![]() |
Người lao động vẫn túc trực đòi tiền công từ tháng 5 đến nay vẫn chưa được giải quyết |
“Nhất tội - Nhì nợ”?
Qua loạt bài phản ánh về tình trạng nợ lương người lao động kéo dài ờ Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2. Chuyên trang Tầm Nhìn báo Tri Thức và Cuộc sống liên tiếp nhận được nhiều thông tin phản ánh về những “giải pháp” không bình thường của nhà Đầu tư cũng như Tổng thầu Dự án.
Thông tin từ những người lao động và những doanh nghiệp cung ứng vật tư, thiết bị thi công Dự án cho biết: Ngay sau khi báo đăng tải 2 bài báo về tình trạng nợ lương của Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2. Giám đốc Ban Dự án (chủ đầu tư) và Tổng thầu LILAMA đã thân chinh điện thoại trực tiếp cho những “chủ nợ” bất đắc dĩ này, yêu cầu họ cung cấp số liệu nhà thầu Đức Châu đang nợ để 2 cơ quan này chi trả trực tiếp? Những ông chủ nợ bất đắc dĩ này thắc mắc: Tại sao chủ Đầu tư và Tổng thầu lại thanh toán thẳng cho người lao động mà bỏ qua nhà thầu Đức Châu khi họ chỉ ký hợp đồng làm việc với Đức Châu? Họ trả tiền thật hay có uẩn khúc gì khác?
Phỏng vấn trực tiếp nhà thầu phụ Đức Châu, Giám đốc Công ty TNHH Đức Châu cho biết: Doanh nghiệp may mắn được chọn làm nhà thầu phụ tham gia thi công phần xây dựng của Dự án trọng điểm quốc gia. Xác định đây là một vinh dự nhưng cũng là bước đi khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp nên Đức Châu tập trung mọi nguồn lực, vượt mọi khó khăn thực hiện bằng được cam kết đã ký với Tổng thầu.
Sau khi hoàn thành thi công đúng tiến độ thời gian và chất lượng. Dự án đã đi vào khai thác thương mại an toàn. Tạo cho Đức Châu niềm vui khôn tả. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi áp lực lại đè nặng lên vai doanh nghiệp về các khoản nợ hầu hết đã quá hạn. Trong số đó nợ lương hàng trăm người lao động đã kéo quá dài, nợ ngân hàng quá hạn sắp thành nợ xấu, nợ các nhà cung cấp thiết bị, vật tư, vô tình đã đẩy họ vào con đường phá sản...
Đến nay qua hạch toán Đức Châu đang bị thua lỗ do phải kéo dài bộ máy hoạt động chờ đợi thanh toán nên chi phí tăng cao. Nguyên nhân trực tiếp do chủ đầu tư chậm nghiệm thu thanh toán. Trả lời phóng viên: Từ khi công luận phản ánh tình trạng nợ lương người lao động nhà thầu phụ Đức Châu đã có giải pháp gì để khắc phục?
Ông giám đốc cho biết: Nợ ngân hàng quá hạn đã ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp cũng là khó chấp nhận. Nhưng nợ lương người lao động quá dài thì khổ tâm và xấu hổ vô cùng! Những công nhân này đã đồng cam cộng khổ ăn bờ, ở bụi, sát cánh với doanh nghiệp gần một năm rưỡi nay, hoàn cảnh của họ và gia đình đều khó khắn, lại dính mùa dịch nữa.
Khi báo chí phản ánh sự việc. Đức Châu là “con nợ” trực tiếp của các khoản nợ này nên đã có nhiều văn bản, liên lạc trực tiếp nhiều lần đến nhà Đầu tư và Tổng thầu LILAMA đề nghị nhanh chóng tháo gỡ, thanh toán toàn bộ khối lượng công việc Công ty Đức Châu đã hoàn thành (văn bản NCS2/ĐC - LLM/ VN - 29). Hồi đáp lại những văn bản này nhà đầu tư cho rằng Đức Châu ký hợp đồng trực tiếp với Tổng thầu LILAMA, nên yêu cầu LILAMA thanh toán.
