![]() | Thanh Hóa: Huyện Lang Chánh có tân Chủ tịch trẻ nhất tỉnh Với số phiếu bầu tuyệt đối, ông Hoàng Văn Thanh trở thành tân Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Ông Thanh sinh năm ... |
Thác Ma Hao – “nàng tiên” ngủ quên giữa núi rừng xứ Thanh
Nhắc đến Lang Chánh, có lẽ du khách sẽ nghĩ ngay đến thác Ma Hao. Nơi đây là địa điểm du lịch thác nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh. Ngọn thác Ma Hao cao hơn 1.200 mét, thiên nhiên tươi xanh, khí hậu mát lạnh với dòng nước trong vắt đổ từ trên cao xuống, thông gió ở lưng chừng thác có những tiếng tu tu giống như tiếng hú gọi của đại ngàn muôn thuở.
![]() |
Thác Ma Hao - xã Trí Nang, Lang Chánh. |
Đến với Ma Hao, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác dốc cao uốn lượn, cây cỏ xanh tươi, bọt nước tung trắng xóa cùng với những phiến đá nhiều hình thù, tất cả tạo lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Khí hậu tại thác Ma Hao quanh năm mát mẻ, là điểm lý tưởng để trốn nóng trong ngày hè oi bức. Thác Ma Hao cũng là điểm đến tuyệt vời cho những hoạt động picnic, dã ngoại cùng bạn bè và người thân.
Với vô vàn view cực đẹp, Ma Hao còn là nơi check in sống ảo độc đáo mà du khách không thể bỏ qua. Bởi thác Ma Hao nước chảy đổ bọt tung trắng xóa từ trên đỉnh núi xuống là thế, nhưng lại trở nên hiền hòa và êm dịu ở đoạn dưới suối, bao quanh là núi non trùng điệp tạo nên khung cảnh hùng vĩ mà nên thơ. Chính bởi vậy, từ lâu Ma Hao đã được ví tựa như "nàng tiên" ngủ quên giữa núi rừng xứ Thanh.
Khám phá thác Ma Hao, du khách nên kết hợp ghé thăm bản Năng Cát và thử trải nghiệm cuộc sống vô cùng thú vị của người dân bản địa. Bản Năng Cát là nơi có cảnh sắc hoang sơ và đẹp bình yên. Nét nguyên sơ của miền sơn cước vẫn còn được gìn giữ trong những nếp nhà sàn nằm lưng chừng núi của người Thái nơi đây. Bản Năng Cát có hệ thống kiến trúc nhà sàn cổ kính, thoáng đãng, cao và rộng. Đây là không gian kiến trúc độc đáo hiếm có ở các bản làng vùng cao, nhà của người Thái ở Năng Cát vừa cao ráo sạch sẽ tránh được muỗi vắt và thú rừng, vừa tạo được một quần thể kiến trúc đẹp và thơ mộng.
Đến với Năng Cát, du khách còn được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Thái. Họ đã và đang sống trong những ngôi nhà sàn suốt hàng ngàn năm qua làm nên giá trị lịch sử văn hóa dân tộc. Nếu đến vào dịp lễ hội truyền thống, du khách sẽ vô cùng thích thú với những trò chơi của những người bản địa như: nhảy sạp, khua luống, tung còn, chọi cù… Tính chất đồ ăn của những người dân vùng cao cũng rất đặc sắc với cơm lam nướng, thịt lợn quay, rau rừng, ốc núi, rượu quê… Đến với Năng Cát là đến với những kỳ vĩ hoang sơ của núi rừng đại ngàn cổ kính, đến với bản làng nguyên sơ, khí hậu trong lành, đến với những con người chất phác, dung dị vốn có của vùng cao Thanh Hóa.
![]() ![]() | |
|
Đỉnh Miêu Thiền Tự (Chùa Mèo)
Chùa Mèo (Đỉnh miêu thiền tự) được xây dựng vào thế kỷ thứ XV tại xã Quang Hiến. Mỗi khi nhắc đến ngôi chùa, đồng bào các dân tộc huyện Lang Chánh nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung đều cung kính, tự hào vì ngôi chùa thờ cả Phật, Vua và Mẫu chúa.
Chùa Mèo được sếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005, tọa lạc trên một quả đồi thuộc làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (nay là Thị trấn Lang Chánh) huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Bên tả có dãy núi Pù Bằng, bên hữu có dãy núi Pù Rinh. Trước mặt chùa có dòng sông Âm chảy ngang qua. Chùa Mèo hay còn gọi là Đỉnh Miêu Thiền Tự được xây dựng từ thế kỷ XIII. Chùa được hình thành từ thời Trần, lúc bấy giờ chùa có tên là Chùa Chu và được mệnh danh là một trong 3 ngôi chùa đẹp nhất một thời. Dân gian đã từng ví von “Nhất Hương, nhì Hà, ba Chu” ý nói nhất chùa Hương, nhì chùa Hà, ba chùa Chu Lang Chánh.
