Tôi đã rất mừng, rất xúc động khi biết nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thầy, ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có một đường phố mang tên Hoàng Xuân Nhị. Những con người có cốt cách như thầy đã “nhất khứ bất phục phản”, đã trở nên hiếm dần trong thời buổi thực dụng ngày nay.
Tám năm trước, tôi nhận được giấy mời của Đại học Quốc gia Hà Nội mời tôi về nước tham dự Hội thảo khoa học “Giáo sư Hoàng Xuân Nhị - 100 năm cuộc đời và sự nghiệp”. Lúc đó vì dang dở một số công việc, tôi xin phép Ban tổ chức không về dự và không đóng góp được bài viết về thầy, từ đó tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng, giống như một học sinh không hoàn thành được bài tập, mặc dù có lý do chính đáng...
Tôi được trông thấy thầy Hoàng Xuân Nhị lần đầu tiên vào mùa hè năm 1973, khi tôi muốn xin nghỉ học ba ngày, phải viết giấy xin phép trình Ban Chủ nhiệm khoa Văn (ĐH Tổng hợp Hà Nội). Tôi mang đơn lên Văn phòng khoa tầng 2, nơi sau này bố trí làm trạm xá, vào gặp thầy Đỗ Đức Hiểu, lúc bấy giờ làm Phó Chủ nhiệm khoa. Dường như tôi đến không đúng lúc, đang còn chưa kịp định thần để trình bày rõ ngọn cành, thì thầy Hiểu bảo nhẹ nhàng: “Anh cứ để đơn lại đây, tôi sẽ xét...”. Đúng lúc đó, một người có dáng cao lớn, mái tóc bạc phơ, lưng hơi gù, mặc áo cộc tay màu trắng có ba túi, xách một chiếc cặp da bước vào. Xuống dưới sân, tôi mới biết đó là Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Chủ nhiệm khoa Văn.
![]() |
Ảnh: GS. Hoàng Xuân Nhị |
Lần thứ hai tôi được diện kiến thầy cũng một cách tình cờ. Lúc tôi chuẩn bị lên cầu thang đến Thư viện khoa Lịch sử tầng 2 hội trường, thì thầy Lê Đức Niệm vẫy tay gọi tôi lại, nhờ tôi chuyển tập bài kiểm tra văn học Trung Quốc vừa chấm xong cho lớp. Đúng lúc ấy, thầy Hoàng Xuân Nhị cùng một thầy giáo nữa đi qua, thầy Lê Đức Niệm tươi cười bước đến bắt tay. Tôi đang lúng túng đứng yên tại chỗ thì thầy Niệm nói như muốn giới thiệu, đây là cậu sinh viên năm thứ ba, quê Hà Tĩnh. Lúc này, tôi mới được nhìn kỹ thầy Hoàng Xuân Nhị. Dáng thầy cao, phong độ, mái tóc bạc như mây, khuôn mặt hồng hào, hàng lông mày trắng cước, đôi mắt đen và nụ cười cởi mở.
Về phòng, tôi hãnh diện kể chuyện được gặp và nói chuyện với thầy cho anh Nguyễn Tiến Thư, đồng hương Đức Thọ. Thế là chỉ mỗi một chuyện thầy quê ở Đức Nhân hay Đức Diên, có phải là em ông Hoàng Xuân Hãn hay không, cả phòng cãi nhau mất cả tiếng đồng hồ. Cho đến khi đó, tôi cũng chỉ mới biết thân thế cũng như các công trình của thầy qua những câu chuyện truyền miệng. Thậm chí, tôi hỏi người bác, vốn đồng thời và đồng hương với thầy ở Đức Thọ, bác cũng cho biết một cách đại loại là: ông ấy sang Pháp từ nhỏ, học hành rất thành đạt, sau này về tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam Bộ. Ông biết tới ba, bốn ngoại ngữ và được Bác Hồ quý mến, và ông muốn gặp những người như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng lúc nào cũng được...