Còn Tổng thầu LILAMA trong công văn phúc đáp của mình đã cảm ơn nhà thầu Đức Châu về sự nỗ lực hoàn thành hợp đồng. Nhưng tháo gỡ khó khăn thanh toán thì LILAMA lấy lý do dịch bệnh chưa thể nghiệm thu thanh toán? (văn bản số NCS2/LLM-NB/L-380). Với số tiền Dự án còn nợ gần bảy chục tỷ đồng. Thực sự Đức Châu đang bên bờ vực phá sản nếu không được tháo gỡ kịp thời.
Đưa nội dung Chủ đầu tư và Tổng thầu trực tiếp gọi điện đến người lao động và doanh nghiệp cung cấp thiết bị, vật tư lấy số liệu để trực tiếp thanh toán. Giám đốc Công ty Đức Châu cho biết: ông đã nắm được thông tin này và đã có ý kiến phản hồi với 2 cơ quan trên. Cụ thể ông cho đây chỉ là động tác xoa dịu, mị dân, che đậy những tồn tại của mình. Vì họ có ký hợp đồng làm việc với những người này đâu mà họ trả? Thực chất đây chỉ là cớ hoãn binh chứ không phải là giải pháp tháo gỡ khó khăn như hiện tại.
Đã nhiều tháng qua, điện thoại của Giám đốc Công ty Đức Châu mỗi ngày nhận được hàng chục cuộc điện thoại đòi nợ, đe dọa, chửi bới, thoá mạ. Nhưng vì cũng có phần lỗi của mình nên phải xác định kiên nhẫn chịu đựng!? Đúng là “Nhất tội - nhì nợ” các cụ đã dạy quả không sai.
Đâu mới là giải pháp hợp lý?
Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh hoàn thành cuối năm 2020, đưa vào khai thác thương mại từ ngày 04/01/2021. Trong thông báo số 145/TB-BCT ngày 02 tháng 7 năm 2021 của Bộ Công Thương đã nêu rõ: “Bộ Công Thương chấp thuận kết quả nghiệm thu để đưa vào sử dụng đối với hạng mục công trình phần đường ống biển, bờ và các trạm thuộc Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh...”
Như vậy không thể còn lý do nào khác có thể biện minh cho sự chậm trễ thanh toán của Chủ Đầu tư ở Dự án này! Trong các mốc thanh toán thì mốc 90% đáng lý đã được thanh toán ngay từ khi khi đưa Dự án vào khai thác thương mại cuối năm 2020?
Hơn nữa khi đã có kết quả nghiệm thu được Bộ Công Thương chấp nhận đưa vào sử dụng thì công tác thanh, quyết toán Dự án. Chủ Đầu tư phải làm hết trách nhiệm của mình. Để dây dưa kéo dài lỗi thuộc về Chủ Đầu tư Dự án. Đến nay Tổng thầu mới được thanh toán mốc gần 80% theo hợp đồng. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ Đầu tư Dự án?
Tổng thầu LILAMA là nơi trực tiếp ký kết hợp đồng thi công với thầu phụ Đức Châu đến nay mới thanh toán cho thầu phụ mốc hơn 70% giá trị hợp đồng là vi phạm cam kết trong hợp đồng nên phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do mình gây ra cho các nhà Thầu phụ?
Nhưng hãy khoan bàn đến việc phân định trách nhiệm. Giải pháp cấp bách lúc này cần hơn hết phải là: Giải quyết khó khăn cho người lao động. Chặn đứng nguy cơ phá sản của những doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xây dựng Dự án trọng điểm quốc gia này! Địa chỉ để giải quyết công việc này không ai khác. Đó chính là Tổng thầu LILAMA. Xin đừng “tay không bắt giặc”, đã đến lúc cần phải xuất vốn của mình giải quyết hậu quả trên.
Tầm Nhìn tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự kiện này khi có thêm thông tin mới./.