![]() |
Có nhiều bất thường, khuất tất trong vụ đấu giá 193,37 ha cây cao su tại Bình Phước. |
“Thỏa thuận” trái luật
Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (đóng tại huyện Đồng Phú) là thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Công ty này là chủ sở hữu, quản lý 193,37 ha cây cao su tài sản nhà nước được thanh lý trong đợt này.
Ngày 4/11/2021, công ty này ký hợp đồng với Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (trụ sở tại Hà Nội-PV) để đưa bán đấu giá khối tài sản 193,37 ha cây cao su (tương đương 30% trong tổng số hơn 600 ha cao su thanh lý đợt này).
27 doanh nghiệp tham gia buổi đấu giá trực tuyến vào lúc 14 giờ 15 phút ngày 22/11/2021. Địa điểm đấu giá là trang Thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (daugiabtn.com). Giá khởi điểm 193,37 ha là 40.765.732.280 đồng.
Thế nhưng điều bất thường xảy ở đây là nhằm “khống chế” việc các doanh nghiệp (khách hàng-PV) tham gia đấu giá trả giá mua tài sản, Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đã đưa vào Quy chế của cuộc đấu giá trên là “Mỗi khách hàng không được trả quá 10 bước giá và 1 bước giá là 100.000.000 triệu đồng”.
Điều bất thường trên xuất phát từ việc, trước đó, vào ngày 3/11/2021, ông Huỳnh Trọng Thủy, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú đã có văn bản số 935/CSĐP-KH gửi Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam về việc “thỏa thuận bước giá để đấu giá 193,37 ha cây cao su thanh lý”.
![]() |
Trụ sở Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú. |
Theo đó, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú yêu cầu Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đưa vào nội dung quy chế cuộc đấu giá là: “Mỗi khách hàng không được trả quá 10 bước giá và 1 bước giá chỉ 100 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Duy Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH TMDVKD Tổng hợp Nam Anh bức xúc nói: “Đây là cuộc đấu giá tài sản của nhà nước. Mà theo quy định của Luật Đấu giá và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu giá tài sản thì không giới hạn giá trả lên của khách hàng. Việc chủ sở hữu tài sản thỏa thuận với công ty đấu giá đưa vào quy chế như trên để khống chế khách hàng trả giá là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, trao đổi với phóng viên, nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc đấu giá trên cho rằng, trong quá trình cuộc đấu giá diễn ra thì đã xảy ra hiện tượng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến (daugiabtn.com) bị “lỗi kỹ thuật”.
Nhiều khách hàng không thể đăng nhập vào tài khoản của mình (đã được công ty đấu giá cung cấp trước đó) để thực hiện cuộc đấu giá một cách bình thường. Tiếp đó, một số khách hàng phải mất nhiều thời gian sau mới đăng nhập được vào tài khoản đấu giá thì lại không thể thực hiện được “lệnh” trả giá của mình vì máy bị treo, bị chặn trong quá trình trả các bước giá.
“Thấy cuộc đấu có vấn đề, tôi và nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá đã nhiều lần gọi điện cho công ty đấu giá để đề nghị tạm dừng theo luật định nhưng không được chấp nhận”, ông Huỳnh Văn Kỷ, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Giàu bức xúc nói.
Gây thiệt hại cho nhà nước hàng chục tỷ đồng?
Ông Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Quang Hà (gọi tắt là Công ty Quang Hà; đơn vị tham gia cuộc đấu giá-PV) cho biết, trong quá trình đấu giá 193,37 ha cây cao su nêu trên, đơn vị này đã liên tục tham gia bỏ giá để dành quyền mua tài sản.
Bất thường là tại thời điểm 14 giờ 41, lúc cuộc đấu giá đang diễn ra, phía Công ty Quang Hà đã đưa ra giá đấu 62.665.732.280 đồng. Tuy nhiên, Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (daugiabtn.com) không ghi nhận mức giá do công ty này đưa ra.
![]() |
Thỏa thuận bằng văn bản trái luật giữa Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú với công ty đấu giá. |
Sau đó công ty của ông Phương tiếp tục nâng giá đấu lên 62.965.732.280 đồng nhưng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến (daugiabtn.com) tiếp tục không ghi nhận. Tiếp đó, dù trong toàn bộ cuộc đấu giá có lúc Công ty Quang Hà đã nâng giá đấu lên tới 70.965.732.280 đồng để dành mua tài sản nhưng đều không được ghi nhận.