Mãi khi ra trường, tôi mới biết tường tận về thầy Hoàng Xuân Nhị, một trí thức thuộc vào tầm cây cao bóng cả của Việt Nam. Miền quê thầy, chỉ cần dọc một dải bờ đê sông La chừng mười lăm cây số đã sản sinh ra bao nhiêu bậc tuấn kiệt, danh nhân như Nguyễn Biểu, Bùi Dương Lịch, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Giáp, Nguyễn Khắc Niêm, Phan Điện, Phan Anh, Phan Mỹ, Hoàng Xuân Hãn, Phạm Khắc Hòe, Lê Văn Thiêm, Điềm Phùng Thị, Huy Cận, Hoàng Ngọc Hiến... Tôi đã nhiều lần về thăm Đức Diên, một làng trù phú và tươi đẹp bên bờ sông La gần nơi hợp lưu với dòng sông Lam, cùng với Giáo sư Nguyễn Văn Đính và thầy giáo Trần Quốc Thường, dân ở đây vẫn luôn nói về thầy Hoàng Xuân Nhị với lòng tôn kính và ngưỡng mộ.
![]() |
GS. Hoàng Xuân Nhị nói chuyện với sinh viên khoa Văn-Đại học Tổng hợp Hà Nội |
Thầy Hoàng Xuân Nhị thuộc vào hàng danh nhân, tiêu biểu cho tinh thần hiếu học, lòng yêu lao động và đức khiêm cung của vùng quê Hà Tĩnh. Chuyên môn của thầy xuất phát điểm không phải là văn chương, mà là Luật học. Học xong ở Vinh, lấy bằng Thành chung (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) ở trường Quốc học Huế; tiếp sau đó, thầy theo học khoa Luật tại Trường Đại học Đông Dương, Hà Nội. Lúc thầy hai mươi hai tuổi, năm 1936, thời mặt trận Bình dân, thầy được sang học ở Pháp nhờ học bổng của Hội khuyến khích du học, chuyên nghiên cứu về văn chương và triết học. Và chỉ sau hai năm, thầy tốt nghiệp cử nhân triết học và văn chương tại Trường Đại học Sorbone lừng danh ở Paris. Như vậy, thầy đã đi qua cả ba môn học quan trọng nhất trong chương trình giáo dục thời thuộc Pháp là Luật học, Triết học và Văn học.
Thầy sử dụng năm ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hán và tiếng Nga. Cách học tiếng Nga của thầy cũng đặc biệt, là học qua tiếng Pháp, tra cứu bằng từ điển Pháp - Nga, Anh - Nga, vừa học, vừa dịch, vừa nghiên cứu. Với kiến thức sâu rộng như vậy, thầy đã góp phần truyền bá, dịch thuật, nghiên cứu, giảng dạy văn học Việt Nam từ cổ điển tới hiện đại, giáo trình văn học Nga - Xô viết, chuyên luận mỹ học, triết học và lý luận văn học. Có thể dùng câu nói của Karl Marx để đánh giá sự uyên thâm và uyên bác của thầy: “Lên đến đỉnh cao của trí tuệ, thì mọi khoa học đều gặp nhau”.
Chúng tôi được học thầy vào đầu năm thứ 4, chuyên đề “Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch”. Khóa chúng tôi năm đó có hơn 80 sinh viên, tập trung học ở tầng 4 nhà C3 (khu Mễ Trì). Leo bộ lên hết cầu thang, thầy đứng nghỉ ở hành lang, dùng khăn mùi soa lau trán và lấy trong túi ra một chiếc hộp chữ nhật, màu thiếc, bên trong là những điếu thuốc được cắt đôi. Cho nửa điếu thuốc vào tẩu, thầy quẹt diêm hút mấy hơi trước khi vào lớp. Chúng tôi đồng loạt đứng dậy chào, ai cũng rất đỗi ngạc nhiên khi nghe cách xưng hô rất “chi bộ” của thầy: “Mời các đồng chí ngồi xuống!”. Thầy đặt chiếc cặp da to lên bàn, và một chiếc túi vải to không kém bên cạnh. Thầy mở chiếc cặp da, lấy ra một bộ micro, cẩn thận lắp pin, đặt lên bàn gõ và nói thử: - Các đồng chí có nghe rõ không? Anh Lương Ngọc Bính (sau này là bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình) ghé tai tôi thì thào: “Nếu thầy không nói chữ đồng chí mà nói đồng bào thì có phải là giống Bác Hồ không”! Thầy giảng bài bằng một thứ tiếng Nghệ khá nặng, chữ “rõ” thành chữ “rọ”, không lẫn vào đâu được. Tôi thầm nghĩ, không chỉ riêng thầy mà bao nhiêu người nữa, xa quê hàng chục năm, đi khắp chân trời góc biển, mà cái tiếng Nghệ vẫn không chút phai mờ, dường như nó ngấm sâu vào máu thịt. Thầy dạy bằng micro, cứ nói xong một lát, khi lên bảng viết, thầy lại bấm nút tắt ngay, thầy giải thích rằng “cái này tôi vừa mua ở Nhật, phải tắt không hết pin các đồng chí ạ”.
