|
Thế nhưng, hàng trăm người lao động và gia đình họ đang phải vật lộn với cuộc sống thiếu thốn, đặc biệt trong những ngày chống dịch, họ lại càng khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Lý do khiến họ rơi vào tình cảnh thảm thương này rất đơn giản: họ bị Dự án nợ tiền lương gần một năm nay. Nơi giữ lại tiền lương của những người lao động nghèo này lại đưa ra những lý do không hề dính dáng đến họ?
Tiếng kêu cứu có lay động được những người vô cảm?
Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh là công trình trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư 1500 tỷ đồng (phần trên bờ) đã đi vào hoạt động khai thác thương mại an toàn hiệu quả 1 năm qua. Hơn 200 lao động trực tiếp ngày đêm 3 ca liên tục để Dự án hoàn thành đúng tiến độ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, những người lao động này cùng với gia đình mình trong những tháng ngày qua đang phải vật lộn với cuộc sống cơ cực, nhiều người đã phải cầm cố tài sản, kỉ vật, trang sức đề lo cái ăn, lo trả tiền thuê nhà, lo cho con cái học hành… do Dự án nợ lương gần một năm nay không trả.
Bức bối vì Chủ đầu tư và Tổng thầu vô cảm trước nỗi khốn cùng của mình, những người lao động bị nợ lương đã tự phát tổ chức nhiều cuộc “biểu tình” với những băng rôn khẩu hiệu, tụ tập đông người trước Văn phòng Chủ đầu tư, các nhà thầu, để đòi tiền lương, đòi quyền lợi chính đáng của mình. Đơn từ kêu cứu được gửi đi khắp nơi nhưng đều chưa có hồi đáp.
Chuyên trang Tầm Nhìn báo Tri Thức và Cuộc sống đã có loạt bài phản ánh về sự kiện này. Trả lời phóng viên ở thời điểm tháng 8 năm 2021 về lý do chậm trễ trả lương người lao động, Chủ đầu tư và Tổng thầu LILAMA đưa ra lý do “dịch bệnh Covid - 19”!
Khi biết không thể trì hoãn mãi được vì tiếng kêu cứu của người lao động đã lan tỏa đến nhiều cơ quan chức năng và thông tin đại chúng, Chủ đầu tư, Tổng thầu thi công đã phải có những “động thái” về vấn đề này: Đó là những lời hứa sẽ sớm trả lương cho người lao động.
|
Sau nhiều lần hứa hẹn và cam kết trực tiếp với người lao động để họ giải tán “biểu tình”, cuối tháng 10 năm 2021, Chủ đầu tư ra thông báo mang đậm tính “hàm ơn”, ứng trước 30 tỷ đồng để Tổng thầu LILAMA “ưu tiên” trả lương cho người lao động. Ngày 29/10/2021 Chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án Đông Nam Bộ đã chuyển số tiền trên đến Tổng thầu LILAMA với điều kiện phải trả tiền đúng “đối tượng”?
Nhận được thông báo của Chủ đầu tư, người lao động phần nào được an ủi. Cứ tưởng rồi sẽ được “cứu đói”, hy vọng từ khoản tiền trên sẽ bớt đi phần nào nỗi khổ. Nhưng họ lại một lần nữa “mừng hụt”. Tổng thầu LILAMA đã nhận khoản tiền 30 tỷ đồng gần 2 tháng nay nhưng vẫn “án binh bất động”, cố tình chiếm giữ khoản tiền “cứu đói” này, bất chấp nỗi khốn cùng của hàng trăm người lao động và gia đình họ đang ngày đêm mong ngóng!
Chiếm dụng tiền lương của người lao động không chỉ vi phạm pháp luật mà còn trái đạo lý
Một thời gian dài Chuyên trang Tầm Nhìn liên tiếp nhận được những phản ánh, kêu cứu của người lao động tại Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 về việc Tổng thầu LILAMA không chịu trả lương cho người lao động. Hành vi chiếm giữ tiền lương của người lao động đã đẩy người lao động và gia đình họ vào cảnh khốn cùng.
Không thể làm ngơ trước tiếng kêu cứu và cảnh khốn cùng của người lao động trong mùa dịch, phóng viên đã tìm đến trụ sở Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) là đơn vị Tổng thầu của Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh, để tìm hiểu thực hư sự việc. Do Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn đang tiếp khách Bộ Xây Dựng nên Thư ký Tổng giám đốc mời phóng viên đến gặp Phó trưởng phòng Pháp chế Vũ Tiến Trình. Theo giới thiệu của Thư ký Tổng giám đốc thì ông Vũ Tiến Trình là người nắm rõ toàn bộ nội dung sự việc của Dự án.
