Theo FAO, giá gạo tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và điều kiện thời tiết bất lợi đe dọa ảnh hưởng đến sản xuất.
Chỉ số giá gạo của FAO vào tháng 7 tăng 2,8%, lên 129,7 điểm. Con số này tăng 19,7% so với 1 năm trước và là giá trị danh nghĩa cao nhất kể từ tháng 9/2011. Đà tăng mạnh nhất là từ Thái Lan.
Báo cáo của FAO nêu rõ: “Những lo ngại về tác động tiềm tàng của El Nino đối với sản xuất đã ảnh hưởng giá cả, cũng như sự gián đoạn do mưa gây ra ở nhiều nơi, và sự thay đổi sản lượng trong vụ thu hoạch hè thu đang diễn ra tại Việt Nam”.
El Nino là hiện tượng khí hậu được đánh dấu bởi nhiệt độ và điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể làm gián đoạn cuộc sống, sinh kế của hàng triệu người.
Ấn Độ - quốc gia chiếm hơn 40% sản lượng gạo thương mại toàn cầu - là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã cấm xuất khẩu gạo trắng không phải loại basmati (gạo hạt dài) vào ngày 20/7. Động thái này nhằm tìm cách kiềm chế giá lương thực tăng cao trong nước và đảm bảo có đủ nguồn cung cho người dân nội địa với giá bình ổn.
FAO lưu ý rằng hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ “làm tăng mối lo ngại về an ninh lương thực đối với một bộ phận lớn dân số thế giới”.
Giá gạo đang dao động ở mức cao nhất trong thập kỷ, với gạo thô kỳ hạn được giao dịch lần cuối ở mức 16,02 USD/1 cwt ( 380.000 đồng cho bao 45kg). Mức giá này thậm chí có thể tăng cao hơn.
Oscar Tjakra, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu Rabobank, nói với kênh CNBC: “Rất có thể chúng ta sẽ thấy chỉ số giá gạo của FAO tháng 8/2023 cao hơn so với tháng 7/2023”.
Ông giải thích, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được ban hành khi lượng gạo tồn kho của các nhà sản xuất gạo lớn trên toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á, giảm.
Giá gạo có thể tăng hơn nữa nếu các quốc gia khác tiếp bước Ấn Độ trong việc thực hiện các hạn chế xuất khẩu.
Samarendu Mohanty - Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Trung tâm Khoai tây Quốc tế (trụ sở chính tại Peru) - cho biết: “Giá gạo có thể còn cao hơn nhiều nếu các nước nhập khẩu cố gắng dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước và các nước xuất khẩu đưa ra các hạn chế xuất khẩu”.
El Nino có thể làm trầm trọng thêm rủi ro tại các nước sản xuất gạo ở châu Á như Thái Lan, Pakistan và Việt Nam.
Ông Tjakra cho biết: “Trong vài tháng tới, hướng đi của giá gạo toàn cầu sẽ được xác định bởi tác động của El Nino".
Một nghiên cứu khoa học cho thấy lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương, có khả năng mất mùa đồng loạt cao nhất trong sự kiện El Nino.
Tệ hơn nữa, Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, hiện đang khuyến khích nông dân gieo trồng ít hơn để tiết kiệm nước do lượng mưa thấp.
![]() |
Giá gạo nội địa và xuất khẩu liên tục tăng cao những ngày qua |
Còn tại Việt Nam, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 04/08, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta tiếp tục tăng 20 USD/tấn và vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn, thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan chỉ còn 7 USD/tấn. Cùng với đó, gạo 25% tấn cũng đã tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày trước đó, lên 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực là Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.
Trên thị trường nội địa, giá gạo xuất khẩu tăng cao cũng liên tục thúc đẩy giá lúa trong nước. Thậm chí, tại một số địa phương xuất hiện hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.
Trước tình trạng ngày, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa. Theo dõi tình hình thời tiết, dịch bệnh, điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm; thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Theo dõi sát diễn biến thị trường gạo, sản xuất theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống./.