![]() |
Trụ sở Cục thuế Hà Nội |
Với sự phát triển bùng nổ của thời đại công nghệ số, thương mại điện tử (TMĐT) dần trở thành một xu hướng phát triển chung của nền kinh tế, việc kinh doanh trên nền tảng số cũng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng với nhiều hình thức mới của TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế.
Việt Nam là 01 trong 04 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến. Để quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan Thuế các cấp đã sớm chủ động vào cuộc, phối hợp các ngành liên quan chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh TMĐT. Đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với loại hình này.
![]() |
Cục Thuế Hà Nội triển khai thực hiện rà soát các cá nhân có hoạt động kinh doanh bán hàng trên Facebook, Youtube, Zalo, Tik Tok...các sàn TMĐT |
Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế
Về ứng dụng công nghệ thông tin: Trong những năm qua, Cục Thuế TP. Hà Nội nhận thấy hoạt động kinh doanh bán hàng, quảng cáo trên các trang mạng Facebook, Youtube, Zalo, Tik Tok... gia tăng và phát triển nhanh về số lượng là hoạt động trọng tâm cần quản lý. Với tiêu chí xác định đặc thù của hoạt động kinh doanh TMĐT là hình thức kinh doanh dựa trên hạ tầng về công nghệ thông tin. Do đó, cơ quan thuế cũng cần sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ hữu hiệu để quản lý thuế đối với hoạt động này.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với các hoạt động TMĐT, Cục Thuế triển khai thực hiện rà soát các cá nhân có hoạt động kinh doanh bán hàng trên Facebook, các sàn TMĐT để triển khai gửi tin nhắn trên hệ thống SMS đến các chủ tài khoản được xác định là chưa đăng ký thuế, hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế. Tại địa chỉ trang này đã có các thông tin hướng dẫn về nghĩa vụ đăng ký, kê khai thuế, cách thức khai báo thông tin để các cá nhân kinh doanh qua mạng kê khai với cơ quan thuế, hạn chế việc làm phiền nếu các cá nhân đã thực hiện đăng ký.
Về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu: Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đẩy mạnh việc phối hợp với các Ngân hàng thương mại, Thanh tra giám sát Ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển để thu thập cơ sở dữ liệu cá nhân kinh doanh online trên địa bàn, thực hiện phân tích, phân loại người nộp thuế (NNT) để áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp, đồng thời triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế để nhằm NNT hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật thuế.
Cục Thuế TP. Hà Nội cũng chủ động bám sát các chỉ đạo của Tổng cục Thuế về việc triển khai kết nối, chia sẽ dữ liệu với các chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT để kịp thời đôn đốc các đơn vị sở hữu sàn TMĐT thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin. Đồng thời, tiếp cận, khai thác dữ liệu làm cơ sở để triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, bán hàng online trên các sàn TMĐT.
Về công tác thanh tra, kiểm tra: Cục thuế TP. Hà Nội thực hiện xây dựng kế hoạch quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn, xây dựng phương án kiểm tra đối với cá nhân, hộ kinh doanh, kiểm tra công tác quản lý của các Chi cục thuế đối với đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân có phát sinh hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Cục thuế TP. Hà Nội cũng đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn có phát sinh hoạt động thương mại điện tử, các doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT.
![]() |
Thực tiễn công tác quản lý, kiểm soát bán hàng cũng như thu thuế các sản phẩm bán trên sàn TMĐT, các trang mạng xã hội ( Facebook, zalo, Tiktok…) tai cơ quan CC thuế CG. |
Còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý thuế
Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý, kiểm soát bán hàng cũng như thu thuế các sản phẩm bán trên sàn TMĐT, các trang mạng xã hội ( Facebook, zalo, Tiktok…), cơ quan thuế còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, bán hàng online. Do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một số cá nhân, hộ kinh doanh có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, trên nhiều trang mạng xã hội.
Thứ hai, việc kiểm soát dòng tiền cũng không hề dễ dàng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P)… Ở Việt Nam, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh TMĐT trong nước khó khăn hơn khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ ba, cơ quan thuế gặp khó khăn trong công tác xác minh thông tin của cá nhân do thông tin giao dịch ngân hàng không được cập nhật thường xuyên, cơ quan thuế phải thu thập thông tin của thời gian trước thời điểm phát sinh, sau đó mới thực hiện công tác xác minh, dẫn đến tại thời điểm xác minh cá nhân đã chuyển đi nơi khác, việc xác minh thông tin của NNT gặp nhiều khó khăn.
![]() |
Triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý
Cục Thuế TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế các mặt hàng trên địa bàn TP. Hà Nội nói chung và các mặt hàng giao dịch qua hình thức TMĐT nói riêng.
Cụ thể, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hoá đơn và hồ sơ mua bán hàng hoá có nguồn gốc nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng tiêu dùng để chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa. Kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng khác xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 cũng như các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp…
Đẩy mạnh công tác phối hợp, kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế. Kiểm tra việc niêm yết và bán theo giá niêm yết tại các chợ, các trung tâm thương mại, các cửa hàng... phối hợp kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển hàng hóa trên đường không có hóa đơn, chứng từ hoặc các trường hợp quay vòng hóa đơn.
Để tăng cường việc phối hợp kiểm tra, giám sát các mặt hàng trên sàn TMĐT của các cơ quan quản lý nhà nước, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đã triển khai quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà Nước trong việc trao đổi thông tin hóa đơn điện tử. Qua đó, quy định việc cơ quan thuế quản lý cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử và khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy…
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ để quản lý doanh thu kinh doanh, tránh thất thu thuế, đồng thời tạo thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, bảo vệ quyền lợi cho người mua; khuyến khích người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; Cục thuế TP. Hà Nội tổ chức chương trình “Hóa đơn may mắn” định kỳ hàng quý với tổng giá trị giải thưởng 190 triệu đồng/quý.
Chương trình này áp dụng đối với toàn bộ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế có người bán là tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn TP. Hà Nội. Đối tượng được tham gia chương trình “Hóa đơn may mắn” là toàn bộ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (bao gồm cả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền), có người mua là cá nhân, hộ kinh doanh và có đầy đủ thông tin định danh người mua (mã số thuế/CCCD/CMND/hộ chiếu) không bao gồm: hóa đơn đã hủy, hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế, hóa đơn có thông tin MST người bán và người mua trùng nhau. Mỗi hóa đơn đưa và lựa chọn một lần duy nhất.
Ngày 25/10/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội tổ chức chương trình lựa chọn “Hóa đơn may mắn” dành cho những hóa đơn hợp lệ phát sinh trong quý II/2022. Chương trình được tổ chức trực tuyến tại 26 điểm cầu (điểm cầu Cục Thuế và 25 điểm cầu Chi cục Thuế trực thuộc) và được livestream trên mạng xã hội của Cục Thuế để đảm bảo tính công khai, minh bạch. 19 hóa đơn may mắn quý II/2022 đã được lựa chọn trong tổng số gần 170.000 hóa đơn điện tử thuộc đối tượng và đủ điều kiện đưa vào quay thưởng./.