Trong giờ giảng về Nhật ký trong tù, đến những bài viết về cảnh Bác bị giải từ nhà lao này đến nhà lao khác: “Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/ Mười tám nhà lao đã ở qua”, thầy nghẹn ngào và rút khăn mùi soa lau nước mắt. Mà không chỉ một lần, có những lúc thầy xúc động không nói được, phải đến bên bàn nhấp nước. Đó là tình cảm thật chân thành, tự nhiên, hồn hậu đến yếu mềm, thể hiện một sự kính trọng và thương yêu tột cùng của thầy đối với lãnh tụ.
Thầy thuyết giảng bằng một giọng đều đều, không lên trầm xuống bổng, không chút hùng biện, nhưng rất khúc chiết. Phải thật chú ý mới hiểu được sự thâm sâu trong từng lời thầy nói. Đang giảng bài, bỗng nhiên thầy nhìn xuống lớp hỏi: “Có đồng chí nào thuộc một vài bài thơ trong Nhật ký trong tù?”. Nhìn quanh không thấy ai giơ tay, tôi mạnh dạn đứng dậy và thưa với thầy, là tôi có thể đọc thuộc toàn bộ bản dịch tập thơ và cả tiếng Hán phiên âm. Thầy gật gù, bảo tôi đọc to bài “Giải đi sớm”: "Nhất thứ kê đề dạ vị lan/ Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san/ Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng/ Nghênh diện thu phong trận trận hàn". Nghe tôi đọc xong cả bản dịch, thầy hỏi tôi là, đồng chí thấy bản dịch đó có gì sai so với văn bản. Tôi trả lời thầy là bản dịch rất hay, tôi không biết rành tiếng Hán, nên không tìm thấy chỗ nào sai cả. Thầy lắc đầu bảo, đồng chí đọc thuộc là rất tốt, nhưng cần phải đào luyện nhiều. Tôi hiểu rằng đó là một lời khuyên chứ không phải là một lời khen. Tôi nhớ mãi hai từ “đào luyện” của thầy, và nghĩ rằng, nếu đọc thuộc lòng như tôi vẫn học, thì chỉ mới đạt được "cấp độ vẹt" mà thôi.
Thầy phân tích câu “Nghênh diện thu phong trận trận hàn” có nghĩa là ngẩng đầu lên, đón từng đợt gió lạnh của mùa thu thổi vào mặt, tức là ở thế chủ động, thế tiến công; nếu dịch là “rát mặt đêm thu trận gió hàn” thì ở thế bị động. Nếu dịch như thế là chưa hiểu được hết phong thái và tinh thần của Bác. Chỉ nội một ví dụ đó, chúng tôi đã hiểu được sự thông tuệ về Hán ngữ của thầy.
![]() |
GS. Hoàng Xuân Nhị chụp ảnh chung với sinh viên khoa Văn trước Hội trường Mễ Trì-Đại học Tổng hợp Hà Nội |
Trong hơn bốn mươi năm qua, để phục vụ cho chuyên môn của mình, tôi đã phải đọc và tham khảo khá nhiều sách, giáo trình, chuyên luận của Nga, từ sách giáo khoa dành cho cấp trung học đến sách đại học và cao học; nhưng tôi khẳng định rằng, cánh cửa đưa tôi bước vào thánh đường văn học Nga là bộ giáo trình 5 tập Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX do thầy Hoàng Xuân Nhị biên soạn. Tôi được biết, để hoàn thành 5 tập sách này, thầy đã phải vừa nghiên cứu nâng cao trình độ tiếng Nga, vừa biên dịch. Nó thể hiện một sức lao động phi thường, một sự kiên nhẫn vô song, và một đầu óc tuệ mẫn.
