“Trộm” đất giữa ban ngày ở xã Minh Quang
Suốt từ tháng 7 đến nay, phóng viên Tầm Nhìn điện tử liên tục nhận được phản ánh của người dân phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản không phép giữa ban ngày trên địa bàn xã Minh Quang, huyện Ba Vì, nhưng cơ quan chức năng không ngăn chặn triệt để.
![]() |
Đào hào, khoét đồi để khai thác đất không phép. |
Sau khi khai thác được khoáng sản, những chuyến xe tải hối hả vận chuyển đất ra khỏi khu vực đưa đi tiêu thụ cho những khách hàng có nhu cầu san lấp. Còn đá thạch anh được chế biến nhỏ, chờ đêm đến vận chuyển bằng xe ô có tải trọng lớn, đưa xuống thuyền đi tiêu thụ. Tình trạng này kéo dài đã gây thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức Đảng.
![]() |
Hiện tượng khai thác đất diễn ra giữa ban ngày, nhưng không được chính quyền sở tại quyết liệt ngăn chặn. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, do nhu cầu hạ thấp độ cao để cải tạo đất dễ canh tác, cộng thêm nhu cầu san lấp ở khu vực xã Minh Quang và các xã lân cận của huyện Ba Vì tăng cao, nên những đối tượng này đã cấu kết với một số đối tượng có chức sắc để được phép khai thác đất đồi giữa thanh thiên bạch nhật mà không lo ngại bị bắt hoặc xử lý.
![]() |
Đất sau khi được khai thác, các đối tượng vận chuyển đi tiêu thụ cho các hộ dân có nhu cầu san lấp. |
Hiện trường khai thác ở xã Minh Quang cho thấy các đối tượng đã ngang nhiên tàn phá, hủy hoại đất nghiêm trọng, có quy mô. Rất nhiều quả đồi ở địa phương này đã bị "đất tặc" cạo trọc rồi khai thác khoét sâu, làm mất đi lớp đất màu mỡ ở bề mặt, chỉ để lại phần đất đã cằn cỗi khiến cây cỏ cũng khó mọc và sinh trưởng.
Những đối tượng này thường xuyên dùng máy múc có công suất lớn để tiến hành việc hủy hoại đất. Đối với những tuyến đường nhỏ, xe lớn khó vào, các đối tượng sẽ dùng máy múc có công suất nhỏ hơn, rồi khai thác và sau đó vận chuyển tỏa đi tiêu thụ ở nhiều khu vực khác nhau.
Khai thác đá thạch anh ngay cạnh đường điện cao áp 500kv
Vị trí khai thác đá thạch anh nằm ở Dốc Sổ. Do nhu cầu cải tạo đất ở khu vực được quy hoạch là đất lâm nghiệp ở chân Vườn Quốc gia Ba Vì, các đối tượng này đã lợi dụng và cấu kết để khai thác đá thạch anh. Sau khi khai thác, đá được sẽ được đưa về điểm tập kết. Tại đây, đá được làm sạch đất bám, sau đó chế biến nhỏ. Khi đủ số lượng sẽ dùng xe tải trọng lớn 4 – 6 chân vào vận chuyển ra bến thuyền gần đó rồi đi tiêu thụ.
Từ tháng 07 đến 23/12, phóng viên đã liên tục ghi nhận được những tình trạng trên. Cụ thể, các ngày 18 đến 21/07 và chiều ngày 07/12/2021, phóng viên ghi nhận được tình trạng khai thác khoáng sản là đá thạch anh tại khu vực chân Vườn Quốc gia Ba Vì.
![]() |
Máy múc đang tích cực khai thác đá thạch anh gần khu vực dốc Sổ, xã Minh Quang. |
Quá trình khai thác, các đối tượng dùng máy múc có công xuất lớn, cào những tảng đá lớn tập kết về nhiều điểm khác nhau trong khu vực khai thác; khi thấy phóng viên ghi hình, các đối tượng này đã vội dừng việc khai thác.
