![]() |
Một mỏ đất hiếm ở Lao Cai |
Tiềm năng dồi dào
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đất hiếm ở Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, tập trung ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Ngoài ra còn có nhiều mỏ đất hiếm mới được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm đã được thăm dò và xác định trữ lượng cũng giá trị kinh tế cao, bao gồm: Mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường); mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xe và xã Bản Lang, huyện Phong Thổ). Ngoài Lai châu, ở tỉnh Yên Bái cũng có mỏ đất hiếm đã được phát hiện và thăm dò ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, nhưng trữ lượng ít hơn. Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Báo chí trong nước đã đưa tin hai mỏ được cấp phép khai thác đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái gần 10 năm nhưng vẫn án binh bất động. Chính vì thế nhiều người cho rằng đất hiếm có ý nghĩa rất thấp trong nền kinh tế Việt Nam.
Trên thế giới, trước kia đất hiếm chỉ dùng cho điện thoại di động, màn hình máy tính, tivi, ổ cứng máy tính, tai nghe, loa, đèn huỳnh quang, laser, tên lửa, lò hạt nhân; thì nay đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió. Nghĩa là muốn chuyển sang năng lượng xanh xe ô tô điện thì nhất định phải có đất hiếm.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Đại học KU Leuven của Bỉ ước tính những năm tới đây, châu Âu sẽ cần lượng đất hiếm gấp 7 đến 26 lần so với mức sử dụng hạn chế hiện nay để đáp ứng mục tiêu năng lượng xanh. Chưa kể trước kia là thời hợp tác kinh tế mở toàn cầu, giờ là thời chiến tranh kinh tế, các cường quốc kinh tế dùng công nghệ và nguyên vật liệu cốt lõi để khống chế và kìm hãm lẫn nhau.
Việc Trung Quốc đang chiếm 90% về sản lượng và chiếm 36,7% về trữ lượng đất hiếm toàn cầu thì gần như Trung Quốc đã nắm một cái chốt quan trọng trong nền công nghiệp 4.0. Nhìn trên toàn thế giới thì tổng trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc, Việt Nam, Nga, Brazil và Ấn Độ chiếm đến 90%, trữ lượng của Mỹ và các nước phương Tây chỉ có 8% thôi.
Gần đây giá đất hiếm đã tăng vọt lên gần 10 lần so với trước, từ chỗ giá chỉ 14.000 USD/tấn, nay tăng lên 110.000 USD/tấn. Thử làm bài toán đơn giản nếu tính giá trung bình hiện tại 110.000 USD/tấn, thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD, một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế đất nước. Tất nhiên đây là giá trị theo tính toán, còn để khai thác và phát huy được giá trị của tài nguyên này thì chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhiều nguồn vốn phải đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư. Có thể nói Việt Nam đang dần trở thành tâm điểm cung cấp đất hiếm mới của thế giới (Hiện tại, ngoài Hàn Quốc, còn có Canada, Australia, Nhật Bản, nhất là Hoa Kỳ đang hợp tác).
Sở dĩ Hàn Quốc muốn thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt - Hàn về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi, là để Hàn Quốc (và các nước phương Tây) giảm sự phụ thuộc của họ vào chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc.
Năm 2018, Mỹ cấm xuất khẩu linh kiện bán dẫn và chip điện tử tiên tiến nhất cho Trung Quốc, thì 5 năm sau (2023), Trung Quốc "trả đũa" bằng việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho các nước phương Tây, trong đó có Mỹ. Việt Nam đang có tiềm năng đất hiếm rất lớn, đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc là yếu tố quan trọng nổi lên để thu hút đầu tư vào công nghệ bán dẫn.
Tiềm năng và cơ hội của Việt Nam về đất hiếm không chỉ ở trữ lượng mà còn ở nhu cầu ngày càng cao của thế giới.
![]() |
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lên đến 22 triệu tấn (REUTERS) |
Sự phong tỏa "cấm linh kiện bán dẫn và chip" đối với Trung Quốc của Mỹ đã biến cuộc chiến thương mại thành chiến tranh công nghệ. Cuối cùng, Trung Quốc đã dùng đất hiếm và các khoáng sản để làm vũ khí "răn đe" khi cần. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, đặc biệt nguồn đất hiếm của Việt Nam khiến không ít nhà sản xuất bán dẫn thèm muốn. Đây là cơ hội của Việt Nam về nhu cầu đất hiếm trước nhu cầu ngày càng cao của thế giới.
Bước ngoặt quan trọng
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu đang chạy đua để có được nguồn cung các khoáng sản quan trọng như đất hiếm để sử dụng cho sản xuất xe hơi điện, chất bán dẫn, điện thoại di động và các sản phẩm khác. Thế nhưng, việc khai thác và chế biến đất hiếm và khoáng sản của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng.
Việt Nam chưa có công nghệ khai thác thân thiện môi trường và công nghệ chế biến sâu, vì việc khai thác và chế biến các mỏ quặng, đất hiếm có thể dẫn đến sự hủy hoại môi trường nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ cao. Đây là trở ngại rất lớn để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay chúng ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm vì các công nghệ này được coi là bí mật, nên nhiều đối tác nước ngoài không bán, không chuyển giao khiến việc hợp tác gặp nhiều khó khăn.
Có thể nói Việt Nam đang dần trở thành tâm điểm cung cấp đất hiếm mới của thế giới (ngoài Hàn Quốc, còn có Canada, Australia, Nhật Bản đang hợp tác và tới đây là Hoa Kỳ) sẽ là cuộc trao đổi mà hai bên đều có lợi. Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ… bán công nghệ để mua khoáng sản. Việt Nam được gia nhập vào chuỗi cung ứng vật liệu chiến lược quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ… là những quốc gia có nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.
Quan sát thời cuộc thì thấy, các công ty trên toàn cầu đang chạy đua để có được nguồn cung các khoáng sản quan trọng như đất hiếm. Với nền công nghiệp sản xuất vật liệu chiến lược và sức phát triển mạnh của nền kinh tế, Việt Nam sẽ là điểm hấp dẫn đầu tư của các công nghiệp tương lai từ pin lithium, ô tô điện, điện thoại thông minh, đến máy tính… Đây là bước ngoặt quan trọng giúp Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng thế giới và có cơ hội trở thành con sư tử mới ở Đông Nam Á, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh./.
Nguyễn Xuân