Sau này, trong quá trình làm việc, tôi đối chiếu lại một số chỗ cần thiết so với nguyên bản, mới thấy rằng, thầy đã lĩnh hội hết hồn vía của những tác phẩm văn học cổ điển Nga, kể cả những tác phẩm đọc rất khó như Truyện về đạo quân Igor viết vào cuối thế kỷ XI. Có thể nói rằng, với bộ giáo trình này, thầy Hoàng Xuân Nhị đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền móng cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga - Xô viết ở Việt Nam. Sau này, thầy còn dịch và biên soạn M.Gorki - Đời sống, sự nghiệp văn học gắn liền với cuộc vận động cách mạng Nga 1905, Mayakovsky - Nguyên lý mỹ học Mác - Lênin và Những phạm trù mỹ học của Borev cùng hàng loạt bài khảo cứu văn học thế giới và văn học Việt Nam qua các thời kỳ. Theo như các thầy Nguyễn Trường Lịch, Đinh Văn Đức, là những người được gần gũi với thầy trong thời kỳ sơ tán cho biết, phần lớn những công trình đó đều được viết dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu hỏa, trong căn phòng che phên nứa giữa núi rừng Bắc Thái, luôn phải chịu đựng giá rét và cái đói triền miên.
Cuối năm 1974, thầy cho in quyển Chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn học nghệ thuật ở một số nước. Tôi không có trong tay quyển sách này, nhưng tôi được đọc một số bài phê bình in trong Tạp chí Văn học, đã đánh giá nặng nề và phủ nhận nhiều quan điểm của thầy. Nghe nói thầy rất buồn và đã phản ứng khá quyết liệt, tức tốc phóng xe lên gặp các vị lãnh đạo trên Ban Khoa giáo Trung ương, đề nghị phải có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Thực hư thế nào không biết, nhưng hôm thấy tôi ngồi ở Thư viện Hà Nội, thầy Hà Minh Đức bảo: “Tối thứ bảy tuần này, thầy Hoàng Xuân Nhị sẽ nói chuyện ở đây về quyển sách mà người ta đang tranh cãi. Cậu báo với anh em đến dự”. Thầy còn nói thêm: “Gọi anh em sinh viên đến càng đông càng tốt, nhớ vỗ tay cổ vũ nhé”. Vì đường từ Mễ Trì ra thư viện Hà Nội ở 47 Bà Triệu xa quá, anh em không thể đi dự được, bởi sau 7 giờ tối là hết ô tô buýt Bờ Hồ - Hà Đông, nên tôi lò dò đến một mình. Chưa đến giờ khai mạc đã thấy nhiều thầy trong khoa và anh em lớp trên ngồi sẵn, tôi chọn một chỗ phía dưới ngồi bên cạnh dịch giả Hoàng Thiếu Sơn, người mà mấy tháng trước tôi được nghe nói chuyện về tác phẩm Những linh hồn chết của Gogol. Khán giả ngồi chật cả phòng đọc thư viện, chừng khoảng trên trăm người.
![]() |
Về với mái trường xưa |
Khác với ngày thường, hôm đó thầy Hoàng Xuân Nhị trình bày rất hùng hồn về tình hình văn học thế giới, đặc biệt là văn học châu Âu với những trường phái phức tạp và bế tắc. Thầy nói rằng quyển "Chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn học nghệ thuật ở một số nước" sẽ giúp cho độc giả Việt Nam, đặc biệt là sinh viên Ngữ văn của Đại học Tổng hợp và Sư phạm có những kiến thức lý luận thời sự nhất để đi đúng hướng. Tôi không còn nhớ chi tiết những diễn tiến của buổi tọa đàm, nhưng vẫn nhớ lời ông Hoàng Thiếu Sơn nói với một người bên cạnh là: ông Nhị hôm nay hùng biện quá!
