20 năm trước đưa xưởng SX ra đê nhằm bảo vệ môi trường cho thôn xóm
![]() |
Các nhà xưởng sản xuất gỗ tại chân đê Quai (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) đang bị tháo dỡ. |
Mới đây, tập thể 57 hộ dân làm nghề sản xuất đồ gỗ ở chân đê Quai (Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội) có đơn gửi đến các cơ quan chức năng “kêu cứu” liên quan đến việc các nhà xưởng phục vụ sản xuất bị cắt điện, buộc phá dỡ.
Theo trình bày của các hộ dân, những nhà xưởng sản xuất này được lập lên từ hơn 20 năm nay, được các gia đình sử dụng làm nơi sản xuất đồ gỗ. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022 đến nay chính quyền đã cắt điện, yêu cầu các hộ dân tháo dỡ nhà xưởng với lý do xây dựng trên đất nông nghiệp.
“Trước kia các gia đình chúng tôi sản xuất ở trong làng, do lo ngại vấn đề ô nhiễm gây ảnh hưởng thôn, xóm nên các gia đình chúng tôi được chính quyền tạo điều kiện dựng nhà xưởng sản xuất ra khu đê Quai cho tách biệt. Khu này trước đây là đất trồng lúa, rau, màu không hiệu quả và gần như bỏ hoang.
Các nhà xưởng đều được dựng từ những năm 2003 trở về trước, không chỉ giúp các gia đình có thu nhập ổn định cuộc sống mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân tại địa phương, hình thành lên một làng nghề đồ gỗ tiêu dùng với các sản phẩm có tiếng được phân phối tại khắp thị trường toàn quốc”, ông Nguyễn Văn Phú (cụm 2, Liên Hà) có xưởng sản xuất gỗ ở đê Quai trình bày.
Ông Phú cùng 56 hộ dân cho biết, việc chính quyền cắt điện, phá dỡ nhà xưởng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các hộ bởi nguyên liệu, máy móc gần như bị vất xó, không có điện sản xuất. Ngoài ra, hàng trăm công nhân làm tại các nhà xưởng cũng lâm vào cảnh thất nghiệp, không có việc làm. Trong khi đó, nhiều hộ dân ở đây vẫn đang vay nợ ngân hàng giờ không biết đi đâu.
“Chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương đúng đắn của chính quyền, thế nhưng lẽ ra khi có dự án hay để phục vụ làm đường thì mới nên yêu cầu phá dỡ, thu hồi vì bản chất các nhà xưởng của chúng tôi cũng là phục vụ sản xuất lâm sản. Hơn nữa nếu chính quyền cắt điện, phá dỡ cũng thông báo trước một khoảng thời gian để chúng tôi chuẩn bị mặt bằng. Ở đây có gia đình đầu tư nguyên liệu máy móc rất lớn, thậm chí vay ngân hàng để sản xuất, vậy mà đùng cái chính quyền cắt điện, yêu cầu phá dỡ. Mấy năm nay dịch Covid-19, chúng tôi có sản xuất được gì đâu, mới chỉ vừa khôi phục thì lại lâm vào cảnh này”. Người dân có nhà xưởng tại đê Quai chia sẻ thêm. Đồng thời, kiến nghị được tạo điều kiện để có mặt bằng sản xuất nếu phải phá dỡ nhà xưởng ở khu đê Quai.
Nhà xưởng bị phá dỡ, máy móc nguyên liệu bị ép giá
![]() |
Nhiều máy móc bỏ xó và bị ép giá |
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy: Khu vực nhà xưởng của 57 hộ dân trên nằm trải dài sát đường dân sinh đê Quai, đối diện UBND xã Liên Hà. Các nhà xưởng hầu hết đều đóng cửa, máy móc, nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất đều bám một lớp bụi dày. Các nhà xưởng đã và đang tiến hành tháo tôn, hạ biển hiệu.
Đáng chú ý, theo phản ánh của các chủ xưởng, nhân thời cơ nhà xưởng của 57 hộ bị phá dỡ, nhiều thương nhân kế bên đã sang ép giá để mua lại nguyên liệu gỗ và máy móc. Chỉ vào chiếc máy nằm phơi bụi trong nhà xưởng, anh Sơn (một chủ xưởng gỗ tại đê Quai) cho hay: “Đau lắm chú ạ, máy này chúng tôi mua chỉ cách đây hơn 2 năm để tăng sản xuất với giá gần 60 triệu đồng, ấy vậy mà giờ họ ép giá có chục triệu đồng. Còn nhiều hộ có những chiếc máy ép gỗ giá cả 600 triệu đồng nhưng vẫn phải cắn răn bán thanh lý với giá chưa được 1/3, bởi không còn nhà xưởng sản xuất nữa”.
Trái ngược với 57 nhà xưởng ở đê Quai, cách đó chỉ vài chục mét các nhà xưởng ở khu Trũng Phan vẫn rầm rộ tiếng máy móc sản xuất, các xe hàng nhộn nhịp ra vào.
Gần 100 nhà xưởng khu Trũng Phan vẫn đang sản xuất mà không bị xử lý?
![]() |
: Các nhà xưởng ở khu Trũng Phan dựng trên đất nông nghiệp vẫn hoạt động bình thường |
Cũng theo phản ánh của các hộ dân, trong khi các nhà xưởng ở đê Quai bị cắt điện, buộc tháo dỡ thì ngay cạnh đó là gần 100 nhà xưởng thuộc khu Trũng Phan (xóm 1, cũng thuộc xã Liên Hà) cũng xây dựng trên đất nông nghiệp và chỉ mới dựng thời gian gần đây nhưng lại không bị xử lý.
“Ngược lại với khu đê Quai chúng tôi, khu Trũng Phan thì lại được xây cả trạm biến áp, cấp điện tạo điều kiện để tồn tại. Như vậy có công bằng không?” các hộ dân chia sẻ.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo huyện Đan Phượng thừa nhận việc các xưởng sản xuất ở xã Liên Hà xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích nhiều năm nay và cho biết, trước mắt huyện và xã tiến hành tháo dỡ khu đê Quai, tiếp đó sẽ rà soát và xử lý các khu vực tiếp theo…
Để có thông tin khách quan liên quan đến việc quản lý đất nông nghiệp tại xã Liên Hà và những phản ánh, kêu cứu của 57 hộ gia đình sản xuất gỗ tại đê Quai, PV đang liên hệ với lãnh đạo UBND xã Liên Hà và huyện Đan Phượng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.