Về bản dịch "Nhật ký trong tù" bằng tiếng Đan Mạch
Đó là bản dịch có tựa đề bằng tiếng Đan Mạch “Dagbog fra fængslet” (Nhật ký trong tù) do Vagn Søndergård dịch, được Demos xuất bản ngày 13/12/1970 với 1500 bản.
Trong một bài viết được công bố năm 2013 của dịch giả Thúy Toàn, tiếng Đan Mạch được ông liệt kê như một trong 25 ngôn ngữ đã có bản dịch “Nhật ký trong tù”, song tác giả không dẫn tên bản dịch cũng như tên dịch giả và năm xuất bản của bản dịch. Vì thế, người đọc không được biết cụ thể hơn về bản dịch này cũng như bản dịch bằng các ngôn ngữ khác được liệt kê trong bài viết.
Cuốn sách bằng tiếng Đan Mạch “Dagbog fra fængslet” (Nhật ký trong tù) do Vagn Søndergård dịch, mà chúng tôi may mắn tìm được, có bìa màu huyết dụ, gồm 112 trang, khổ 14x17cm. Ở trang 2 của cuốn sách, có ghi: “Bản dịch được thực hiện dựa trên bản dịch “Journal de Prison”, do Nhà xuất bản Ngoại văn (Edition en Langues Etrangères) xuất bản ở Hà Nội năm 1960”. Trang 3-4 là Mục lục, trang 5 có “Lời nói đầu”. Từ trang 7 đến trang 108 là phần nội dung, với 100 bài thơ, mỗi bài in trong một trang, trừ bài “Chơi chữ” in trong 2 trang (68-69). Trang 109-110 là chú thích các từ, địa danh trong các bài thơ. Còn trang 111-112 là ghi chú vắn tắt tiểu sử Hồ Chí Minh.
Trong lời nói đầu ngắn gọn của cuốn sách, Vagn Søndergård viết: “Bản dịch này dựa trên bản tiếng Pháp, một bản dịch được thực hiện từ bản gốc chữ Hán, với sự cộng tác giữa người Việt và người Pháp. Nhật ký trong tù không phải là một tuyển tập thơ được biên soạn và sắp xếp theo nội dung của các bài thơ, mà là một cuốn nhật ký bằng thơ. Vì vậy, cần đọc nó như một cuốn nhật ký. Trước hết, nó dựa trên những sự kiện có thật của một thời kỳ ngắn trong cuộc đời Hồ Chí Minh, do vậy không nên coi các bài thơ là biểu hiện của những tâm trạng rời rạc. Thứ hai, theo thời gian, chúng ta hiểu được rõ hơn về mọi khía cạnh của nhân cách Hồ Chí Minh và qua đó hiểu sâu hơn về sức sống của Người và cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam.”
![]() |
Bìa 1 và bìa 4 “Nhật ký trong tù” tiếng Đan Mạch. |
Còn ở bìa 4 của cuốn sách, ông viết: “Nhiều chính khách lớn viết hồi ký của mình. Hồi ký là một phần của câu chuyện và như bạn biết, câu chuyện có thể được diễn giải theo ý muốn.
Rất ít chính khách trong thời đại chúng ta làm thơ. Thật vậy, khó có thể tìm thấy một chính khách châu Âu có tài năng thơ phú. Các chính khách vĩ đại đặc biệt vĩ đại vì công việc, suy nghĩ và tính cách của họ, hiếm khi vì sự nhạy cảm của họ. Thơ ca biểu lộ. Một nhà thơ không thể nói dối mà không bộc lộ mình là một nhà thơ tồi.
Ở những người như Hồ Chí Minh, thông minh hòa trộn với nhạy cảm. Ông không giấu giếm điều gì. Ông cũng giống như một chính khách và một con người. Điều kỳ lạ là những nét đặc trưng của Hồ Chí Minh lại là những nét chung phổ biến của con người Việt Nam. Vì vậy, trong cuộc chiến đấu ác liệt chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ xâm lược, người Việt Nam đã giữ gìn được phẩm cách của mình.
![]() |
Ảnh chụp bài “Chơi chữ” trong bản dịch tiếng Đan Mạch (1 & 2) và trong bản dịch tiếng Thụy Điển (3). |
Trong “Nhật ký trong tù”, tất cả những tình huống khổ cực mà Hồ Chí Minh phải chịu đựng đều được khắc họa vừa đau thương vừa hài hước, vừa thất vọng vừa có phần vị tha. Hồ Chí Minh mềm mỏng mà không khuất phục”.
Về số lượng bài thơ được dịch, bản dịch “Dagbog fra fængslet” của Vagn Søndergård cũng có 100 bài dịch như bản dịch tiếng Na Uy, nhiều hơn so với 97 bài của bản dịch tiếng Thụy Điển, song ít hơn 1 bài so với bản dịch tiếng Phần Lan (101 bài). Đáng chú ý, bản dịch tiếng Đan Mạch không chỉ dịch bài “Chơi chữ” sang tiếng Đan Mạch với giải nghĩa 13 chữ Hán mà còn in cả nguyên văn bài thơ bằng chữ Hán.
Một số bài thơ của Hồ Chí Minh do Vagn Søndergård dịch trong “Dagbog fra fængslet” đã được đăng trong một số tạp chí ở Đan Mạch. Bài “Buổi sáng” được đăng trong Tạp chí Việt Nam của Hội Việt Nam ở Đan Mạch, số 1 ra ngày 14-3-2009, dưới đây là một trong số đó.
