Với chủ đề: “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”, các tham luận đã nêu bật thế mạnh, tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.
![]() |
Quang cảnh diễn đàn Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên |
Tham dự diễn đàn Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cung ứng sản phẩm, đông đảo các phóng viên báo chí...
Vùng Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 5.454.831ha, chiếm 16,46% diện tích của cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm đến 91,75%; dân số trên 5,9 triệu người, chiếm 4,4% dân số cả nước với 47 dân tộc sinh sống.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn. |
Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng nông nghiệp cả vùng Tây Nguyên vẫn phát triển mạnh mẽ. Thị trường cà phê, hồ tiêu, cao su và các cây nông nghiệp khác phục hồi mạnh mẽ, giá trị xuất khẩu tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Nền tảng của nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục được củng cố với hàng loạt dự án lớn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến.
Diễn đàn nhận định, dù có những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhưng nhìn chung sản xuất nông nghiệp còn phát triển tự phát theo phong trào, hiệu quả chưa cao nên thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc còn thấp. Nông nghiệp Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, thách thức do diện tích rừng tự nhiên có nguy cơ suy giảm về diện tích và chất lượng; nguồn tài nguyên nước đứng trước nguy cơ suy giảm, các công trình thủy lợi mới đáp ứng khoảng 28% diện tích cần tưới toàn vùng; tình trạng di dân tự do chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm
![]() |
Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh Tây Nguyên cùng các hiệp hội. |
Để phát triển bền vững, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ và hoạt động khuyến nông, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, phát huy vai trò liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp và xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào Tây Nguyên để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của vùng...
Thông tin tại diễn đàn nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp toàn vùng trên 3%/năm, diễn đàn đã kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản, như: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, đổi mới cơ cấu cây trồng, chuyển đổi cây trồng kém thích nghi, hiệu quả kinh tế thấp; ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế và nhu cầu lớn.
Kết thúc diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh Tây Nguyên, các hiệp hội, doanh nghiệp đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác./.