Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay, Du lịch và Hàng không có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển của cả hai bên. Trong các giai đoạn khác nhau, ngành du lịch và các hãng hàng không luôn có những văn bản hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Tổng cục Du lịch và các hãng hàng không cùng phối hợp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước ở trong và ngoài nước. Hợp tác giữa du lịch và hàng không tạo cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện cho du khách Việt Nam và quốc tế.
![]() |
Quan cảnh hội thảo "Hợp tác Hàng không - Du lịch" tại Đà Nẵng |
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) , Du lịch thế giới phải mất từ 2-4 năm để lấy lại đà tăng trưởng bằng mức trước dịch COVID-19. Ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua các đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế nhưng chưa bao giờ chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch COVID-19 gây ra.
Tổng cục trưởng cho hay, các nước trên thế giới cũng từng bước nới lỏng quy định rào cản nhập cảnh để thu hút khách quốc tế và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy vậy, nhìn chung lượng khách du lịch quốc tế đón được từ khi mở cửa còn hết sức hạn chế và các nước có ngành Du lịch phát triển đều phải tập trung các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng khách du lịch.
Năm 2022, Thái Lan ước đạt được kế hoạch đón 10 triệu khách quốc tế. Malaysia chính thức mở cửa cho khách quốc tế từ 1/4/2022 và đang nỗ lực quảng bá thu hút khách quốc tế để đạt mục tiêu đón 9,2 triệu khách quốc tế. Đối với Singapore, COVID-19 được cho là yếu tố để quốc đảo này tăng tốc chuyển đổi số nhằm một mặt kiểm soát, giảm thiểu hậu quả của đại dịch, mặt khác nhằm nhanh chóng cán đích trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới và có kế hoạch đón 6 triệu khách quốc tế năm 2022.
Thị trường du lịch Việt Nam sau khi mở cửa từ ngày 15/3/2022 cũng đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa, toàn ngành ước đón 101,3 triệu lượt khách năm 2022. Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cả nước ước đón 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến, đạt trên 70% so với kế hoạch.
![]() |
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: để du lịch đạt 650 nghìn tỷ trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn! |
Nói về thị trường hàng không quốc tế trong năm 2022, đại diện Cục hàng không Việt Nam cho hay, ngay sau khi Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh và tiếp đó là khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022, các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không nước ngoài đã từng bước khôi phục hoạt động khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam.
Từ tháng 4/2022 đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không quốc tế đã có hơn 63 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 04 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác hành khách trên 154 đường bay quốc tế kết nối 26 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 05 điểm của Việt Nam
Cục hàng không cho biết, về tổng thể, số lượng quốc gia có hoạt động khai thác hành khách đi đến Việt Nam đã dần hồi phục hoàn toàn so với thời điểm trước dịch (năm 2019); chỉ còn thị trường Nga bị đóng băng do ảnh hưởng xung đột Nga-Ucraina và thị trường Trung Quốc đang bị hạn chế về tần suất khai thác (16 chuyến bay/tuần cho mỗi bên).
Năm 2022, vận chuyển quốc tế đạt khoảng 11 triệu hành khách khách (tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019). Tuy nhiên chỉ tính riêng cho quý IV/2022, tổng thị trường quốc tế quý 4 đạt 5,1 triệu khách, bằng 50% so cùng kỳ năm 2019. Cục hàng không dự báo, năm 2023, dự kiến vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu hành khách khách, tăng 3 lần so năm 2022 và bằng 83% so năm 2019.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp vận tải đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không đã thảo luận với kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, nút thắt đang gặp phải của các hãng hàng không, các hãng lữ hành trong nước, qua đó, góp phần mang đến những gam màu tươi sáng cho ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để đạt mục tiêu ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách (trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa khoảng 102 triệu lượt) tổng thu khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn. Do đó, du lịch và hàng không phải tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy du lịch phát triển.
Theo ước tính của doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch. Do vậy, liên kết tốt giữa hàng không và du lịch sẽ tạo ra những ưu đãi, tác động đến việc xây dựng sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành. Hàng không và du lịch hợp tác chặt chẽ đóng vai trò quan trọng đem tới sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch với giá cả phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, sản phẩm du lịch tốt sẽ kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân. Những gói combo sản phẩm du lịch chất lượng phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại, khi khách du lịch có tâm lý tiết kiệm chi tiêu, luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng có giá cả hợp ‘’túi tiền’’.
![]() |
Khách du lịch đến ssan bay Đà Nẵng |
Tổng Cục trưởng cũng đề nghị hàng không và du lịch tiếp tục ‘’bắt tay’’ để đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác, làm mới dòng sản phẩm du lịch chủ đạo: Du lịch biển, đảo; Du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); Du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và (4) du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch để nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ cung ứng. Phát triển nhiều sản phẩm thông minh và tiện ích giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng: hệ thống vé điện tử, hệ thống kiểm soát ra vào tự động, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.
Phía Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị một số giải pháp. Trong đó kiên trì tìm hiểu thông tin và trao đổi làm việc với các Nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ, tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này, trước mắt là xem xét, tăng tần suất cho các hãng hàng không trên các đường bay giữa hai nước. Kiến nghị Chính phủ đưa nội dung này vào các chương trình làm việc cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, Ấn Độ.
Tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là việc khai thác đến Cảng hàng không quốc tế (Nội Bài (nơi vẫn còn dư địa phát triển). Khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Bên cạnh đó, Cục hàng không đề nghị Chính phủ xem xét các quy định đối với visa cho khách du lịch quốc tế theo hướng nới lỏng (tăng thời hạn lưu trú và mở rộng phạm vi các quốc gia được miễn visa nhập cảnh Việt Nam).
Ngoài ra, xem xét có chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch như bay taxi, bay tham quan, ngắm cảnh, các chuyến bay tư nhân (private flight) cho các nhóm khách du lịch có khả năng chi trả cao…/.