Cuối buổi nói chuyện, thầy Nhị liên dẫn đến một kết luận không ngờ. Thầy kể rằng hồi sang Pháp, thầy hay qua một người chị họ sống ở Paris. Gia đình chị cũng chẳng khá giả gì, chồng chị cũng chỉ là một công chức nhỏ nên thu nhập vừa đủ sống. Lúc con khóc, khi thì chị cho nó một chiếc kẹo, khi thì một miếng biscuit, khi thì chị mở máy quay đĩa cho con nghe nhạc. Người mẹ Việt Nam không có bánh kẹo, không có máy quay đĩa, chỉ có tình thương và tiếng ru. Tại sao chúng ta bây giờ không có tình thương, không đùm bọc lẫn nhau mà chỉ làm hại nhau? Thầy dừng lại một lát, rồi đọc to một câu trong Kinh Thánh và dịch luôn là “Đồ của thánh đừng đem cho chó; ngọc tốt đem cho lợn ăn, sau chúng sẽ giẫm lên và phản lại anh em”. Cả hội trường thư viện vang lên tiếng vỗ tay khi thầy rời khỏi bục nói chuyện.
Nhiều thế hệ thầy cô giáo và sinh viên trong khoa Văn thường lưu truyền những câu chuyện sinh hoạt của thầy như dạng dân gian. Tôi cũng đã thấy thầy luôn hút những điếu thuốc lá cắt đôi, thấy thầy buộc một chiếc túi thực phẩm sau poocbaga chiếc xe máy Sachs tay ga của Đức, đã nghe một vài người kể rằng hay gặp thầy mua hàng ở chợ Kim Liên... Dường như những câu chuyện đó, thật sự nó không làm cho bóng thầy lu mờ đi, chỉ làm phong phú thêm cho tính cách của thầy, một con người không hề cao đạo, không hề lớn tiếng, chỉ sống hòa chung với cuộc đời thường. Vào cái thời cả xã hội đang còn giương cao khẩu hiệu đấu tranh giai cấp, chống bóc lột, không một nhà nào có người giúp việc, một mình thầy vừa làm khoa học, vừa giảng dạy, vừa chăm sóc cho người vợ ốm đau.
Ngoài những đồng lương và chút bìa phụ cấp ít ỏi ra, những người liêm khiết như thầy không hề có một chút bổng lộc và quyền lợi gì thêm. Thầy không hề giãi bày, phàn nàn với ai về cuộc sống của mình. Điều này, các thầy Nguyễn Hữu Đạt, Trần Hinh, hay thầy Bá Thành, Phạm Thành Hưng cùng sinh hoạt trong tổ với thầy đều biết. Mọi người hay nói rằng công việc của khoa đều do thầy Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Văn Tu và Phan Trác Cảnh gánh vác hết, còn thầy như một vị Thái thượng hoàng. Điều đó đúng, nhưng thầy Hoàng Xuân Nhị như là một chiếc bóng rợp, một biểu tượng, thậm chí cái tên thầy như là một tước hiệu sang trọng của khoa Văn. Đâu cần thầy phải luôn xuất hiện, phải làm các công việc sự vụ thường nhật, tham gia các sự kiện diễn ra như cơm bữa ở khoa như một mẫu công chức mẫn cán! Có lúc tôi thiết nghĩ, nếu thầy và các bậc trí thức lớn của nước nhà như Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân và Võ Đình Quỳnh, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông... ở lại Pháp, chắc chắn họ sẽ có một cuộc sống cao sang và đủ đầy về mặt vật chất. Nhưng thầy đã “ra đi, đầu không ngoảnh lại”, về nước theo tiếng gọi của non sông, phải chịu đựng bao gian lao, thiếu thốn trong những năm tháng ở bưng biền, đã đóng góp tuổi trẻ, sức lực và kiến thức cho công cuộc vệ quốc và kiến quốc của dân tộc.
Không thể hình dung ra sự ra đời và trưởng thành của nền giáo dục Việt Nam, của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà thiếu vắng tên tuổi của những bậc trí thức tiền bối, trong đó có Giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Tôi đã rất mừng, rất xúc động khi biết nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thầy, ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có một đường phố mang tên HOÀNG XUÂN NHỊ. Những con người có cốt cách như thầy đã “nhất khứ bất phục phản”, đã trở nên hiếm dần trong thời buổi thực dụng ngày nay. Chính vì thế, nhớ về thầy là nhớ tới một bậc trí thức thông tuệ, một tấm gương lao động bền bỉ và một con người đức độ, khiêm nhường. Cũng như bao sinh viên khoa Ngữ văn, trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi luôn tự hào được làm học trò nhỏ của những bậc thầy như vậy./.
GS.TS Nguyễn Huy Hoàng (từ Liên bang Nga)