Chuyên trang Tầm Nhìn – Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được đơn thư của 10 hộ gia đình nằm trong diện thu hồi đất để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình Khai thác mỏ Bauxit tại xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông). Trong đơn thư, 10 hộ dân đều cho rằng việc thẩm định giá trị các hạng mục đền bù đều không hợp lý và nhiều hạng mục bị phía cơ quan thẩm định bỏ sót, không công nhận.
![]() |
![]() |
Đơn thư được các hộ dân thuộc diện thu hồi đất để thực hiện dự án ĐTXD Khai thác mỏ Bauxit. |
Cụ thể, theo hộ gia đình ông Trần Văn Anh (một trong mười hộ dân gửi đơn đến Chuyên trang Tầm Nhìn) cho biết, trong hạng mục “nhà cửa, vật kiến trúc” nhà ông đã xây dựng nhà ở tại khu đất từ năm 1993 đến nay nhưng tính giá còn thấp và chưa thỏa đáng so với các hộ mới đến xây dựng nhà cửa từ 2019, có quyết định thu hồi là năm 2022.
Ngoài ra, các hạng mục như cây trồng, hoa màu, trang trại đều có mức giá bồi thường không hợp lý. Trong đó, phần ao hồ đã có số đo nhưng lại không được tính tiền.
“Gia đình tôi đang sinh sống trên đất thuộc diện thu hồi của khai trường năm 7, năm 8. Nhà nước có hỗ trợ đền bù tái định cư để khai thác quặng bô xít, qua quá trình các cơ quan ban ngành tiến hành đo đạc kiểm đếm đưa về bảng giá cho gia đình chúng tôi 2 lần, nhưng gia đình chúng tôi còn thấy nhiều thiếu xót, giá đền bù cây cối, nhà cửa, trang trại, ao hồ của chúng tôi chưa thỏa đáng.” – hộ Trần Văn Anh trao đổi thêm.
![]() |
![]() |
Cà phê, tiêu, sầu riêng,... đang trong thời gian thu hoạch và có giá thành cao nhưng được đền bù với giá khiến người dân không đồng tình. |
Đối với hộ ông Bùi Văn Hiếu (một trong mười hộ dân gửi đơn đến Chuyên trang Tầm Nhìn), ngoài các hạng mục về “nhà cửa, vật kiến trúc”, cây trồng, hoa màu đều được thẩm định và đền bù không hợp lý như hộ ông Trần Văn Anh thì tại hạng mục trang trại gia đình ông chỉ được đền bù chỉ có 60% trong khi gia đình ông được xây dựng trang trại chăn nuôi từ năm 1994 đến năm 2014 và năm 1994 đến năm 2006 với loại hình trang trại chăn nuôi tổng hợp (gà, heo rừng lai), trang trại có giấy phép kinh doanh huyện cấp ngày 9/2/2015, do đó hộ ông Hiếu cảm thấy chưa thỏa đáng.
“Đường điện ba pha của gia đình chúng tôi có hợp đồng ký kết với điện lực nhưng lại không được đền bù, gia đình chúng tôi thấy không hợp lý” – ông Hiếu cho biết thêm.
![]() |
Trang trại chăn nuôi của hộ gia đình ông Hiếu. |
Trao đổi với Phóng viên (PV) hộ ông Bùi Văn Thành cho biết, gia đình ông đến thôn Quảng Sơn, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R Lấp, tỉnh Đắk Nông lập nghiệp từ năm 1995 cho đến nay, đã cất nhà cố định, kiến trúc xây dựng cố định để sinh sống không phải xây dựng để hưởng đền bù nhưng được hội đồng thẩm định với mức giá đền bù 60%, 30%, nhiều công trình với giá 0 đồng, rất nhiều cây cà phê, cây tiêu và các cây ăn trái khác chỉ được xếp vào loại B và loại C. Theo ông Thành, nhà ông rộng 130 m2, nhà bếp, nhà gỗ, trang trại chăn nuôi, sân trước, sân sau 300 m2 đổ bê tông dày đến 8 – 9 cm, tường rào dài 170m2, bờ rào thép B40... nhưng chỉ được đền bù mức giá chỉ có 500 triệu.
“Ông Mai Văn Thắng mới đến sinh sống năm 2020 có diện tích đất 7500 m2, nhà cấp tạm bợ mà được đền bù với giá 80%, còn nhiều hộ trong thôn nhà mới cơi nới thêm trong năm 2020 mà đề bù với giá cao hơn gia đình chúng tôi” – Ông Thành trao đổi thêm.
![]() |
![]() |
Các hạng mục xây dựng của hộ ông Thành được bồi thưởng tổng cộng 500 triệu, khiến hộ gia đình bức xúc. |
Bên cạnh đó, 7 hộ dân còn lại trong 10 hộ gửi đơn đến Chuyên trang Tầm Nhìn cũng đều bày tỏ thái độ bức xúc, không đồng tình. Theo những hộ dân này, vấn đề khiến họ bức xúc đều nằm trong khâu thẩm định các hạng mục; tái định cư; đánh giá giá trị các hạng mục đều không hợp lý. Ngoài ra, việc một số hộ dân có công trình nhà ở lụp xụp, sơ sài lại được đền bù với mức giá cao hơn những công trình được xây dựng kiên cố cũng đang khiến những hộ dân trên thắc mắc, không đồng tình.
![]() |
![]() |
Căn nhà được đền bù giá trị cao khiến các hộ dân cảm thấy không hợp lý. |
Trước những bức xúc của các hộ dân trên, thiết nghĩ việc bảng giá các loại cây trồng, hoa màu cũng như các tiêu chí để phân loại A, B, C các loại cây cũng cần được công khai để người dân dễ dàng theo dõi.
Phóng viên Chuyên trang Tầm Nhìn – Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ có buổi làm việc với UBND xã Nghĩa Thắng để giải đáp những thắc mắc của các hộ dân. Diễn biến vụ việc sẽ tiếp tục được thông tin đến bạn đọc./.