Theo phản ánh của người dân sinh sống trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk về tình trạng khai thác đá chẻ trái phép đang diễn ra tại nhiều vị trí trên địa bàn. Phóng viên Tầm Nhìn báo Tri Thức & Cuộc Sống (PV) đã có mặt để ghi nhận thực tế.
![]() |
“Đá tặc” lộng hành, xem thường pháp luật.
Vào vai người đi mua đá về làm vật liệu xây dựng, PV có mặt tại xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tại đây chúng tôi ghi nhận hàng loạt địa điểm khai thác đá chẻ. Dựng lều tạm bợ, ngang nhiên cho máy đào cỡ lớn vào đào đá từ các lớp đất sâu, công nhân khoan đục ầm ĩ là những gì đang diễn ra tại bãi đá chẻ trái phép nằm tại thôn Quảng Đông thuộc xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, còn có cả xe tải gắn cẩu từ địa phương khác vào tận địa điểm khai thác để vận chuyển đá tảng nguyên khối chở đi bán cho những người có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Tại hiện trường, có 3 công nhân đang sử dụng máy khoan để đục đá, 5 công nhân đang bốc đá chẻ thành phẩm lên xe ben có logo VLXD ĐỨC ANH mang BKS:47C - 129.69. Bắt gặp chúng tôi, tài xế xe ben đã vội vã lên xe chở theo số đá đã bốc rời khỏi khu vực.
![]() |
Hình ảnh xe ben đang chờ để bốc đá đi tiêu thụ. |
![]() |
Hình ảnh chiếc xe ben chở đá chẻ trái phép rời khỏi hiện trường. |
Trao đổi với PV, phần lớn thợ chẻ đá cho biết họ chỉ là người làm thuê nên việc khai thác và bốc đá lên xe chỉ làm theo chỉ đạo của một người tên Toàn. “tôi làm thuê cho ông Toàn, ông Toàn gọi vào làm từ trước đến giờ, chẻ 1 viên cả công bốc lên xe là 2 ngàn đồng” - một thợ chẻ đá cho hay.
Cùng tại thời điểm trên, 1 xe tải gắn cẩu mang logo A Kiểm (DV CẨU TẢI TƯ NHÂN Krông Pắk – Đắk Lắk) BKS: 47C 245.01 đang cẩu đá tảng nguyên khối lên xe, cũng giống như tài xế xe ben, tài xế xe tải gắn cẩu vội vã cẩu đá xuống xe để tẩu thoát.
Qua phỏng vấn, chị M (đi cùng tài xế xe tải gắn cẩu) cho biết chị đã vào đây mua đá nhiều lần và làm việc trực tiếp với một người địa phương tên là Toàn. “Tôi nhà ở huyện Krông Pắk, vào đây mua đá của anh Toàn để về làm mấy bộ bàn đá, lâu lâu mới vào mua thôi” - chị M thông tin thêm.
![]() |
![]() |
Hình ảnh xe cẩu đang cẩu đá nguyên khối tại hiện trường |
Được biết, địa điểm khai thác đá trái phép trên hoạt động đã hơn 2 năm nay, do một người dân địa phương tên Toàn làm chủ và đứng ra khai thác, mặc dù đã bị UBND xã Hòa Sơn lập biên bản vi phạm hành chính về việc khai thác khoáng sản trái phép nhiều lần trên cùng một địa điểm nhưng người này vẫn ngang ngược xem thường pháp luật, có hành vi chống đối chính quyền địa phương.
Theo như chúng tôi tìm hiểu, ngoài việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, ông Toàn còn ngang nhiên đấu nối điện trái phép để phục vụ cho việc khai thác đá của mình, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của các công nhân hàng ngày được ông Toàn thuê vào để chẻ đá.
![]() |
Hình ảnh đường dây điện được đấu nối trái phép phục vụ cho việc khai thác. |
Tại một địa điểm khác nằm cách địa điểm trên tầm 100m cũng thuộc thôn Quảng Đông, xã Hòa Sơn, chúng tôi phát hiện thêm một địa điểm khai thác đá chẻ trái phép quy mô lớn khác. Trước sự có mặt của PV, các công nhân khai thác đang chẻ đá vội vã thu dọn máy khoan, rời khỏi hiện trường bỏ lại một công trường khai thác đá chẻ ngổn ngang, tanh bành.
![]() |
Hiện trường vị trí khai thác đá chẻ trái phép tại xã Hòa Sơn. |
Một người dân địa phương cho biết, địa điểm này do một người đàn ông tên T đứng ra khai thác đã nhiều năm nay, tình trạng xe tải ra vào lấy đá làm hỏng hết đường nông thôn, mặc dù đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng này không hề có dấu hiệu dừng lại. Đường liên thôn vẫn cứ oặn mình gánh những chiếc xe ben chở đá chẻ đi lại mỗi ngày.
![]() |
![]() |
Những tảng đá khổng lồ bị chẻ đôi làm đá viên. |
Chính quyền xã Hòa Sơn có bất lực trước nạn khai thác đá chẻ trái phép?
Sau khi ghi nhận hiện trường hai địa điểm khai thác đá chẻ trái phép trên, PV đã phản ánh tới UBND xã Hòa Sơn. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, ông Hồ Quang Vũ - Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn đã cử lực lượng xuống hiện trường để ghi nhận sự việc.
Trao đổi với PV, một vị lãnh đạo UBND xã Hòa Sơn cho biết, vị trí này do một người địa phương tên là Toàn khai thác, UBND xã đã lập biên bản vi phạm hành chính nhiều lần, mà hễ cứ lập biên bản xong được vài ngày là ông Toàn lại cho người vào khai thác đá, số lần lập biên bản nhiều đến mức không nhớ nổi. " Lập biên bản nhiều lần lắm rồi, do hôm nay cán bộ địa chính đi vắng nên chúng tôi hẹn các anh sáng mai sẽ cung cấp biên bản ghi nhận hiện trường" - vị lãnh đạo này trao đổi thêm.
Hiện nay hành vi khai thác đá chẻ trái phép đang diễn ra tràn lan trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Tình trạng này không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài nguyên khoáng sản, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự mà còn cho thấy năng lực quản lý của địa phương này đang gặp vấn đề. Thiết nghĩ một sự việc hiện hữu giữa thanh thiên bạch nhật mà bất kỳ ai sinh sống trên địa bàn xã cũng biết, thế nhưng việc vào hiện trường ghi nhận và xử lý chỉ diễn ra khi có sự phản ánh từ PV. Lý do nào khiến việc chấm dứt nạn khai thác đá chẻ trái phép trên địa bàn xã này lại khó khăn đến vậy khi mà đã lập biên bản và xử phạt nhiều lần?
Có hay không dấu hiệu bao che cho tổ chức, cá nhân trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, năng lực quản lý của chính quyền sở tại ở đâu trong vấn nạn chảy máu tài nguyên hoạt đang động rầm rộ trên địa bàn xã Hòa Sơn?
Tầm Nhìn báo Tri Thức & Cuộc Sống sẽ tiếp tục thông tin về sự việc./.
Bài 2: Bất cập trong việc xử lý nạn khai thác khoáng sản trái phép của UBND xã Hòa Sơn.