Dấu hiệu chỉnh sửa hợp đồng
Đơn thư, hồ sơ bạn đọc cung cấp và tìm hiểu của Phóng viên cho thấy, vào tháng 7 năm 2021 (không ghi ngày), Trụ trì Chùa Thao Chính tại Thị Trấn Phú Xuyên – Huyện Phú Xuyên – Hà Nội là Sư cô Thích Đàm Hòa đã ký hợp đồng số 222/21-HDIN/ITB-CDC với Công ty TNHH một Thành viên (MTV) in Tiến Bộ in 600 cuốn sách có tên “Ngũ uẩn, mười hai nhân duyên, Tứ diệu đế với cái nhìn khoa học, thực hành triển khai chính trì kiến”, trong đó có 300 cuốn in tiếng Việt và Anh có tổng giá trị là 46.500.000 đồng (Bốn mươi sáu triệu năm trăm nghìn đồng); giá trị trên chưa bao gồm thuế gía trị gia tăng (VAT) 10%.
Đối chiếu trang 1 và trang 2 của hợp đồng trên cho thấy có dấu hiệu chỉnh sửa thay đổi khi dấu giáp lai được đóng trên hợp đồng có vị trí không phù hợp vì khi được sắp xếp không liền với nhau.
![]() |
Dấu giáp lai được đóng trên hợp đồng có vị trí không phù hợp |
Trong một văn bản do ông Đoàn Đắc Trường, Phó Giám đốc Cty in Tiến Bộ ký có một số thông tin lý giải sự việc trên. Theo đó, tháng 7/2021, Công ty in Tiến Bộ ký hợp đồng số 222/21-HDIN/ITB-CDC là 67.500.000 đồng (Sáu mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng) đã bao gồm VAT nhưng do một số vấn đề kỹ thuật nên cũng trong tháng 7/2021 đã ký lại hợp đồng cũng số hiệu trên với giá trị chỉ còn 46,5 triệu đồng chưa bao gồm VAT. Cả hai hợp đồng trên đều không ghi ngày ký?!.
Cũng tại văn bản trên, Lãnh đạo Cty in Tiến Bộ đổ lỗi cho Phòng sx & kd khi cho rằng phòng nay đã làm thành 3 hợp đồng nhưng không hủy dẫn đến một tài liệu của khách hàng có 3 bản hợp đồng.
Tuy nhiên, theo tài liệu thu thập được cho thấy dấu hiệu hợp đồng in trên được chỉnh sửa lắp ghép từ 2 hợp đồng.
Cụ thể, trang 1 của hợp đồng trị giá 67,5 triệu được ghép với trang 2 của hợp đồng trị giá 46,5 triệu. Điều này lý giải tại sao hợp đồng trên lệch dấu giáp lai.
Việc lắp ghép 2 hợp đồng nhằm mục đích gì?
Thừa nhân vi phạm nguyên tắc tài chính
Tại điều 3 của hợp đồng trên về phương thức thanh toán nêu rõ: Hình thức bằng Séc hoặc chuyển khoản; và, bên A đặt cọc hợp đồng là 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng). Tuy nhiên, ngày 05/07/2021 xuất hiện giao dịch chuyển tiền từ một tài khoản của ngân hàng Agribank vào tài khoản số 103005241718 tại ngân hàng Vietinbank là tài khoản cá nhân của bà Vũ Hương Giang với số tiền 26.000.000 đồng (Hai mươi sáu triệu đồng) với nội dung “Nguyen Thi Ut chuyen khoan” được hiểu là chuyển khoản.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, tên Nguyễn Thị Út là tục danh của Sư cô Thích Đàm Hòa - Trụ trì Chùa Thao Chính và bà Vũ Hương Giang là nhân viên phòng sản xuất kinh doanh cty in Tiến Bộ.
Tiếp đó, ngày 12/08/2021 một khoản tiền là 56.600.000 đồng tiếp tục được chuyển từ tài khoản của bà Nguyễn Thị Út vào tài khoản cá nhân của bà Vũ Hương Giang với cùng nội dung trên.
Như vậy, tổng số tiền mà bà Nguyễn Thị Út chuyển cho bà Vũ Hương Giang là 81.600.000 đồng (Tam mươi mốt triệu, sáu trăm nghìn đồng).
![]() |
Nội dung chuyển tiền |
Trong một văn bản do ông Phó Giám đốc Cty in Tiến Bộ cho hay: “ngày 12/8/2021 đồng chí Trưởng phòng sản xuất & kinh doanh Ngô Minh Thành đã trực tiếp nộp tiền mặt thu của khách hàng cho phòng tài chính – kế toán. Phòng tài chính – kế toán đã viết phiếu thu tiền mặt số PT21 với số tiền 51,150 triệu đồng đã bao gồm 10% VAT”.
Ở đây khách hàng được hiểu là bà Út và theo văn bản này thì bà Út đã nộp tiền mặt cho ông Thành số tiền 51,15 triệu đồng?!
Tại sao cùng một hợp đồng mà bà Út lại trả 2 lần tiền (chuyển khoản và nộp tiền mặt)? Số tiền thực tế bà Út phải trả là bao nhiêu và tại sao bà Út không trực tiếp nộp cho phòng tài chính – kế toán hoặc chuyển khoản trực tiếp cho Cty mà lại phải chuyển (nộp) “vòng” cho cán bộ phòng sản xuất & kinh doanh? Phòng sản xuất & kinh doanh có được thu tiền của khách hàng?.
Ngày 30/03/2022 Cty in Tiến Bộ có văn bản do ông Đoàn Đắc Trường, Phó Giám đốc ký thừa nhận rõ: “việc khách hàng thanh toán tiền in theo hợp đồng, chuyển tiền thanh toán vào tài khoản cá nhân của nhân viên phòng sản xuất & kinh doanh là chưa đúng qui định”
Nâng giá trị hợp đồng, chuyển tiền ra ngoài ăn chênh lệch?
Cũng văn bản ngày 30/03/2022 của Cty Tiến Bộ nhận định: “Qua xác minh nhận thấy Phòng sản xuất & kinh doanh Công ty in Tiến Bộ không nâng giá in 2 cuốn sách của Chùa Thao Chính nhằm thu lợi bất chính”
Vậy, tổng số tiền bà Nguyễn Thị Út chuyển cho bà Vũ Hương Giang là 81,6 triệu, nếu so với hợp đồng 67,5 triệu đồng (đã có VAT) thì chênh 14,1 triệu đồng; nếu so với hợp đồng 46,5 triệu đồng (chưa có VAT) thì chênh 35,1 triệu đồng, nếu nộp VAT thì chênh 30,45 triệu đồng. Vây, những số tiền chênh lệch trên đã đi đâu về đâu?
Và, số tiền đồng chí Trưởng phòng sản xuất & kinh doanh Ngô Minh Thành đã trực tiếp nộp tiền mặt thu của khách hàng cho phòng tài chính – kế toán. Phòng tài chính – kế toán đã viết phiếu thu tiền mặt số PT21 với số tiền 51,150 triệu đồng đã bao gồm 10% VAT được lý giải như thế nào?
Còn tiếp...