Gói thầu số 14 này còng yêu cầu về kinh nghiệm, số lượng hợp đồng bằng 2 hoặc khác 2, ít nhất có 01 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 72.473.000.000 đồng và tổng giá trị tất cả các hợp đồng >= 144.946.000.000 đồng, công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ thương mại Việt Phát là đơn vị trúng thầu. Đáng nói, doanh nghiệp này trong giai đoạn 2019-2021 chỉ trúng và thi công một số gói thầu xây lắp có giá trị nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Nam, chứ chưa trực tiếp độc lập hay là thành viên liên danh thi công gói thầu xây lắp nào có giá trị >= 72.473.000.000 đồng.
Trúng gói thầu yêu cầu cao hơn báo cáo?
Hiện nay, không ít các doanh nghiệp cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu,...Tuy nhiên, việc này khó có thể qua mắt được đơn vị chấm thầu do sau khi đấu thầu qua mạng, đơn vị trúng thầu phải mang những hồ sơ gốc để đối chiếu, thông thường là báo cáo thuế và các hợp đồng xây lắp tương tự đã được nghiệm thu.
![]() |
Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Hà Nam - Số 209 đường Lê Hoàn, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. |
Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu luật Đấu thầu cũng như các tài liệu liên quan, phóng viên được biết, ngày 22/08/2022, ông Trần Văn Kiên – Trưởng Ban Quản lý các Khu Công Nghiệp Tỉnh Hà Nam phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 14: Thi công xây dựng (bao đồm cả chi phí đảm bảo ATGT phục vụ thi công nút giao đấu nối) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 68m (đoạn từ Km2+420 – Km3+600). Gói thầu này được phê duyệt theo Quyết định số 155/QĐ-BQLKCN.
Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Việt Phát (Sau đây gọi tắt là Công ty Việt Phát - PV), MST 0700635622; địa chỉ: Số 174 phố Nguyễn Hữu Tiến, phường Đồng Văn, Thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Giá trúng thầu là 103.386.416.000 đồng (Bằng chữ: Một trăm linh ba tỷ, ba trăm tám mươi sáu triệu, bốn trăm mười sáu nghìn đông). Chênh lệch so với giá dự toán 146.884.000 đồng (Bằng chữ: Một trăm bốn mươi sáu triệu, tám trăm tám mươi bốn nghìn đồng chẵn).
![]() |
Quyết định số 155/QĐ-BQLKCN. |
Nghiên cứu HSMT của gói thầu 14, một trong những điều kiện cần đánh giá trực tiếp là doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng tối thiểu là 155.000.000.000 đồng, trong vòng 03 năm trở lại đây (năm 2019, 2020, 2021). Doanh thu xây dựng hàng năm được tính bằng tổng các khoản thanh toán cho các hợp đồng xây lắp mà nhà thầu nhận được trong năm đó.
Nhà thầu phải chứng minh có các tài sản có khả năng thanh khoản cao hoặc có khả năng tiếp cận với tài sản có khả năng thanh khoản cao sẵn có, các khoản tín dụng hoặc các nguồn tài chính khác (không kể các khoản tạm ứng thanh toán theo hợp đồng) để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu với giá trị là 25.883.000.000 đồng.
![]() |
Các tiêu chí năng lực tài chính và kinh nghiệm trong HSMT được BQLKCN tỉnh Hà Nam đề ra. |
Ngoài ra, về yêu cầu kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp: Số lượng tối thiểu các hợp đồng nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn (hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc của hợp đồng) với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ (chỉ tính giá trị phần việc do nhà thầu thực hiện) trong vòng 05 năm trở lại đây (tính đến thời điểm đóng thầu): Số lượng hợp đồng bằng 2 hoặc khác 2, ít nhất có 01 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 72.473.000.000 đồng và tổng giá trị tất cả các hợp đồng >= 144.946.000.000 đồng.
Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh, Công ty Việt Phát hoàn toàn không đáp ứng được tiêu chí trong HSMT đã đề ra nhưng vẫn nghiễm nhiên trúng thầu (?). Tra cứu thông tin từ cổng thônng tin mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, doanh nghiệp này trong giai đoạn từ năm 2019-2021 chỉ trúng và thi công một số gói thầu xây lắp có giá trị nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Nam, chứ chưa trực tiếp độc lập hay là thành viên liên danh thi công gói thầu xây lắp nào có giá trị >= 72.473.000.000 đồng.
Đến đây, dư luận có thể đặt ra câu hỏi, công ty Việt Phát đã kê khai những dự án tương tự nào? Những dự án này có đáp ứng được điều kiện trên hay không? Trách nhiệm của phía chủ đầu tư sẽ ra sao khi để xảy ra sai phạm trong công tác thẩm định hồ sở và phê duyệt dự án (nếu có)?
“Rất cần thiết làm rõ điều bất thường này”
Luật sư Bùi Hải Yến cho rằng: “Có thể trong yêu cầu của chủ đầu tư, ngoài vấn đề doanh thu từ hoạt động xây dựng sẽ có thêm các điều kiện khác đi kèm. Để kết luận là đúng hay sai, có gian lận hồ sơ hay không, công tác chấm thầu có vấn đề không thì cần phải xem xét kỹ toàn bộ hồ sơ liên quan”.
Chủ đầu tư là Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tỉnh Hà Nam đã công khai các thông tin trên cổng thông tin Quốc gia về đấu thầu, như vậy nếu ai tham gia vào quá trình đấu thầu đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Còn nếu đúng như thông tin phóng viên phản ánh mà không có các điều kiện đi kèm khác, công ty Việt Phát với các tiêu chí không phù hợp, kém xa so với yêu cầu trong HSMT của Ban Quản lý các Khu Công Nghiệp Tỉnh Hà Nam mà lại trúng thầu thì đúng là một vấn đề bất thường. Điểm bất thường này chắc chắn cần thiết phải làm rõ, cái chính là để dư luận không còn nghi ngờ hay thắc mắc. Trường hợp thông tin phản ánh là đúng thì việc thanh tra, kiểm tra sẽ rõ sai phạm ở khâu nào, ai phải chịu trách nhiệm, xử lý theo quy định pháp luật. Còn nếu thông tin chưa đúng thì việc làm rõ cũng là cách để “minh oan” cho chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị chấm thầu.
Liên quan đến thực trạng gian lận hồ sơ dự thầu nói chung, Luật sư Bùi Hải Yến cho biết: “Chuyện làm đẹp hồ sơ để nâng cao khả năng tham gia vào dự án là một thực tế. Nhưng chủ đầu tư thì khó có đủ chuyên môn để xem xét việc này. Vì vậy, đơn vị dự thầu trung thực, đơn vị chấm thầu công bằng, công tâm là những yếu tố rất quan trọng. Chuyện “chân thật chân giả” trong đấu thầu cũng không hiếm gặp. Có thực trạng câu kết, dàn xếp với nhau, “quân xanh, quân đỏ” để được trúng thầu.
“Trong sự việc nêu trên, việc xác định có hay không có hành vi lựa chọn nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm cần phải trải qua việc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện việc lựa chọn nhà thầu không phù hợp pháp luật thì bên đã vi phạm phải chịu các chế tài xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp nếu quá trình xác minh phát hiện có vi phạm hoạt động đấu thầu thì tùy hành vi, tính chất vi phạm mà có các chế tài xử lý như: kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Cần có một cơ quan độc lập, có chức năng, có tính pháp lý để giúp chủ đầu tư thẩm định tính chính xác, trung thực của nhà thầu, ràng buộc về mặt pháp lý với đơn vị thẩm định, đơn vị chấm thầu, tránh việc gian dối, móc ngoặc, chia chác quyền lợi với các bên. Nếu đơn vị chấm thầu làm công khai, minh bạch, rõ ràng thì sẽ khó có câu chuyện ưu ái, móc ngoặc. Đơn vị chấm thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra tình trạng thiếu khách quan, thiếu công tâm hoặc có sự câu kết.
Cũng theo vị luật sư này, nếu thực hiện hành vi gian lận trong đấu thầu mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Người thực hiên hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù đến 20 năm và còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.