Tăng học phí theo… Nghị định
Người dân đang xoay sở mọi cách để phục hồi trở lại cuộc sống bình thường sau những đợt dịch Covid-19 thì theo dự kiến tiền học phí năm học 2022- 2023 lại tăng gấp đôi, điều này đã khiến các bậc phụ huynh lại"còng lưng" để gánh.
Vừa qua, HĐND TP Hà Nội chuẩn bị dự thảo nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội.
Theo dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, các địa bàn trên thành phố được chia thành bốn vùng.
Theo đó, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại các xã miền núi được xếp vào vùng 4.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000 -200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).
Nếu so sánh theo từng cấp và khu vực, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi năm ngoái. Mức học phí dự kiến áp dụng với các trường mầm non, phổ thông chưa đảm bảo chi thường xuyên (giai đoạn 2022-2026) cụ thể như sau (đơn vị: đồng/ học sinh/ tháng):
![]() |
Mức tăng học phí vùng 1 và vùng 2 tại Hà Nội. |
![]() |
Mức tăng học phí vùng 4 tại Hà Nội. |
Bậc tiểu học được miễn học phí. Mức thu trên là căn cứ để hỗ trợ cho học sinh tiểu học tư thục hoặc học sinh tư thục thuộc diện hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Với các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, thành phố không đưa ra học phí cụ thể mà chỉ quy định mức trần qua từng năm. Trong năm học 2022-2023, học phí dao động 2,4-3,2 triệu đồng một tháng, mỗi năm sau tăng khoảng 6-8%. Trên cơ sở mức trần, hiệu trưởng quyết định học phí phù hợp.
Ngoài học phí với các trường công lập có thể và chưa thể chi thường xuyên, HĐND TP Hà Nội còn ban hành dự thảo Nghị quyết về mức trần học phí với các trường công lập chất lượng cao trong năm học 2022-2023. Tương tự với các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, hiệu trưởng các trường chất lượng cao quyết định học phí phù hợp dựa trên mức trần này.
Phải chăng nên hoãn thời điểm?
Trước thông tin về ngành giáo dục chuẩn bị tăng học phí, các bậc phụ huynh và dư luận đã có nhiều ý kiến phán ứng gay gắt. Việc tăng giá sách giáo khoa, đồ dùng học tập đã làm cho các gia đình có con em đi học phải tăng chi một cách bất hợp lí. Ví dụ như một bộ sách giáo khoa mới có lớp 3 đã cao gấp ba lần bộ sách hiện hành. Tương tự, sách lớp 7, lớp 10 mới cũng có giá thành tăng chóng mặt khiến nhiều phụ huynh chỉ biết “ngậm ngùi” chi tiền mua sách học cho con.
Trong lúc việc tăng giá sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học mới còn bị “bỏ ngỏ”, bởi dù có kêu ca, các phụ huynh vẫn phải đóng tiền cho con mua sách giáo khoa và đồ dung học tập khi bước vào đầu năm học, thì ngành giáo dục Hà Nội lại thêm việc tăng học phí vào thời điểm toàn xã hội đang “gồng mình” khôi phục lại cuộc sống sau đại dịch Covid-19.
Tại thời điểm này giá cả nhiều mặt hàng hoá tiêu dung đều đang tăng rất mạnh bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, thậm chí nhà nước còn phải giảm thuế môi trường đối với mặt hang xăng dầu để hỗ trợ người dân. Vậy mà ngành giáo dục Hà Nội cũng như TP.HCM đồng loạt tăng thu học phí, làm cho đời sống người dân có con đi học phải chịu thêm phần khó khăn.
Nói về việc tăng học phí, chị T. H (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: Tại sao nhiều nước miễn giảm học phí cho học sinh còn Việt nam thì lại tăng? Tôi thì cho rằng tăng như thế là quá cao. Lương 2 vợ chồng đi làm khoảng 20 triệu, nhà có 2 con đi học tiền học phí với tiền học thêm cùng các khoản thu chi khác ở lớp hết khoảng 10 triệu/tháng. Vậy còn 10 triệu nhà tôi sống làm sao? Nên nghiên cứu lại. Không nên tăng học phí trong thời điểm này khi dịch COVID- 19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân".
Theo anh N. Đ (Mai Động, Hà Nội): Học phí tăng nhưng phải đi đôi với chất lượng giảng dạy, tăng học phí để tăng lương cho giáo viên là hoàn toàn hợp lý. Tăng học phí sẽ tăng số lượng giáo viên phụ trách lớp, chất lượng giảng dạy sẽ được nâng cao. Thực tế hiện nay, nhất là các bậc tiểu học các em đã phải học ban sáng, ban chiều trên lớp rồi nhưng không hiểu thời gian đó dạy gì mà tổ chức học thêm vào thứ bảy, chủ nhật nữa. Vấn đề này cần các cấp quản lý vào cuộc...
Nhiều phụ huynh cho rằng: Tình trạng thu gộp vào đầu năm học mới vẫn diễn ra ở một số trường luôn là gánh nặng với phụ huynh, nhất là đối với các gia đình có mức thu nhập không ổn định, bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thời gian qua. Ngành giáo dục cần có giải pháp để giải quyết dứt điểm việc lạm thu tiền trường với nhiều khoản thu khác nhau, và nên lùi thời điểm tăng học phí là phương án nên làm lúc này.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông,với khu vực trường công ở cấp mầm non, THCS, THPT dành cho đa số thì đây không phải là thời điểm phù hợp để tăng học phí. "Hiện giá cả các mặt hàng khác cũng đang tăng, nên người dân vẫn cần được Nhà nước trợ giá học phí cho khu vực trường công ở thời điểm này". Ngoài chuyện tăng học phí, ông Đồng cũng cho rằng việc tăng giá sách giáo khoa, đồ dùng học tập thời gian qua cũng chưa hợp lý. Ngay cả việc tăng giá bán sách giáo khoa thời gian qua cũng cần các cơ quan quản lý vào cuộc làm rõ chứ không thể đẩy hết cho người tiêu dùng được.
Theo lãnh đạo Sở GD & ĐT Hà Nội, đến thời điểm này Hà Nội chưa quyết định về mức học phí các cấp học phổ thông năm học 2022-2023. Tuy nhiên, đây là việc sẽ phải cân nhắc thận trọng vì năm học trước dự định tăng học phí theo lộ trình đã vấp phải phản ứng trái chiều của các bậc phụ huynh.
Dư luận đang cần các nhà quản lý lắng nghe ý kiến của các bậc phụ huynh để quyết định việc tăng học phí đúng thời điểm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cũng như khả năng phục hồi thu nhập của người dân sau một thời gian dài chịu tác động của dịch Covd-19./.
Bài 2: HCM tăng học phí bậc THCS lên 500%?