Kết quả là Công ty Quang Hà dù đã trả tới mức giá cao hơn Công ty Cổ phần Gỗ Bình Định là 9 tỷ đồng nhưng vẫn không trúng đấu thầu. Công ty Cổ phần Gỗ Bình trúng đấu thầu với mức giá chỉ 61.965.732.280 đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH TMDVKD Tổng hợp Nam Anh cho biết, trong thời gian tổ chức đấu giá, lúc 14 giờ 15 phút đến 14 giờ 45 phút, tài khoản tham gia đấu giá của đơn vị này liên tục bị hacker đẩy ra, báo lỗi hệ thống khiến ông không thể thao tác trả giá trên Trang đấu giá daugiabtn.com.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng, trong suốt cuộc đấu giá ông Hoàn đã nhiều lần gọi điện cho ông Lê Anh Linh (đấu giá viên, người trực tiếp điều hành cuộc đấu giá) yêu cầu tạm dừng cuộc đấu giá để khắc phục sự cố nhưng ông Linh không cho dừng mà vẫn tiếp tục tổ chức đấu. Nhận thấy cuộc đấu giá gặp sự cố và có nhiều khuất tất, thiếu minh bạch nên ông Hoàn và nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá đã ghi lại hình ảnh, video diễn biến cuộc đấu giá để làm chứng. “Sau khi cuộc đấu giá kết thúc, chúng tôi đã đưa những bằng chứng này đến Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam thắc mắc, khiếu nại nhưng không được chấp nhận”, ông Hoàn nói.
Ông Hoàn nói thêm: “Theo kinh nghiệm của tôi thì ở vào thời điểm đấu giá, giá trị thị trường của lô cao su 193,37 ha là trên 81 tỷ đồng. Trong khi đơn vị trúng đấu giá là 61.965.732.280 đồng. Giá trúng này mới chỉ bằng 70% giá trị thực của tài sản. Điều này đã gây thiệt hại cho nhà nước hàng chục tỷ đồng và làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp có nhu cầu mua cây sao su thực sự với mức giá cao hơn rất nhiều lần”.
Tương tự, ông Huỳnh Văn Kỷ, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Giàu cũng cho biết, trong suốt quá trình đấu giá từ 14 giờ 15 phút đến 14 giờ 45 phút, Trang đấu giá daugiabtn.com liên tục bị trục trặc “đứt gãy” khiến cho doanh nghiệp này không thể thao tác các bước trả giá bình thường. “Có thời điểm tôi đăng ký trả mức giá 80.965.732.280 đồng nhưng không được Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến (daugiabtn.com) ghi nhận”, ông Kỷ bức xúc.
Cũng theo ông Kỷ vì những bất thường, khuất tất trên nên “thương vụ đấu giá” 193,37 ha cao su đã gây thiệt hại lớn cho nhà nước hàng chục tỷ đồng và gây mất niềm tin về tính công bằng trước pháp luật trong đấu giá gỗ cây cao su trong giới doanh nghiệp.
Liên quan đến vụ việc, trả lời phóng viên, ông Huỳnh Trọng Thủy, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú thừa nhận có sự “thỏa thuận” giữa đơn vị này với công ty đấu giá để đưa vào quy chế nội dung: ““Mỗi khách hàng không được trả quá 10 bước giá và 1 bước giá là 100.000.000 triệu đồng”.
Cũng theo ông Thủy, việc ông đại diện cho công ty ký văn bản “thỏa thuận” trên với công ty đấu giá đưa vào quy chế ràng buộc là từ sự tham mưu trước đó của ông Nguyễn Tiến Đại, Trưởng Phòng kế hoạch của công ty.
Còn ông Nguyễn Tiến Đại, Trưởng Phòng kế hoạch Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú cho biết, việc ông đưa vào “nội dung” tham mưu trên là từ sự chỉ đạo của cấp trên ….
Trả lời cho câu hỏi: “Vậy công ty đã dựa vào cơ sở pháp lý, điều luật nào để thỏa thuận với công ty đấu giá về việc đưa vào quy chế những nội dung trên? “.
Ông Huỳnh Trọng Thủy nói: “Dù không có văn bản nào của Luật Đấu giá tài sản quy định như vậy nhưng chúng tôi đã dựa vào kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực mình làm để đưa vào quy chế này”.
Ông Thủy cũng cho rằng nội dung thỏa thuận “quy chế” trên dù không dựa trên Luật Đấu giá tài sản nhưng đã được đơn vị này và công ty đấu giá đưa vào nhằm mục đích để cuộc đấu giá diễn ra đúng trình tự và không có việc “thông đồng, dìm giá” giữa chủ sở hữu tài sản với công ty đấu giá, người trúng đấu giá để chuộc lợi?!
Chung diễn biến vụ việc, ông Lê Anh Linh (đấu giá viên Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam) người trực tiếp điều hành cuộc đấu giá cho biết, việc đơn vị này đưa vào “Quy chế cuộc đấu giá” nội dung trên là đã làm theo yêu cầu thỏa thuận trước đó với Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú.
Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, đối chiếu với Khoản 2, Điều 13 và Khoản 3, Điều 16 của Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến thì rõ ràng cuộc đấu giá “Vườn cây Cao su thanh lý năm 2021” nêu trên đã có nhiều dấu hiệu khuất tất, bất thường.
Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra để làm rõ về cuộc đấu giá và những đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan.