Theo ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT, để có được cảnh quan, môi trường TP Đà Nẵng sạch – đẹp như hiện nay là nhờ sự chung tay tích cực của rất nhiều cộng đồng dân cư, người dân thành phố, với phong trào Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp, hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phong trào “Chống rác thải nhựa” cùng nhiều mô hình, hoạt động hay, thiết thực và thực sự ý nghĩa tạo nên sự lan tỏa tích cực, dần đi vào tâm thức của người dân Đà Nẵng.
![]() |
UBND quận Cẩm Lệ nhận hỗ trợ trang thiết bị thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, với tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ |
Phó Giám đốc Sở TN&MT chia sẻ, mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, chúng ta vẫn thường bắt gặp rất nhiều hình ảnh đẹp của các bác cựu chiến binh, các chị phụ nữ, các bạn đoàn viên thanh niên, đặc biệt là các cháu thiếu niên và du khách quốc tế tham gia các hoạt động môi trường. Hành động đáng trân quý đó cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị, hội đoàn thể đã mang về cho Đà Nẵng một thương hiệu riêng có về môi trường. Đặc biệt, danh hiệu dẫn đầu trong cả nước về công tác bảo vệ môi trường các năm 2021, 2022 là một trong nhiều minh chứng cho điều đó.
![]() |
UBND quận Cẩm Lệ đã trao hỗ trợ các trang thiết bị thu gom rác tái chế cho Hội Liên hiệp phụ nữ quận |
Với sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, TP Đà Nẵng đã trang bị phương tiện phục vụ công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng cho 7 quận, huyện. Trong đó, Chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ với số lượng: 300 xe thu gom rác tái chế, 110 thùng phân loại 2 ngăn, 15.000 túi đựng rác tái chế; 40 thùng 3 ngăn cho 7 quận, huyện. Quận Cẩm Lệ được hỗ trợ các trang thiết bị với tổng giá trị tương đương khoảng 400 triệu đồng.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và bằng tư duy tích cực, hành động quyết liệt của chính mỗi người dân Đà Nẵng sẽ làm nên những thay đổi lớn, Đà Nẵng sẽ tiếp tục sạch hơn, sẽ luôn sáng hơn và mãi thân thiện hơn”, Phó Giám đốc Sở TN&MT bày tỏ.
![]() |
Điểm thu gom rác tái chế của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng (ảnh Ngô Huyền) |
Theo Kế hoạch 125/KH-UBND ngày 1/6/2023 của UBND thành phố, Tháng hành động vì môi trường và Tuần lễ Biển, Hải đảo Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 30/8/2023 với hơn 51 hoạt động, sự kiện triển khai như: Ngày hội “Thu gom rác tái chế” trên toàn địa bàn thành phố và Toà nhà Trung tâm Hành chính thành phố; Hội thảo quốc tế về Sáng kiến địa phương - Hợp tác và phát triển vì môi trường Việt Nam; Cuộc thi “Sáng tác ảnh về môi trường và đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng” (lần thứ 2) năm 2023; Hội thảo khoa học “Nhận diện khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy Phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng”; tổng ra quân vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước trên toàn địa bàn thành phố.
Theo đánh giá của Chương trình Môi trường liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính khoảng 19-23 triệu tấn thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương. “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” với trọng tâm thực hiện Chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” được UNEP lựa chọn là chủ đề năm 2023. Thông điệp này cùng với chủ đề “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi” của Ngày Đại dương thế giới nhằm truyền tải mạnh mẽ việc cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến, hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững./. |