Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng có câu thơ nổi tiếng: “Bao nhiêu người làm thơ về đèo Ngang/ Mà không biết con đèo chạy dọc”. Ý tác gỉa nói: Tất cả xe, người đều theo một hướng (dọc) vào chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đa số người dân Việt Nam có lẽ đã một lần đi qua đèo Ngang, nếu chưa thì cũng một lần đọc bài thơ “Qua đèo Ngang” của bà huyện Thanh Quan được xem như vẽ lên bức tranh thủy mặc.
Với tôi cũng đã từng có những kỷ niệm: "… Dạo tìm khắp vạt đồi chiều/ Xem còn sót lại ít nhiều hoa mua?/ “Hoa mua ai bán mà mua”/ Nghe sao da diết xót chua lòng này”!. (Một thời- Trong tập Hồn Xuân của Nguyễn Xuân, NXB Hội Nhà văn Việt Nam – 2017).
|
Đèo Ngang phân chia hai tỉnh Hà Tỉnh và Quảng Bình, là ranh giới xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh và xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình. Đèo Ngang cách thị xã Ba Đồn 24 km, cách sông Gianh 27 km, thành phố Đồng Hới 80 km; cách TP. Hà Tĩnh 75 km; thị xã Kỳ Anh khoảng 30 km.
Xa xưa, đèo Ngang là ranh giới giữa Đại Việt với Chiêm Thành; thời Pháp thuộc, đèo có tên trên bản đồ là Porte d'Annam.
Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến đèo Ngang. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh giữa Đại Việt và Chăm Pa. Vào thời nhà Nguyễn, đèo Ngang và dãy Hoành Sơn gắn liền với các sự kiện mở mang bờ cõi, Trịnh - Nguyễn phân tranh, đèo Ngang chính là chốt án ngữ quan trọng Đàng Ngoài - Đàng Trong. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833) nhà vua cho xây Hoành Sơn Quan trên đỉnh đèo Ngang cùng với nhiều công trình khác, như một biểu tượng của cửa ngõ vào đất kinh sư. Hình ảnh của đèo Ngang đã được chọn khắc vào “Huyền đỉnh” ở Đại Nội Huế vào năm 1838. Phía dưới chân đèo, thuộc địa phận Quảng Bình, có đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, đèo Ngang là địa bàn trọng điểm, chứng kiến sự giao tranh quyết liệt của quân và dân ta với hải quân và không quân Mỹ, trong việc bảo vệ con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam chi viện cho chiến trường miền Nam.
Dù đã nhuốm màu chiến tranh, đèo Ngang vẫn giữ được nét đẹp nên thơ, đi vào lòng người và trở thành địa danh nổi tiếng. Đã có một thời đèo Ngang mang danh “đang nghèo”, rồi “hoa héo đèo Ngang”. Nhưng bây giờ thì đèo Ngang đã khác, đã trở thành "đèo Nghếch", kiểu nói lái của người xứ Nghệ, nghĩa là "đếch nghèo", và chẳng còn hoa héo nữa mà đẹp như mơ. Đèo Ngang quê tôi bây giờ đã hiên ngang bởi vượt đèo không còn phải đi trên đỉnh, mà đã có đường hầm “xuyên núi”.
![]() |
Cửa phía nam, hầm đường bộ Đèo Ngang |
Hầm chính dài 495m cộng với hệ thống đường dẫn nên toàn tuyến dài 2.156,41 m. Hầm có chiều rộng 11,5m, cao 7,5m với 6 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m, đảm bảo cho các phương tiện cơ giới đạt tốc độ tối đa 60 km/h.
Bên cạnh đó là Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương đã được các tập đoàn vận tải hàng hải trên thế giới đưa vào “tầm ngắm” vì có vị trí thuận lợi nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế. Đặc biệt, cụm cảng có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý) và độ sâu tự nhiên lớn, từ -11m đến -22m. Với độ sâu lý tưởng này, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu trọng tải từ 5 - 30 vạn DWT, tàu container với sức chở đến 4.000 TEU, là điều kiện tốt cho việc phát triển thành trung tâm logistics tầm cỡ.
