Trong giai đoạn vừa qua, việc triển khai Đề án 844 và một số đề án của Chính phủ đã tạo những nền tảng cơ bản cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái này đang phát triển mạnh mẽ phù hợp với xu hướng quốc tế.
Chia sẻ về việc hình thành và xây dựng Đề án 844, Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) trao đổi: 844 là Đề án được “nâng cấp” từ Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam. Điểm khác biệt của Đề án 844 so với các Đề án, chương trình hỗ trợ khác là đưa khái niệm mới và mô hình mới về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Đề án 844 hướng đến hỗ trợ những đơn vị “trung gian” – là đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp dựa trên công nghệ, mô hình mới. Theo đó hỗ trợ hình thành các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), viện, trường, địa phương; đồng thời, hình thành mạng lưới mentor (cố vấn viên), mạng lưới nhà đầu tư thiên thần mạo hiểm,.... Tất cả cùng liên kết thành một hệ sinh thái “nền tảng” cơ bản để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
![]() |
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) |
Trong giai đoạn đầu từ năm 2016-2021, Đề án 844 đã tập trung xây dựng nền tảng nhằm nâng cao năng lực, nhận thức chung, truyền tải văn hóa khởi nghiệp cũng vận động hành lang cho những chính sách liên quan ra đời. Các nhóm nhiệm vụ từ Đề án 844 ra đời với hàng trăm các khóa đào tạo cùng hàng nghìn người được tham gia. Giới trẻ hiểu hơn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và được đào tạo bài bản chứ không phải là chuyện “đi học mót” hay “làm mãi thì quen, thì vỡ vạc”.
Cùng với đó, Đề án 844 cũng nghiên cứu và xây dựng các hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2016, chưa có quy định nào về đầu tư mạo hiểm hay ưu đãi hỗ trợ với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian. Trong khi đó, đây gần như là vấn đề sống còn cho một startup ra đời. Trong năm năm qua, Bộ KH&CN với sự tham mưu của Đề án 844 đã đề xuất và xây dựng nhiều chính sách mà theo ông Quất “dù còn sơ khai nhưng đã tác động tích cực lên hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam”.
Những dấu hiệu tích cực của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
Theo Ông Phạm Hồng Quất cho biết Việt Nam hiện đã có khoảng 3.800 startups, và 11 startups được định giá trên 100 triệu USD. Hiện có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo… Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng thị trường đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành.
![]() |
4 startup kỳ lân gồm: VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis |
Hệ sinh thái của Việt Nam đã có sự bứt phá, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Indonesia). Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có 4 kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD) gồm: VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis.
Trong số các xu hướng công nghệ mới như kể trên, Việt Nam có lợi thế và đứng cùng điểm xuất phát với các nước trên thế giới ở nhiều công nghệ mới như Blockchain, AI, Metaverse, Healthtech, Fintech, hay Edtech… Điều này thể hiện ở con số nguồn vốn và số thương vụ đầu tư vào startup Việt khi số vốn rót startup Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, tăng so với mức 8% của năm 2020, đứng thứ 3 về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào startup trong khu vực, sau Indonesia và Singapore (theo báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures vừa công bố tháng 4/2022).
![]() |
Đặc biệt, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra nhiều biến động cho thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm cho các start-up Việt Nam vẫn đạt được mức cao kỷ lục trong năm 2021. Tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Ngoài ra, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020.
Để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá hơn nữa
Theo ông Quất, Ban Điều hành đề án 844 hằng năm thường có các cuộc họp để lắng nghe những ý kiến phản hồi từ cộng đồng, từ những người được hỗ trợ và thụ hưởng. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách. Không phải áp đặt ý chí “từ trên xuống” mà quan trọng hơn hết là lắng nghe phản hồi từ thực tiễn. Trong quá trình triển khai có những hướng đi đúng hoặc chưa đúng. Nhưng quan trọng nhất là nhận ra vấn đề, thay đổi để thích ứng và vận dụng sáng tạo. Ông Quất khẳng định: không có một lời giải nào đúng ngay từ đầu mà đó là cả một quá trình.
Để tiếp tục duy trì hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp trong giai đoạn mới, Bộ KH&CN đã lắng nghe các ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 844/QĐ-TTg và ngày 09/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 188/QĐ-TTg.
Nếu như giai đoạn 2016-2021, Đề án 844 tập trung nhiều vào hình thành các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái, thì 2021-2026 là giai đoạn tăng tốc cho hệ sinh thái bằng cách tăng cường mối liên kết bền chặt, đúng với quan điểm “muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Theo đó, hai mục tiêu trọng tâm đã được bổ sung tại Quyết định số 188.
Một là, xây dựng hệ thống trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đó có ba Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại ba thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh) và các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương, bộ, ngành, cơ sở khác với vai trò hạt nhân kết nối, phát triển hệ sinh thái; khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia...
Hai là phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Ngay khi Quyết định 188 được phê duyệt, một trong những hoạt động được triển khai là sự hợp tác của Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao trong việc hình thành Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, hướng tới các chuyên gia, doanh nhân người Việt tại nước ngoài (hoặc đã về nước) liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn đầu để hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Với những mục tiêu trên đã chỉ ra những nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hệ sinh thái cần được thúc đẩy hơn nữa sự liên kết, kết nối để tận dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để có được sự kết nối chặt chẽ này không thể thiếu vai trò trung tâm của yếu tố con người, từ những cá nhân đang được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách cho hệ sinh thái, những người hỗ trợ khởi nghiệp với lòng nhiệt huyết và sự cống hiến cho thế hệ tương lai đến những tài năng người Việt trong nước và khắp nơi trên thế giới.
Dung Đào