![]() |
Miệt mài trên công trường cả năm trời đã không có lương lại thêm bệnh dịch, khó khăn chồng chất dè nặng lên đôi vai người công nhân |
Phóng viên đặt vấn đề trao đổi về tình trạng người lao động của Dự án bị chậm lương, và cách đây 2 tháng Chủ đầu tư đã ứng chuyển 30 tỷ đồng trả lương cho người lao động, tại sao Tổng thầu LILAMA vẫn không giải ngân thanh toán?
Ông Vũ Tiến Trình cho biết: Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) là doanh nghiệp nhà nước có thương hiệu. Có thời điểm số lượng người lao động lên đến cả vạn người, có Dự án tiền nợ đọng đến cả ngàn tỷ đồng… Song số tiền 30 tỷ đồng Chủ đầu tư chuyển cho LILAMA không phải cứ tiền về là chi ngay và luôn được. Muốn giải ngân phải đủ điều kiện đã thống nhất giữa Chủ đầu tư, Ngân hàng và Tổng thầu LILAMA. Cụ thể là phải trả đúng đối tượng, chỉ trả lương cho người lao động, tránh khiếu kiện.
Khi phóng viên hỏi về gói 30 tỷ này thiếu điều kiện gì để không giải ngân? Ông Trình cho biết, tại thời điểm cuối tháng 10/2021, Công ty Đức Châu chưa đủ hồ sơ thanh toán (sau này đã đủ chưa thì ông không rõ). Công ty Đức Châu bị Công ty IMEX (nhà thầu phụ của Đức Châu) gửi đơn tố cáo. Ngày 21/12 (sau gần 2 tháng LILAMA nhận tiền về) vừa qua, Công an Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản đề nghị LILAMA cung cấp hồ sơ để xem xét sự việc, vì vậy số tiền trên chưa thể giải ngân trả lương cho người lao động!
Nghĩa là: mặc dù không có bất cứ ý kiến nào của các cơ quan có thẩm quyền, kể cả cơ quan điều tra cũng không yêu cầu giữ lại số tiền trên, nhưng Tổng thầu LILAMA đã viện cớ là một doanh nghiệp nhà nước nên LILAMA thể hiện “trách nhiệm” và “gương mẫu”, giữ lại số tiền lương của người lao động để đợi kết luận của cơ quan điều tra về những vụ việc hoàn toàn không liên quan đến người lao động trong Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 đang bị nợ lương.
Tổng thầu LILAMA giữ lương của người lao động, bỏ mặc họ vật lộn với sự đói khổ liệu có phải là vì mục đích bảo vệ pháp luật? Đây có phải nhận thức về pháp luật của một doanh nghiệp nhà nước hay ẩn chứa sau đó là những “toan tính” gì khác? Nói như cựu đại biểu quốc hội Ksor H’Bơ Khăp khi chất vấn một bộ trưởng tại diễn đàn Quốc hội “nó sai sai thế nào ấy!”.
Nhưng dù có bao biện lấp liếm thế nào đi nữa thì vẫn phải khẳng định rằng: 30 tỷ đồng là tiền lương của người lao động, số tiền này là Tiền sạch, do công sức lao động của công nhân làm ra mà họ và gia đình đã phải chờ đợi quá lâu rồi. Và, rõ ràng số tiền này không phải là “tiền bẩn” của một vụ tiêu cực nào đó để LILAMA thể hiện trách nhiệm giữ lại cho đúng pháp luật! ở đây, nói như các cơ quan tư pháp, “nếu có gì sẽ được giải quyết trong một vụ án khác”.
Tùy tiện giữ lại tiền lương của người lao động, không chịu trả trong lúc họ cực kỳ khó khăn là vô cảm với người lao động. Hành động chiếm dụng tiền lương người lao động của Tổng thầu LILAMA không chỉ vi phạm nghiêm trọng pháp luật hiện hành mà còn trái đạo lý, trái lương tâm.
Vì quyền lợi chính đáng của người công nhân, Chuyên trang Tầm Nhìn báo Tri thức và cuộc sống đã nêu vấn đề này trong nhiều bài, độc giả có thể tham khảo bài viết theo các đường link sau:
1. https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/no-luong-cong-nhan-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-109215.html
5. https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/du-an-nam-con-son-2-den-khi-nao-nguoi-lao-dong-moi-duoc-tra-luong-112229.html
Tiền đã về đến Tổng thầu, hy vọng công nhân sẽ sớm nhận được lương, doanh nghiệp không bị phá sản, người lao động không bị mất việc./.