Nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp
Hiện nay, Hà Nội được đánh giá là địa phương hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp, ĐMST của cả nước với: hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (chiếm 82% số phòng thí nghiệm của cả nước). Số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.
Thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn mạnh hàng đầu, ngày 9/9/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”. Theo ông Lê Thanh Hiếu - Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, trong 3 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN ĐMST như: Tư vấn về sở hữu trí tuệ; tư vấn về xây dựng tiêu chuẩn; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tư vấn thành lập DN khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…
Cùng với đó, thành phố đã tập trung hỗ trợ các đề tài, dự án sản xuất có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao; hỗ trợ phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập DN khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn 2019-2022, đã có 72 DN của Thủ đô được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận là DN khoa học và công nghệ. Trong số này, có 29 DN khởi nghiệp sáng tạo (chiếm tỷ lệ 40%) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Sở Khoa học và Công nghệ cũng tổ chức nhiều hoạt động, như: Hỗ trợ tổ chức các cuộc thi và thành lập giải thưởng về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức ngày hội khởi nghiệp Thủ đô, phối hợp tổ chức ngày hội khởi nghiệp quốc gia; hỗ trợ kinh phí cho các DN tham gia gian hàng tại ngày hội khởi nghiệp...
![]() |
Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội trao quyết định thực hiện 5 đề án trong Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” cho Thành đoàn Hà Nội |
Tập trung mọi nguồn lực, phát huy mạnh mẽ hơn nữa lợi thế
Mặc dù Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nhu cầu về liên kết các chủ thể hệ sinh thái vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Thông tin về hệ sinh thái còn thiếu và phân tán, chưa có nguồn lực để triển khai thống kê, khảo sát về thực trạng các thành phần cũng như liên kết của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, chưa có phương thức, công cụ hỗ trợ thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, khai thác và cung cấp dữ liệu có ích tới các thành phần của hệ sinh thái, khiến nhà đầu tư chưa tìm được DN khởi nghiệp sáng tạo, còn DN khởi nghiệp sáng tạo chưa hiểu rõ các chính sách và đầu mối hỗ trợ chính sách.
Để phát huy thế mạnh và đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu về khởi nghiệp, ĐMST trên cả nước, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần tập trung tối đa nguồn lực, phát huy mạnh mẽ hơn những lợi thế trọng tâm. Đồng thời, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối với các nguồn lực trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần có thêm sáng kiến, tổ chức hoạt động, sự kiện kết nối có quy mô và xứng tầm hơn; tăng cường kết nối với các tập đoàn kinh tế lớn, các trường đại học, học viện - tâm điểm của mô hình sinh thái khởi nghiệp ĐMST để cung cấp nguồn nhân lực, ý tưởng ĐMST.
Tham mưu một số giải pháp, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho rằng Hà Nội cần đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho thành phố. Trong đó, cơ chế, chính sách của Thủ đô là kết nối các cơ sở vật chất phục vụ ĐMST đang có của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn…
![]() |
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ KH&ĐT |
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế, trong nước và thế mạnh của Hà Nội để lựa chọn các lĩnh vực trọng điểm, có tác dụng lan tỏa cần hỗ trợ ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo. Chẳng hạn kết hợp các xu thế về kỹ thuật như các công nghệ mới; về kinh tế như kinh tế số, kinh tế chia sẻ; về xã hội như vấn đề an ninh thông tin cá nhân, cân bằng cuộc sống, già hóa dân số; về môi trường như xu thế quản lý hiệu quả nguồn lực khan hiếm) và thế mạnh của Hà Nội (như hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực…
Đây là cơ hội đưa tầm nhìn, định hướng chiến lược hỗ trợ ĐMST vào quy hoạch phát triển KT-XH 2022. Cùng đó, kết hợp với quá trình xây dựng Quy hoạch KT-XH 2022 đang thực hiện, có thể đề xuất hình thành các khu ĐMST với cơ chế ưu đãi vượt trội, trong quy hoạch các khu ĐMST cần quy hoạch đồng bộ các chức năng…
Thanh Xuân