt hại nặng nề, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đứt gãy các chuỗi vận tải thương mại và những người chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề hơn cả có lẽ là những người công nhân trong các khu công nghiệp.
Tìm đến những xóm trọ quanh khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh mới càng thấu hiểu được nỗi khó khăn, lo âu của người công nhân nơi đây đặc biệt là trong những ngày tết nguyên đán cận kề.
Trao đổi với phóng viên, chị Hồng (nhân vật đã được đổi tên) quê Tân Lạc, Phú Thọ hiện đang là công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ, đợt dịch vừa rồi, chị được công ty tăng lương cơ bản mỗi người được thêm 100 nghìn đồng. “Lương công nhân đã ít ỏi em bảo tăng có thêm 100 nghìn đồng thì thấm vào đâu trong khi đó vật giá đang ngày càng leo thang, trước khi có dịch chị cũng đã tích cóp được một ít để đề phòng nhưng vừa rồi cũng phải mang ra chi tiêu hết”, chị Hồng chia sẻ.
![]() |
Xóm trọ đìu hiu ngày dịch. |
Điều khiến chị Hồng hụt hẫng là: “Đợt tết dương lịch vừa rồi công ty cũng thưởng tết nhưng trị giá cũng chỉ 100 nghìn đổ lại, quà tết thì là mắm, muối, đồng hồ... Còn đối với tết âm lịch, hiện công ty chưa đưa ra mức thưởng nhưng chị đang rất hụt hẫng, ngóng trông vì theo thông tin được chia sẻ có thể chỉ được thưởng 5 triệu đồng, trong khi mọi năm là 8 triệu đồng kể cả quà tết cũng có phần suy giảm hơn”.
Thực tế khi đại dịch bùng phát hàng loạt doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí có hàng nghìn nhà máy, công xưởng bị đóng cửa, rút khỏi thị trường. Và những doanh nghiệp vẫn còn lại đa phần đều đã “đuối sức” vì phải nỗ lực cầm cự để duy trì hoạt động và gồng gánh để trả lương cho công nhân, người lao động nhằm ổn định sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.
Bởi vậy, đối với nhiều doanh nghiệp, việc lo lương thưởng cho người lao động, đảm bảo tháng lương thứ 13 như thông lệ hàng năm cũng là điều không dễ dàng. Nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp từng phải kêu gọi, vận động sự ủng hộ người lao động cùng sẻ chia với vượt qua khó khăn và thấu hiểu để nỗ lực nhiều hơn cùng đồng hành cùng doanh nghiệp bước qua giai đoạn thăng trầm của nghịch cảnh.
Do đó khi hỏi về câu chuyện thưởng tết, Chị Hương quê Thanh Hóa cũng chạnh lòng vì thời gian vừa rồi chị đang nuôi con nhỏ, thời gian được làm việc không nhiều nên chị lo lắng là tiền thưởng tết sẽ không cao. Chị cho biết: “Năm nay do dịch bệnh, tôi cũng đang nuôi con nhỏ, không được tham gia thực hiện 3 tại chỗ trong đợt dịch vừa qua cũng như không được tăng ca mà chỉ được làm theo thời gian quy định nên thưởng tết dương năm nay có phần khiêm tốn hơn mọi năm với 5 cân gạo”.
Chính bởi không được tăng ca nên thu nhập của chị cũng chỉ được hưởng theo mức cơ bản là 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, chồng chị là lao động tự do nên đợt dịch vừa qua cũng không thể kiếm thêm thu nhập, khiến tiền tết năm nay đối với gia đình chị Hương càng thêm xa vời. Chị cũng chỉ hy vọng đợt thưởng tết âm lịch sắp tới được như mọi năm, không thì thêm được tháng lương thứ 13 đã cảm thấy hạnh phúc.
Còn câu chuyện của các công nhân cho một công ty lắp máy tại khu Công nghiệp Bắc Thăng Long cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Với lương cơ bản của anh cũng chỉ được 5 triệu đồng và xí nghiệp khó khăn thưởng tết cũng chỉ là mong ngóng, chờ đợi…
Khi được hỏi về khoản thưởng tết Nguyên đán, các công nhân đều lắc đầu và cho biết đến thời điểm này cũng chưa có thông báo, thế nhưng anh vẫn hi vọng vào khoản tiền thưởng tết âm năm nay có thể được thưởng như mọi năm là 2 tháng lương để có tiền gửi về quê nhà.
Đảm bảo thưởng tháng thứ 13
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, những năm trước khi có dịch bệnh, vào đầu tháng 12, các báo cáo về thưởng Tết đã được doanh nghiệp gửi về cơ quan chức năng như Sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương hay công đoàn các ngành… Nhưng năm nay, số lượng các doanh nghiệp gửi báo cáo về sở cũng rất “hạn chế”.
Năm nay, mức thưởng Tết năm 2022 được dự báo sẽ rất khó khăn. Chỉ một số doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như: công nghệ thông tin, thương mại hàng hóa, ngân hàng có khả năng giữ được mức thưởng như năm 2021. Trong khi đó, một số ngành nghề như du lịch, vận tải có thể không có thưởng Tết hoặc thưởng ở mức thấp, chỉ để giữ chân lao động.
![]() |
Mong ngóng tiền thưởng tết để có một tết no đủ. |
Tuy nhiên, mức bình quân chung vẫn là một tháng lương cơ bản. Hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cùng hỗ trợ với doanh nghiệp với tổng kinh phí lên tới 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, 8 triệu lao động sẽ được chăm lo Tết từ nguồn kinh phí công đoàn. Đây có thể là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với người lao động và là sự san sẻ nỗi lo, gánh nặng cho doanh nghiệp.
Thưởng Tết Nguyên đán không chỉ nguồn động viên, mà còn là động lực để người lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Việc thông báo mức thưởng Tết sớm, cùng mức thưởng hợp lý sẽ khiến người lao động an tâm làm việc, chủ động lên các kế hoạch đón Tết cùng gia đình. Có câu: "Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng" nên người lao động luôn hy vọng sẽ sớm nhận được sự động viên, khích lệ của của doanh nghiệp đặc biệt là trong năm đầy biến cố do đại dịch./.