Vụ việc nam sinh lớp 9 đâm tử vong bạn học giữa sân trường trong giờ ra chơi chỉ vì chút va chạm nho nhỏ đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực xã hội đang gia tăng với tốc độ chóng mặt trong thời gian gần đây kéo theo theo tình trạng bạo lực trong trẻ vị thành niên cũng gia tăng đột biến.
Tamnhin.net đã mời một số chuyên gia trên các lĩnh vực pháp luật- giáo dục- thanh thiếu niên và gia đình để đưa ra những ý kiến, nhận định cũng như kiến giải một số giải pháp về tình trạng này.
Bài 1: Chuyên gia Tuổi trẻ và Hạnh phúc Lê Thị Túy:
Nếp nhà và hành vi của đứa trẻ
Cha mẹ phải có trách nhiệm chính dạy nề nếp và kiến thức làm người cho con trẻ
Theo Chuyên gia Túy, cả hai em học sinh- kẻ bị bạo lực và người gây bạo lực đều ở lứa tuổi vị thành niên. Các em đang ở tuổi trưởng thành, có nhiểu biến đổi trong tâm lí, nhiều ý nghĩ và diễn biến nọ tâm bất thường, bột phát rất khó kiểm soát. Nhiều khi tay chân nhanh hơn đầu óc, nói hay làm mà không kịp suy nghĩ. Tình huống xảy ra, không màng hậu quả, không kịp cân nhắc thiệt hơn, vung tay đánh luôn để hả cơn tức giận ngay lúc đó. Đây là tâm lí lứa tuổi đang trưởng thành, rất khó kiểm soát.
![]() |
Chuyên gia Tư vấn Tuổi trẻ và hạnh phúc Lê Thị Tuý - (thứ tư từ trái sang) |
“Có người ví tâm tính của trẻ vị thành niên giống như dòng sông, con suối trong mùa lũ, cuồn cuộn dâng trào, dễ dàng tràn lan. Muốn kiểm soát nó thì biện pháp tốt nhất là đắp đê ngăn lũ và khơi dòng cho chảy đúng hướng, nước tuôn ra biển. Con đê ấy chính là các lễ phép, khuôn phép và nhận thức được rèn giũa, vun đắp trong tâm hồn các em từ nhỏ trong môi trường gia đình. Còn việc khơi dòng cho nước chảy đúng hướng khỏi bộc phá lung tung chính là tạo môi trường, việc làm, hoạt động lành mạnh, sân chơi cho các em xả bớt năng lượng dư thừa”, Chuyên gia Lê Thị Túy nói.
Theo Chuyên gia, một môi trường gia đình bình ổn, khuôn phép, trên kính dưới nhường, yêu thương hòa thuận, ông bà, cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ con cháu kỹ lưỡng; con cháu biết đi hỏi về chào, đi thưa về gửi, biết lắng nghe lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ... thì rất hiếm khi xảy ra những sự cố như thế này. “Cha mẹ yêu thương nhau, hoà thuận với nhau, không hơi tí quát lác, gào thét, giơ tay giơ chân với nhau và với con cái thì xu hướng bạo lực ở đứa trẻ cũng ít đi rất nhiều. Gia đình là cái nôi để nuôi dưỡng đứa trẻ nên người. Cái nôi bị rách thì tâm hồn đứa trẻ sao lành lặn được?”.
Thông tin các báo chí nêu là gia đình cháu học sinh lớp 9 đó bố mẹ rất bận rộn, mải làm ăn, ít có điều kiện để chăm lo dạy bảo con cái. Theo Chuyên gia, tâm tính của đứa trẻ vị thành niên biến đổi rất nhanh, nay thế này mai đã thế khác. Đó là chưa kể những gì các em tiếp nhận từ ngoài xã hội, từ mạng internet... mà trên đó tràn làn các clip bạo lực, những clip phản văn hóa chưa được kiểm soát. Chỉ cần lơ là một chút là đứa con nhỏ hiền lành hôm nào đã biến ngay thành trẻ hư. Bố mẹ bận rộn mải làm ăn, cũng không phải là họ muốn vậy. Cuộc sống bây giờ quá khó khăn, nhiều áp lực, đặc biệt từ sau khi đại dịch covid có đến mấy làn sóng ảnh hưởng tới Việt Nam và trên toàn thế giới, thì việc kiếm được đồng tiền để duy trì cuộc sống gia đình tới mấy miệng ăn cũng đã đủ khiến cha mẹ bù đầu. Lơ là quản con cũng dễ xảy ra. “Nhiều cha mẹ nghĩ con mình lớn rồi, có thể tự lo cho bản thân, nên cũng yên tâm để chúng tự lo. Đến khi cơ sự xảy ra thì đã quá muộn. Con nhà người chết rồi. Con mình làm cũng đã làm rồi. Tương lai của nó sau này lấy gì đảm bảo? Vậy nên dù bận rộn, dù khó khăn, nhưng đã đẻ con ra thì dứt khoát phải dạy dỗ, quản lý. Đó là trách nhiệm của người sinh thành. Không thể để đứa trẻ tự quản bản thân, vì nó đã biết được mấy, đến đầu óc nó còn chẳng quản được”.
Có nên kiểm soát những thứ học sinh mang đến trường?