![]() |
Ảnh chụp lại từ Tạp chí số 1/2009. |
Cùng với Nhật ký trong tù bằng tiếng Đan Mạch, Søndergård còn biên soạn và dịch một số tác phẩm khác của Hồ Chí Minh và các tác giả Việt Nam, như:
- “Til Vietnam” (Về Việt Nam), Demos xuất bản năm 1967, 34 trang. Vagn Søndergaard viết chung với Ebbe Reich.
- “13 moderne vietnamesiske noveller” (13 truyện ngắn hiện đại Việt Nam), Demos xuất bản năm 1972, 173 trang, gồm truyện của các tác giả: Nguyên Ngọc, Tô Hoài, Anh Đức, Nguyễn Trung Thành. Dương Thị Minh Hương, Nguyên Hồng, Vũ Nam (Vũ Tú Nam?), Nguyễn Đình Thi, Ngọc Giao, Nam Cao và Nguyễn Công Hoan.
- “Ho Chi Minh, Frihedens Værksted. Udvalgte skrifter” (Hồ Chí Minh về Tự do, truyển chọn các tác phẩn), Demos xuất bản 1975. 304 trang. Sách do Tove Nørlund dịch, Vagn Søndergård hiệu đính.
Dịch giả, nhà hoạt động Vagn Søndergård và Demos
Vagn Søndergaard sinh năm 1924 trong một gia đình làm nghề nông ở Karby (Mors) và được giáo dục để trở thành một thợ làm bánh vào năm 1943. Nhưng, sau khi học nghề xong, ông đã đến Copenhagen để theo đuổi con đường học thuật. Năm 1946-47 ông du học ở Anh, năm 1948 ông ở Czechoslovakia và năm 1965 ông ở Pháp. Ông có bằng tiếng Anh và tiếng Pháp 1962, và năm 1971 ông trở thành Phó Giáo sư.
![]() |
Vagn Søndergaard năm 2008. Ảnh: Demos. |
Vào những năm 1960, ông là một nhân viên được kính trọng của đài phát thanh dành cho trường học của Đan Mạch với các chương trình tiếng Anh và tiếng Pháp dùng giảng dạy ở trường trung học. Vào những năm 1970, Vagn Søndergaard là một nhà hoạt động trong Mặt trận Giải phóng Người đồng tính và là đồng biên tập của các trang văn học trên tạp chí đồng tính Pan.
Vagn đã trở thành thành viên của DKP (Danmarks Kommunistiske Parti - Đảng Cộng sản Đan Mạch) và vào giữa những năm 1960 đã tham gia trong hội đồng quản trị của tạp chí Clarté, tạp chí có khuynh hướng cộng sản dành cho sinh viên và trí thức. Tại đây, ông đã làm quen với người cộng sản Erik Jensen, người đã bắt đầu làm việc tại tòa soạn từ năm 1957 với tư cách là đại diện của DKU (Danmarks Kommunistiske Ungdom).
Søndergård đã cùng với Erik Jensen thành lập Ủy ban Việt Nam Đan Mạch vào tháng 8 năm 1968 và trở thành thành viên tích cực trong ban lãnh đạo của Ủy ban từ khi đó cho đến lúc qua đời. Để tổ chức và duy trì các hoạt động của Ủy ban, ông đã tham gia sáng lập nhà xuất bản Demos vào tháng 9 năm 1969, cùng với. Từng hoạt động với tư cách là biên tập viên của nhà xuất bản một số tác phẩm chống chủ nghĩa đế quốc.
Tháng 3 năm 1972, Vagn Søndergaard đã đến Việt Nam trong phái đoàn của Ủy ban Việt Nam Đan Mạch (Danske Vietnamkomiteer- DDV) cùng với hai thành viên khác là Knud Jensen và Tove Jensen. Họ đã thăm Việt Nam trong ba tuần, đi tới nhiều nơi và gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Hà Nội. Sau chuyến đi đó Søndergaard thực hiện một số chương trình về Việt Nam cho đài truyền hình. Đáng chú ý là ngày 26 tháng 4 năm 1972 Vagn Søndergaard đã thay mặt DDV đọc một bài phát biểu nổi tiếng tại cuộc biểu tình chống Mỹ do DDV và Vietnam 69 tổ chức trước đại sứ quán Hoa Kỳ ở Copenhagen.
Vagn Søndergaard là một trong bốn người sáng lập nhà xuất bản Demos năm 1968. Không chỉ là người sáng lập, Vagn Søndergaardcòn là người có ảnh hưởng từ khi bắt đầu thành lập nhà xuất bản cho đến khi qua đời vào năm 2011. Trong khoảng thời gian từ 1969- 1979, Demos đã xuất bản tổng cộng khoảng 100 ấn phẩm, trong đó có 10 ấn phẩm về Việt Nam.
Vagn Søndergaard qua đời vào ngày 4 tháng 5 năm 2011, sau gần 4 tháng nằm trong bệnh viện. Trên website của Demos hiện còn lưu bản tin về cái chết của Vagn Søndergaard như sau:
“Vagn thân mến!
Cảm ơn anh vì cam kết, tầm nhìn, ý thức phản biện tuyệt vời và tình yêu to lớn của anh trong cuộc chiến chống lại sự áp bức ở bất cứ đâu. Cảm ơn bao năm đấu tranh chung cho tự do bình đẳng và thơ giữa người với người. Anh sẽ được nhớ mãi. Hãy tự hào với những việc anh đã làm!”./.
Võ Bùi Lê Lam (Từ Phân Lan)