![]() |
Nhiều thanh tavet lớn của đường dây 500kv bị máy múc tác động làm hỏng. |
Không chỉ vậy, vị trí khai thác này, được tổ chức diễn ra ngay dưới chân cột điện cao thế 500kv. Trong quá trình khai thác, do cột điện cao thế bị lực tác động mạnh từ các máy múc, nên nhiều thanh thép lớn hình thành điểm kết nối của cột điện cao thế đã bị bong ra, sau đó được các đối tượng tập kết về một điểm.
Tình trạng trên kéo dài nhiều tháng liền, nhưng điểm lạ là không thấy bóng dáng của chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng huyện Ba Vì vào cuộc ngăn chặn, xử lý.
![]() |
Đá thạch anh được khai thác và tập kết trước khi chế biến nhỏ để vận chuyển xuống tàu thuyền đi tiêu thụ. |
Dửng dưng với “khoáng sản tặc” ở Ba Vì?!
Chiều ngày 23/12, phóng viên tiếp tục nhận được điện thoại của bạn đọc, phản ánh ở thôn Liên Bu, xã Minh Quang (gần điểm du lịch EduLand) đang rầm rộ khai thác đất ở một quả đổi lớn. Các đối tượng đã tổ chức khai thác nhiều ngày nay và vận chuyển đất đi tiêu thụ cách điểm khai thác không xa.
Ngay sau đó, phóng viên đã tìm đến hiện trường ghi nhận sự việc và đã ghi nhận được tình trạng khai thác đất ở khu vực gần điểm du lịch EduLand. Phát hiện sự việc, phóng viên đã liên lạc gọi nhiều cuộc điện thoại với ông Nguyễn Tiến Tha – Chủ tịch UBND xã Minh Quang để phản ánh. Mặc dù có đổ chuông điện thoại nhưng vị này không chịu bắt máy.
![]() |
Ông Nguyễn Tiến Tha - Chủ tịch UBND xã Minh Quang. |
Phóng viên tiếp tục điện thoại cho ông Trần Quang Hảo - Phó Chủ tịch xã Minh Quang phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản và đề nghị xã ngăn chặn. Thế nhưng, thay vì tiếp thu nội dung phóng viên phản ánh, ông Hảo lại phản ứng gay gắt "việc khai thác khoáng sản, phóng viên liên hệ và phản ánh với Chủ tịch, tôi không giải quyết".
Phóng viên tiếp tục nhắn tin báo sự việc cho ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì để biết và có giải pháp xử lý, ngăn chặn việc khai thác khoáng sản nêu trên, tuy nhiên cũng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Văn Trường – Trưởng Phòng TN&MT huyện Ba Vì thì được cho biết, ở xã Minh Quang đang có dự án làm đường, nên họ được phép khai thác đất vận chuyển ra khỏi khu vực đi tiêu thụ...
Theo quy định của Điều 64, Luật khoáng sản 2010, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải được đăng ký và cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, trừ trường hợp chủ đầu tư khai thác tại diện tích dự án và sử dụng cho chính dự án đó. Trong mọi trường hợp, tổ chức khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường phải xin cấp phép và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Luật khoáng sản 2010 quy định rõ là vậy và chính bản thân ông Trường cũng đã khẳng định ở huyện Ba Vì không có điểm nào được cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường. Vậy căn cứ vào đâu, để ông Trường khẳng định là những đất tặc này được phép vận chuyển ra khỏi khu vực để đi tiêu thu? Phải chăng chính quyền huyện Ba Vì "bật đèn xanh" cho việc khai thác khoáng sản ở khu vực này?!
Thiết nghĩ, đã đến lúc, Công an môi trường Hà Nội phải vào cuộc điều tra làm rõ xem có đối tượng nào bảo kê nạn khai thác khoáng sản không phép ở xã Minh Quang và có biện pháp xử thích đáng./.