![]() |
Ảnh minh họa |
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng người dân tổ chức san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông sau đó chia tách thửa đất, phân lô bán nền dưới danh nghĩa dự án diễn ra tràn lan ở nhiều quận, huyện, thị xã vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng. Trong đó, một số địa bàn nổi cộm như Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây…
Trước vấn nạn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phân lô, bán nền không đúng quy định pháp luật đất đai, mới đây, Sở TN&MT Hà Nội đã ban hành văn bản số 1685/STNMT-ĐKTĐĐ gửi UBND các quận, huyện, thị xã, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội yêu cầu tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất có đất ở và đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở; chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách, hợp thửa đối với đất ở đảm bảo điều kiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, Sở TN&MT Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 - 31/1/2022 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2.
UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất, đồng thời đề xuất kiến nghị về các nội dung: Điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại địa phương…
Sở này cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở; chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm thực hiện rà soát, báo cáo về các nội dung cụ thể: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị đăng ký biến động đất đai trong khoảng thời gian từ 1/2017 đến 1/2022 đối với thủ tục chia, tách thửa đất cho các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2; đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý đối với khó khăn, vướng mắc gặp phải.
Theo ghi nhận của phóng viên, phương thức hoạt động chủ yếu của các đối tượng lợi dụng việc phân lô bán nền là mua gom đất ở, đất vườn, đất trồng cây lâu năm, thậm chí cả đất rừng của người dân ở trong các thôn, xóm rồi phân lô, bán nền.
Những mảnh đất nhỏ sau khi được gom lại thành thửa lớn, chỉ cần đầu tư thêm ít kinh phí làm đường bê tông, ngay lập tức được chào bán với giá cao hơn rất nhiều so với đất ở của người dân quanh quanh khu vực, gây nhiễu loạn thị trường. Điều đáng nói, hầu hết những khu đất phân lô, bán nền sau thời gian mua đi bán lại nhộn nhịp đều bị bỏ hoang, không xây dựng, người ở...
Điển hình tại xã Bình Yên (huyện Thạch Thất), trường hợp xin tách thửa và số lượng đất ở trên địa bàn tăng mạnh trong thời gian qua. Năm 2018, tổng diện tích đất ở của xã là 245,88ha, đến năm 2020 đã tăng thêm 5,9ha (tăng 2,4%), năm 2021 tăng thêm 6,42ha (tăng 2,6%). Hay tại xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), trong năm 2021, toàn xã có hơn 120 hồ sơ xin chuyển đổi từ đất vườn sang đất ở, khoảng 100 hồ sơ được duyệt với tổng diện tích hơn 7ha.
Xác nhận, trường hợp xin tách thửa và số lượng đất ở tăng mạnh trong thời gian qua. Việc tách thửa, phân lô bán tràn lan như hiện nay khiến chính quyền cơ sở cũng "đau đầu" trong công tác thu thuế phi nông nghiệp và quản lý dân cư.
Đáng chú ý, vào giữa tháng 12/2021 tại Quyết định số 1727 và Quyết định 1728/QĐ-UBND, UBND thị xã Sơn Tây cho phép chuyển đổi gần 5.000m2 đất trồng cây lâu năm sang đất ở, thời gian sử dụng lâu dài. Nhưng sau khi chuyển đổi, cả hai khu đất này đã được phân lô diện tích khoảng từ 60 - 100m2 và môi giới rao bán chênh từ 7 - 10 triệu đồng/m2 so với đất nền của người dân quanh khu vực.
Theo các chuyên gia BĐS nhận định, việc phân lô, tách thửa đang bị lách luật để tạo ra sản phẩm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ đang muốn đầu tư vào đất, chỉ để phục vụ đầu cơ, tích trữ mua bán, không phải đầu tư để sử dụng lâu dài.
Thực trạng này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho công tác quy hoạch, phát triển kinh tế của địa phương, gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường BĐS, địa phương cũng mất đi cơ hội phát triển kinh tế, tiền “chảy” vào đất nền thực tế không mang lại giá trị sản xuất thặng dư cho xã hội.
Nhưng theo các chuyên gia việc tạm dừng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, vì thực tế pháp luật hiện nay không cấm hoạt động này. Vì vậy giải pháp lâu dài là Nhà nước cần phải xây dựng công cụ thuế, đánh thuế thật nặng đối với việc đầu cơ đất đai chỉ để bán sang tay mà không đưa vào sử dụng/.