Quyết định số 1037/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam định hướng đến năm 2030, theo đó cảng Vũng Áng - Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng Áng là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực - cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam.
![]() |
Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý) và độ sâu tự nhiên lớn, từ -11m đến -22m. |
Cảng Vũng Áng giai đoạn hoàn thiện sẽ có 17 bến (11 bến cảng tổng hợp, container; 6 bến chuyên dùng cho nhập than và xuất nhập xăng dầu); cảng Sơn Dương giai đoạn hoàn thiện sẽ có 51 bến chuyên dùng (32 bến của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, 13 bến cho khu lọc hóa dầu Formosa, 6 bến tàu cho Nhiệt điện Vũng Áng).
Bên cạnh cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương là khu công nghiệp luyện thép Formosa Hà Tĩnh, thuộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Năm 2022, sản lượng thép của FHS đạt khoảng 5,8 triệu tấn. Các sản phẩm chủ lực của FHS gồm: Thép cuộn cán nóng, thép dây, phôi thanh vuông… Ngoài việc phục vụ như cầu trong nước, sản phẩm của FHS đã đến với nhiều thị trường ngoài nước như: Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Mexico, Brazil… Nhờ đó, doanh thu năm 2022 của FHS đạt trên 4 tỷ USD. Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh) là đơn vị dẫn đầu trong công tác nộp NSNN cho Hà Tĩnh từ nhiều năm nay.
Theo thống kê của các cơ quan tài chính, trung bình mỗi năm, Formosa Hà Tĩnh đóng góp 50-60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh (bao gồm cả thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu). Với quy mô nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, Formosa Hà Tĩnh đang chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh; tạo sức hút mạnh mẽ đối với nhiều DN, nhà đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hậu thép. Với vai trò là một trong những doanh nghiệp FDI lớn nhất cả nước, ngoài việc tập trung sản xuất, đóng góp to lớn vào thu ngân sách, giải quyết việc làm, FHS còn là “chim đầu đàn” trong các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh. Năm 2022, FHS đã trích hơn 10 tỷ đồng để đồng hành, hỗ trợ Hà Tĩnh thực hiện nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa như: Tặng kinh phí, đồ dùng cho Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh; xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa; hỗ trợ người nghèo ở các phường, xã lân cận nhà máy; tặng gia đình chính sách, người có công; sửa chữa xây dựng cơ sở vật chất trường học, y tế cho các địa phương; hỗ trợ các hoạt động TDTT trên địa bàn.
Tuyến đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng, đường sắt kết nối Viêng Chăn - Vũng Áng cũng đang được Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào tích cực triển khai. Đây chính là những “mạch máu” giao thông quan trọng để đảm bảo cho “nhịp đập” Vũng Áng - Sơn Dương ngày càng khỏe hơn.
![]() |
Một số các ông bà HS cấp 3 Kỳ Anh khóa 1968 - 1971 tại Hoành Sơn Quan, trong một chiều hè nắng nhạt tháng 5/2023 |
Đèo Ngang (đang nghèo) quê tôi bây giờ đã là "đèo Nghếch" (đếch nghèo). Một buổi chiều nhạt nắng, gần bảy chục anh chị em chúng tôi, lớp học sinh cấp ba Kỳ Anh niên khóa 1968 – 1971 từ mọi miền đất nước về đây hội tụ, ôn lại 55 năm ngày nhập trường. Các anh, các chị bây giờ đã ở độ tuổi “Xưa nay hiếm” nhưng ai cũng háo hức sau hơn nửa thế kỷ trở về, hội tụ dưới mái trường thân yêu, ôn lại một thời đạn bom để ghi nhận dấu ấn hạnh phúc của một thời hòa bình; cùng nhau đến đèo Ngang vào lúc chiều muộn, lên Hoành Sơn Quan, ngắm trời chiều, thả hồn quyện trong gió lào bắt đầu thổi vào mùa nóng, ngắm nhìn những công trình thế kỷ, những cánh rừng trồng xanh ngát ngút ngàn tầm mắt để yêu quê hơn, để càng xa quê càng nhớ và càng mong quê hương ngày một phát triển giàu đẹp!
Bút ký của Nguyễn Xuân