![]() |
Du khách về thăm quan, gặp gỡ Trụ trì Thích Nguyên Hải - Chùa Mèo. |
Ngôi chùa đã gắn liền với mọi biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc. Nhiều sự kiện chống giặc ngoại xâm thời Lê đã liên tiếp xảy ra trên địa bàn vùng chùa Mèo và huyện Lang Chánh. Vì vậy, chùa Mèo khá linh thiêng và có nhiều dấu ấn huyền tích.
Tương truyền, vào mùa xuân năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống lại quân xâm lược nhà Minh. Hay tin, quân Minh đã tập trung mọi lực lượng đàn áp, hòng tiêu diệt lực lượng nghĩa quân. Dù lực lượng mỏng, nghĩa quân Lam Sơn đã kiên cường chiến đấu. Nhưng do tương quan quá lớn, Lê Lợi đã chủ động vừa chiến đấu vừa lui quân về Mường Mọt rừng sâu, địa thế hiểm trở (nay là xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân) để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài.
Giai đoạn này, trước sự truy sát gắt gao của quân giặc, Lê Lợi không ít lần đưa quân về địa bàn rừng núi Lang Chánh. Một lần nghĩa quân Lam Sơn lánh nạn trong chùa Chu trước sự truy lùng của giặc Minh, thấy trong chùa chỉ còn lại con mèo, ông đã sai nghĩa quân đem theo con mèo cùng đi. Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi, sau đó cho tu sửa chùa Chu và đổi tên thành chùa Mèo.
![]() |
Một góc chùa Mèo. |
Để thêm phần linh thiêng trong việc thờ cúng, đông đảo người dân trong vùng đã cùng nhau tổ chức hưng công đúc quả chuông lớn vào cuối năm Vĩnh Thịnh thứ 14 triều Lê (năm 1718), quả chuông ghi hẳn tên chùa vào phần vai chuông bằng 8 chữ Đại tự “Chú tạo Miêu đỉnh thiền tự hồng chung” (ghi chép về việc làm chuông chùa Mèo). Quả chuông có kích thước khá lớn, cao 1,09m, đường kính miệng 0,5m, mang nét nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng với quai chuông tạo hình đôi rồng đối xứng quấn đuôi nhau, mũi sư tử, bờm dài, tai dơi, thân phủ đầy vây cá, 3 móng nhọn. Chuông có 6 núm để gõ, bài minh chuông chùa Mèo có đoạn ghi: “Âm vang của tiếng chuông có thể nói vào hàng đầu, vì nó có thể thức tỉnh được những cơn mê của đông đảo chúng sinh. Tiếng chuông có thể phát huy được ý niệm lương thiện của con người, do đó từ xa xưa người ta đã dùng tiếng chuông đồng làm công cụ trợ giúp cho những lời giáo hóa của các bậc thánh nhân”…
Nhiều điểm đến thú vị của du lịch cộng đồng
Lang Chánh còn nổi tiếng với đỉnh núi Chí Linh (còn có tên gọi là Pù Rinh hoặc Bù Rinh), với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan hùng vĩ, núi Chí Linh còn gắn liền với truyền thuyết Vua Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây cũng là một trong những địa điểm phù hợp với các tour leo núi mạo hiểm dành cho du khách thích khám phá.
Từ các đỉnh núi này, du khách có thể quan sát, ngắm nhìn những dải mây vắt ngang lưng chừng núi, những cánh rừng tự nhiên cũng xuất hiện lấp ló dưới màn sương mờ và xa xa là những bản làng của người Thái, người Mường với cảnh quan còn khá nguyên sơ và lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống như kiến trúc nhà gỗ, trang phục, ẩm thực và các lễ hội truyền thống đặc trưng của từng dân tộc.
![]() ![]() |
Ruộng bậc thang bản Ngàm Pốc - Yên Thắng. |
![]() ![]() |
Khám phá bản Nà Đang, xã Lâm Phú nơi thiên nhiên hùng vĩ, cảnh vật nên thơ với người dân thân thiện và ẩm thực độc đáo. |
Đến với Lang Chánh, du khách còn có thể thăm quan nhiều điểm du lịch thú vị khác trên địa bàn như ruộng bậc thang bản Ngàm Pốc - Yên Thắng, thác Hón Lối - xã Giao Thiện, thác Mây - xã Trí Nang, thác Chiềng Nang - xã Giao An... Khu du lịch tại bản Nà Đang, xã Lâm Phú với bãi đá, thảm cỏ, cảnh vật nên thơ, rừng sông suối giao hoà cùng đất trời.
Về với Lang Chánh, để cảm nhận hiểu sâu về vùng đất, văn hóa và con người nơi đây. Với gần 90% dân số là đồng bào các dân tộc Thái, Mường, nơi đây còn giữ nguyên những giá trị về lịch sử, văn hóa nguyên sơ truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Cùng với đấy là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với hệ thống núi rừng nguyên sinh phong phú trong khung cảnh bình yên, không khí trong lành và sự thân thiện chất phác của đồng bào nơi đây... Chắc chắn du khách sẽ có những trải nghiệm khó quên và những phút giây thư giãn tuyệt vời sau những ngày tháng ồn ào của cuộc sống hiện đại. Về với Lang Chánh thì mọi lo toan, mệt mỏi dường như tan biến hết… tất cả chỉ còn lại bình yên./.