“Cũng không thể đổ toàn bộ lỗi cho thấy cô, xã hội. Tôi được biết, từ khi học sinh liên tiếp nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19 thì việc dạy dồn đuổi kiến thức văn hóa cũng làm cho các thầy cô rất áp lực rồi. Các môn phụ đã bị giảm tải rất nhiều. Những giờ học đạo đức, kiến thức sinh lý, giới... cũng bị lược bớt. Cháu tôi đi học về bảo không được học mấy môn về giới tính nữa. Tâm lí lứa tuổi lại càng bị xem nhẹ. Bây giờ không phải trường học nào cũng có bác sỹ tâm lý. Lớp thì đông, nắm bắt từng em là rất khó.
“Việc em học sinh này mang dao trong người chắc chắn không phải là chuẩn bị ở trong trường. Em có thể mang ở nhà đi, em có thể mua ở ngoài. Nhưng hành vi giấu dao trong người là em đã chuẩn bị sẵn cho tình huống ra tay phải sử dụng đến vũ khí. Vậy thì ai đã dạy em làm điều đó hay mối nguy nào khiến em nảy sinh ý nghĩ phải đem dao trong người? Hay là em đã có sẵn suy nghĩ muốn tấn công người khác nên mang theo dao chờ có cơ hội để ra tay? Điều này phải chờ cơ quan điều tra làm rõ. Nhưng tôi cho rằng việc con cái chuẩn bị sẵn hung khí trong người (cái này đã có qui định cấm, chắc chắn nhà trường đã phổ biến đến cha mẹ và học sinh từ đầu mỗi năm học), dứt khoát cha mẹ phải có trách nhiệm”, chuyên gia này nói.
Còn phía nhà trường, quan điểm của bà Túy cho rằng để học sinh mang theo hung khí vào trường không thể không chịu trách nhiệm. “Tôi được biết có nhiều trường học làm rất nghiêm vấn đề kiểm tra balo, cặp sách học sinh khi vào trường nhằm phát hiện và loại bỏ hung khí, chất kích thích cấm và văn hóa phẩm không lành mạnh. Việc này nhận được những phản hồi ủng hộ nhưng cũng có nhiều ý kiến phụ huynh phản đối vì họ xem đó là vi phạm nhân quyền. Trong tình huống hiện nay, việc kiểm tra có thể hạn chế bớt được các học sinh nam giấu vũ khí và chất kích thích, thì so sánh giữa mặt hại và lợi, chúng ta vẫn cần phải cân nhắc. Một môi trường tập trung đông người như trường học, lại chủ yếu là lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nếu lọt vào đó hung khí nguy hiểm như dao, kiếm, súng... thì mức độ sát thương sẽ rất cao. Cái này các nhà quản lý cần phải cân nhắc và đưa ra các giải pháp hợp lý”, bà Túy nói.
Cần dạy các em cách tự bảo vệ bản thân
“Câu chuyện liên quan đến một em học sinh lớp 9 cha mẹ bận rộn mải làm ăn, đã nhiều lần vi phạm kỷ luật ở trường, nhưng hậu quả của nó lại do em nhỏ lớp 8 phải chịu. Chỉ vì một chút va chạm ở sân trường, một học sinh ngoan ngoãn phải bỏ mạng. Chúng ta trách móc lên án kẻ gây bạo lực. Đồng thời chúng ta cần nghĩ ngay đến giải pháp cho nó. Trong khi tình huống xảy ra rất nhanh, thầy cô không kịp can thiệp, bạn bè xung quanh không có kỹ năng để can ngăn (đã từng xảy ra tình huống người can ngăn bạo lực bị đâm chết) thì nạn nhân chính là người duy nhất phải có kỹ năng hóa giải tình huống này. Chúng ta vẫn rất cần trang bị cho trẻ từ rất sớm khả năng tự vệ. Tôi nói là tự vệ chứ không phải tấn công. Kỹ năng tự vệ ở đây có hai yếu tố: hóa giải về tâm lý và hóa giải bằng hành động. Hóa giải tâm lý tức là em nhỏ đó phải hiểu mình đang đối mặt với nguy hiểm, dùng lời nói thông minh để làm lạc hướng hung thủ hoặc tìm cách trì hoãn, kéo đối phương ra nơi nào có người lớn can thiệp giúp. Hóa giải bằng hành động tức là chúng ta phải trang bị cho con cái võ tự vệ, các em sẽ học những kỹ thuật hóa giải các đòn tấn công của đối phương, tước vũ khí, vô hiệu hóa hành vi của đối phương để bảo vệ bản thân. Trong trường hợp cả hai kỹ năng trên đều không dùng được thì chúng ta nên rèn cho con mình đôi chân thật tốt, rèn luyện hàng ngày, để các cháu chạy thật nhanh thoát khỏi kẻ thù. Có thể vừa chạy vừa la to kêu cứu để người lớn biết mà can thiệp. Mong rằng câu chuyện này là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ và thầy cô, những nhà quản lý xã hội cùng phải xem xét nhìn nhận lại từ vai trò của mình, đừng để bạo lực và bạo lực học đường xuất hiện hàng ngày, đừng để những đứa trẻ của chúng ta phải chứng kiến và tiếp nhận bạo lực như một lẽ đương nhiên. Bạo lực có thể chưa chấm dứt được ngay, nhưng cần giảm thiểu. Nếu không, chúng ta sẽ không thể có một xã hội bình yên, một tương lai hạnh phúc cho thế hệ mai sau.”, chuyên gia Lê Thị Túy chia sẻ.