Mua muối từ lâu đã trở thành một tục lệ có tính chất tâm linh trong ngày đầu năm mới
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Theo văn hóa phương Đông, muối nằm trong 7 thứ thiết yếu của cuộc sống, bao gồm: củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà. Trong đó muối từ người có tri thức cao siêu đến người nông dân đều phải sử dụng hàng ngày. Nhưng tại sao lại mua muối vào những ngày đầu năm?
Tương truyền, thời xưa, có một thương nhân hành nghề buôn muối. Năm ấy hàng bán không chạy, vốn thông minh, nhanh trí ông đã phao tin rằng: mua muối đầu năm thì vận may sẽ đến suốt cả năm. Sau này cứ thế truyền tai nhau dần dần lan rộng khắp gần xa cuối cùng trở thành phong tục truyền thống mua muối đầu năm của người Việt.
Tất nhiên, đó là câu chuyện vui, chưa có gì lấy làm bằng cớ. Nhưng trong thực tế thời xưa đi lại khó khăn, muối được làm ra ở vùng ven biển nên vận chuyển đến miền khác rất tốn công sức. Do đó vào những ngày đầu tiên của năm mới, người ta thường mua muối để dành ăn cả năm. Lâu dần, đó trở thành phong tục đón năm mới độc đáo của người Việt Nam.
Muối là tinh thể màu trắng mà màu trắng lại tượng trưng cho sự sạch sẽ, thuần khiết, cũng đại diện cho tình cảm tốt đẹp. Chẳng những thế trong ca dao ông cha ta có câu:
Tay nâng chén muối đĩa gừng/Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau.
Gừng và muối còn là tượng trưng cho tình cảm vợ chồng nồng ấm, mặn mà. Theo quan niệm của người Việt từ xa xưa, muối mặn là vật biểu trưng cho tình cảm mặn nồng, phải chăng muối có ý nghĩa trong đời sống là cầu mong tình cảm gia đình thêm đậm đà, vợ chồng con cái thêm gắn bó, làng xóm, đối tác quan hệ công việc và họ hàng thân thích ngày một "bền đẹp". Ngày đầu năm mua muối còn giúp cả năm mua may bán đắt, làm ăn tấn tới, gia đình hạnh phúc đầm ấm, dư vị “trọn vẹn” đậm đà như vị của muối.
Chính vì thế hình ảnh người rao muối dạo mỗi sáng mùng 1 Tết Nguyên đán đã từng vô cùng quen thuộc. Khi bán, cần đong bát muối đầy đến ngọn, tránh gạt ngang miệng, vì muối có ngọn là cực kỳ trọn vẹn, đem lại sự no ấm, sung túc. Hai bên kẻ mua người bán đều thuận tình mua bán, không mặc cả kỳ kèo.
![]() |
Nhưng thời nay việc mua muối không còn đong bát mà được cho một túi nilong, có rất nhiều loại to nhỏ khác nhau, tuỳ theo người mua. Chẳng những thế muối còn được bán tại cổng các Chùa, mua một gói nhỏ để lấy may.
Còn tại những vùng miền biển hay miền Tây nơi có nhiều sông rạch, nếu định lặn dưới nước, ông cha ta thường bảo: Uống một bát nước mắm mặn hoặc pha nắm muối mặn, uống vào sẽ ấm người. Khi đó cơ thể sẽ ấm, lúc đó lặn được lâu hơn và vùng vẫy dưới nước mà không sợ lạnh.
Người Việt Nam ta còn có 1 tập tục khác về muối nữa, là với gia đình có bé mới sinh vài tháng, lần đầu khi người thân bế bé sang gia đình hàng xóm bên cạnh chơi, vị láng giềng ấy sẽ bỏ vào miệng bé 1 hạt muối nhỏ. Hành động thân tình này có ý nghĩa là: Chúc em bé khỏe mạnh, càng lớn càng tình cảm với người thân, hàng xóm và hay ăn chóng lớn, thương mến mọi người đậm đà như muối mặn.
Phải chăng ngay từ khi sinh trong phong tục của ông cha đã có hạt muối đi cùng với biểu tượng “làm phép” may mắn cho một đời người. Muối mang lại may mắn, mang lại sự “ấm áp”, mang lại dư vị “trọn vẹn” đậm đà như muối cho gia đình Việt cả một năm mới – Xuân Nhâm Dần 2022./.