![]() |
Ông Hoàng Đạo Cương- Thứ trưởng Bộ VHTTDL |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Đạo Cương- Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ cho biết: Trong một thời gian ngắn, hoạt động chuyển đổi số trong ngành VHTTDL đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là trên lĩnh vực du lịch, di sản, bảo tồn, bảo tàng.
Tại buổi hội thảo đã thu hút được gần 40 tham luận của các đại biểu chuẩn bị công phu, tâm huyết về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực, từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số… Các tham luận đã cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành VH, TTDL, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch Covid-19.
Các tham luận cũng nêu những hạn chế cũng như khó khăn và bày tỏ mong muốn Bộ VH, TTDL cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành.
![]() |
Ban tổ chức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VH, TTDL |
Một trong những sự kiện đáng chú ý tại hội nghị là khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý Nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTTDL một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Về các công việc trọng tâm trong thời gian tới, Bộ VHTTDL có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số, bao gồm: Dự án về hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu số của Bộ VHTTDL; dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
"Chúng ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, hy vọng trong thời gian tới sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì", ông Cương kỳ vọng./.