Theo phong tục cổ truyền, thường đi chùa lễ Phật người Việt Nam vào các ngày Rằm, mồng Một, ngày lễ Tết, cùng những ngày có việc hệ trọngvới tấm lòng thành cầu khấn nhờ nghiệp lực vô biên của Phật, của chư vị Bồ Tát, Hiền thánh mà được thiện duyên, gặp may cầu cho được: mạnh khoẻ, sống lâu, tai qua, nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, có con nối dõi, yêu vui thân mệnh, gia đình hoà thuận, hạnh phúc an khang...
![]() |
Người dân đi lễ đầu năm |
Theo cuốn sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” đã được Thượng tọa Thích Thanh Duệ – Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam thẩm định và hiệu đính, NXB Văn hoá Thông tin, chùa là nơi thờ Phật, cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng công cộng của người Việt Nam từ xưa tới nay, mang ý nghĩa vô cùng to lớn.
Việc sửa soạn đi chùa đều có những quy định cho người hành lễ tuân thủ. Đầu tiên dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè… được đặt trên hương án của chính điện.
Sáu lễ vật cúng phật gồm: Hương hoa (mộc), đèn nến (hỏa), phẩm quả (thổ), âm nhạc (lời khấn, kinh phật) thuộc kim, nước (thủy) và lòng thành kính. Nhưng nếu điều kiện không cho phép thì chỉ cần một thứ, trong đó nước là vật phẩm quan trọng nhất, vì đạo Phật coi trí tuệ là vô thượng, là phương tiện quan trọng để chúng sinh thoát khỏi bể khổ.
Còn việc sắm sửa lễ mặn khi đi chùa chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực Chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính diện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi Chùa. Lễ mặn thường là: Gà, giò, rượu…nên đặt ở bàn thờ Đức Thánh.
Hoa tươi lễ Phật là: hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dâng các loại hoa dại.
Khuyến khích không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng lễ Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này chỉ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Lễ tiền vàng và tiền thật kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát ở chính điện. Mà tiền thật để công đức nên cho vào hòm công đức đặt tại Chùa.
Với người hành lễ khi vào chùa nhông được đi giày dép, mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, găng tay hoặc nhai trầu, hút thuốc... trong phật đường, tam bảo, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
Vào chùa phải đi từ cửa bên, không đi cửa chính giữa. Không đứng hoặc quỳ chính giữa, đối diện tượng thần phật để hành lễ. Cửa chính chỉ dành cho đức Phật, Ngọc đế hoặc vua chúa.
Đứng trước tượng thần phật phải cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước tam bảo. Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong phật đường. Không được hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ... quanh khu vực phật điện, tam bảo.
Đi chùa cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc giản dị, tuyệt đối không mặc váy ngắn, quần cộc, áo hở lườn hở nách... Nên dùng câu "A Di Đà phật" để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng dùng câu này để bái biệt.
Thành tâm dâng hương là lễ vật lớn nhất đối với thần phật. Tôn kính, ngưỡng vọng công đức của thần phật đối với chúng sinh, nguyện vì chúng sinh giác ngộ, hướng thiện, tu thân chính đạo... sẽ "hữu cầu tất ứng", không cần sớ tấu, vái lạy hay bất kỳ lễ nghi rườm rà nào khác.
Vào lễ thắp 3 nén hương là biểu thị "giới-định-tuệ", tức là "tam vô lậu"; đồng thời biểu thị cúng dàng Phật-Pháp-Tăng (tam bảo). Nhưng nếu lễ hội đông đúc, không cần thắp hương, thành tâm niệm phật là đủ.
Năm nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, nên người dân đi lễ chùa cần chấp hành quy định 5K của các cơ quan chức năng. Khi vào chùa lễ Phật, mọi người nên để tâm mình an nhiên, thảnh thơi, không nên mang quá nhiều mưu cầu về công danh và tài lộc.
Khi thắp hương cầu nguyện, tốt nhất là chúng ta nên cầu bình an cho toàn bộ chúng sinh, không chỉ cho riêng bản thân hoặc gia đình mình. Với tâm từ bi bác ái của mỗi người Việt sẽ đem đến cho toàn dân ta sự may mắn, an lành trong một năm mới.