Xu thế mới của thế giới trong nền kinh tế nói chung chứ không riêng trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là “less in more” và “more from less” tức là “ít hơn nhưng được nhiều hơn” và “được nhiều hơn từ cái ít hơn”. Thông qua công nghệ, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái có thể giải quyết được điều này và là đại diện cho giá trị “được nhiều hơn từ cái ít hơn” từ những mô hình đơn giản.
![]() |
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với báo chí về xu thế mới của thế giới trong nền kinh tế |
Nhận thức rõ điều này, Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Thưa Bộ trưởng, hiện nay nông dân và doanh nghiệp không đặt nặng vấn đề sản lượng, không lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu, mà đề cao vấn đề chất lượng, đa giá trị và phát triển bền vững. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Có thể thấy, tư duy sản xuất nông nghiệp chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội đối với người nông dân và doanh nghiệp. Trong năm 2022, nhiều diễn đàn kinh tế, thương mại đã tổ chức đi theo hướng đó.
Chúng ta thấy, không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu có rất nhiều nghiên cứu bắt đầu tư duy cần làm gì để tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp. Càng ngày càng thấy rõ vấn đề định vị rõ thị trường có vai trò quan trọng hơn sản xuất, bởi sản xuất mà không có thị trường thì sản xuất sẽ bị tắc nghẽn. Do đó, vai trò kiến tạo của nền nông nghiệp và kiến tạo không gian thị trường rất quan trọng, thể hiện rất rõ trong năm 2022: Chúng ta mở cửa rất nhiều thị trường, mở cửa cho rất nhiều loại nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn, chúng ta chứng minh được một điều: Nông sản của chúng ta về mặt chất lượng có thể đảm bảo đến các thị trường khó tính nhất...
Đó là những tín hiệu cho thấy, tinh thần của Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp chuyển sang một tư duy mới, mô hình mới tích hợp tăng trưởng tương đương giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Những mô hình nông nghiệp mới như lúa – tôm, lúa – rươi, mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… đã tạo ra một sinh khí mới thay vì chúng ta chỉ đi theo một con đường sản lượng như trước kia.
Tổng kết lại năm 2022, dù rất nhiều khó khăn dịch bệnh, đứt gãy cung cầu, chi phí logistics, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, tuy nhiên, kết quả đến giờ này, dù chưa đạt như kỳ vọng của ngành nông nghiệp, doanh nghiệp cũng như người nông dân, nhưng cũng là thành quả rất đáng tự hào. Tự hào không phải chỉ ở những con số tăng trưởng, mà có những niềm tự hào không thể hiện ở những con số. Đó là sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong một bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp. Hay nói cách khác, nó làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp, không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo các vấn đề xã hội.
Ví dụ như đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay, rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng an ninh lương thực, khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí có những chuỗi ngành hàng của một số quốc gia bị đứt gãy, nhưng ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn đứng vững, vừa đóng góp cho sự tăng trưởng nói chung, vừa đóng góp cho an sinh xã hội. Vấn đề bao trùm là chúng ta chưa bao giờ bị khủng hoảng về lương thực, thực phẩm trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tìm đến chúng ta trong nửa cuối năm 2022 để tìm kiếm sự hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực. Điều này đã góp phần nâng tầm đất nước Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã “thoát xác” bởi những tư duy thể hiện ở các mô hình sản xuất mới. Bộ trưởng đánh giá thế nào về hành trình chuyển đổi này?
- Cần phải nhìn nhận: Khó khăn, thách thức luôn bám theo nền nông nghiệp, khi đây là ngành rất nhạy cảm, có khi “được mùa rớt giá”. Để thoát khỏi “lời nguyền” này - chúng ta chỉ có cách phải tổ chức lại sản xuất. Đó là mệnh lệnh. Chúng ta phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải kết nối thành chuỗi để hình thành tư duy hợp tác và tư duy liên kết.
Tôi đánh giá cao mô hình Hội quán Nông dân ở Đồng Tháp, Nông hội ở Giai Lai, Cà phê khuyến nông ở An Giang, Ngôi nhà Trí tuệ của Hà Tĩnh… Trong không gian này, người dân được các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ thông tin. Từ đó dần hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác. Chúng ta phải nhìn lại cách chúng ta tổ chức, vận hành một ngành hàng. Cái đó quyết định sự chống chịu, khả năng vượt qua các cú sốc của thị trường. Bà con nông dân phải được được cảnh báo, tiếp cận các vấn đề rủi ro thì khả năng vượt qua rủi ro cao hơn.
Tôi cũng đánh giá rất cao vai trò của hàng chục triệu hộ nông dân chúng ta, mặc dù rất khó khăn khi nguyên vật liệu đầu vào, giá cả đầu ra không như mong muốn, nhưng có nhiều mô hình của bà con nông dân đã phát huy giá trị. Ở các khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía Bắc đã tìm những mô hình có thể có giá trị như một gợi ý cho Bộ NNPTNT không chỉ lo cho quy mô hàng hóa lớn, mà còn chăm lo cho những lĩnh vực nông nghiệp quy mô nhỏ nhưng mang lại giá trị tri thức bản địa lớn.
Ví dụ, lúa bậc thang của đồng bào vùng trung du hay miền núi tuy không thể so sánh được với Đồng bằng sông Hồng và càng không thể so được với ĐBSCL, nhưng đồng bào miền núi biết phát huy giá trị đặc trưng của vùng núi, như câu chuyện để làm du lịch nông thôn, lãnh đạo địa phương biết chăm chút hơn từng sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, dù quy mô nhỏ nhưng giá trị sẽ cao nếu chúng ta tiếp tục hành động, đổi mới như thời gian vừa qua.
Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ hay nói cách khác là tư duy thị trường - sản xuất làm ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần đã được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm. Sự dấn thân của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường EU hay thị trường Nhật Bản như Tân Long, Trung An, Lộc Trời... là minh chứng rằng chúng ta đã đúng khi hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau.
Câu chuyện gạo Việt sang EU dù ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều, nhưng rõ ràng là tín hiệu cho thấy chúng ta đã thay đổi; khi thay đổi, chúng ta đã tạo ra được giá trị gia tăng mới cao hơn.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!