![]() |
Khâu hàn lưỡi cưa hiện đã được tự động hóa bằng máy hiện đại nhập từ CHLB Đức. |
Chàng kỹ sư trẻ “liều lĩnh” bỏ phố về quê làm lưỡi cưa
Chàng kỹ sư mỏ Nguyễn Minh Phong sinh ra và lớn lên giữa làng mộc Thái Yên nổi tiếng ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), gia đình lại có truyền thống hơn 50 năm làm cơ khí, chuyên sản xuất thiết bị phục vụ nghề mộc, trong đó có sản phẩm lưỡi cưa. Tuổi thơ của anh gắn liền với nghề truyền thống của gia đình nên trong quá trình đi học, đi làm Nguyễn Minh Phong đã luôn thích thú tìm hiểu nhiều kiến thức liên quan đến khoa học và công nghệ với ấp ủ “sẽ phát triển nghề truyền thống của gia đình, tạo thương hiệu riêng".
![]() |
Anh Nguyễn Minh Phong kể với PV về quá trình bỏ việc kỹ sư mỏ về quê khởi nghiệp với mô hỉnh sản xuất lưỡi cưa mang thương hiệu Phong Hoa. |
Anh Nguyễn Minh Phong (SN 1987, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) từng tốt nghiệp Khoa Khai thác mỏ, Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và làm việc cho một doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực khai khoáng với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đến năm 2016 anh quyết định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng lưỡi cưa tại làng nghề mộc rất lớn, chủ cơ sở sản xuất thường phải mua từ các nơi khác, mất chi phí vận chuyển, giá thành cao. Trong khi đó xưởng của gia đình dù đã có thu nhập nhưng làm thủ công, sản phẩm vẫn còn ít, chưa đa dạng, chưa đủ để phục vụ thị trường. Mặt khác, anh cũng nhận thấy không chỉ ngành mộc truyền thống của địa phương cần đến lưỡi cưa mà một số ngành nghề khác cũng rất cần đến, đó là nhu cầu cần thiết nếu tìm ra hướng đi mới sẽ có tiềm năng phát triển.
![]() |
Cơ sở sản xuất Phong Hoa có nhiều sản phẩm phù hợp để cắt từng loại nguyên liệu khác nhau. |
Hành trình xây dựng thương hiệu lưỡi cưa "độc quyền”
Từ những kiến thức được học, anh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, bằng vốn Tiếng Anh kha khá Phong thường xuyên lên mạng học hỏi những cải tiến công nghệ của nước ngoài sau đó về áp dụng cho cơ sở sản xuất của mình. Tính đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị từ Châu Âu để xây dựng thương hiệu lưỡi cưa Phong Hoa. Riêng khâu hàn lưỡi cưa hiện đã được tự động hóa bằng máy hiện đại nhập từ CHLB Đức.
Hiện tại, hệ thống máy móc tại xưởng của anh Phong đã được cải tiến để sản xuất lưỡi cưa phù hợp với từng loại vật liệu. Chất liệu thép, khoảng cách, độ mở răng cưa sẽ được sản xuất phù hợp với từng loại gỗ khác nhau (gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp).
Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng, xưởng của anh cũng sản xuất các loại lưỡi cưa dùng trong chế biến thực phẩm, hoặc cưa trầm hương, cưa xốp, cưa giấy, cưa kim loại…
![]() |
Lưỡi cưa Phong Hoa sau khi được cắt sẽ tiếp tục được gia công mài và gia nhiệt để đảm bảo độ sắc và cứng. |
Anh Phong chia sẻ: “Hiện nay lưỡi cưa trầm hương và cưa thực phẩm của cơ sở sản xuất là một trong những sản phẩm gần như “độc quyền” vì các lưỡi cưa này đòi hỏi sự tinh xảo, sắc bén để tạo ra những lát cắt đẹp. Các sản phẩm này rất được ưa chuộng và nhận nhiều đánh giá cao từ khách hàng, không chỉ cung cấp cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh mà còn nhân rộng trên cả nước”.
Mỗi ngày cơ sở của anh Phong sản xuất được khoảng 300 lưỡi cưa thành phẩm, gồm các loại lưỡi cưa gỗ, lưỡi cưa thực phẩm đông lạnh, lưỡi dao cắt giấy công nghiệp,... Mỗi sản phẩm có giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng, cung cấp đủ nhu cầu cho các cơ sở sản xuất tại làng nghề, ngoài ra còn bán ra các thị trường trong và ngoài tỉnh.
![]() |
Bác Thái An, khách hàng đánh giá cao chất lượng lưỡi cưa Phong Hoa. |
Khi thương hiệu được hình thành và khẳng định, đơn hàng cũng tăng lên nhanh chóng. Hiện nay cơ sở sản xuất lưỡi cưa Phong Hoa đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng/tháng, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó còn tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng.
Anh Phong phấn khởi: “Thương hiệu lưỡi cưa Phong Hoa hiện đã được nhiều khách hàng ở các địa phương khác biết đến. Tùy theo đơn hàng, cơ sở sẽ sản xuất loại lưỡi cưa phù hợp. Riêng về lưỡi cưa thực phẩm, chúng tôi đang phối hợp cùng doanh nghiệp của nước ngoài để sản xuất, trong tương lai có thể hướng đến xuất khẩu sản phẩm”.
Cuối năm 2022, dự án lưỡi cưa Phong Hoa của tác giả Nguyễn Minh Phong xuất sắc giành giải Nhì của Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo" tỉnh Hà Tĩnh. Giải thưởng không chỉ khẳng định tính sáng tạo, khoa học của dự án mà còn là đòn bẩy quan trọng để anh Phong tiếp tục mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa.
Anh Nguyễn Thế Anh (xã Lộc Yên, huyện Can Lộc) chia sẻ: “Mặc dù ở khá xa nhưng tôi vẫn tìm đến tận xưởng để mua lưỡi cưa Phong Hoa vì sản phẩm rất tốt, lưỡi cưa ngọt, sắc bén, đường cưa lướt rất nhanh và bền. Bản thân tôi làm nghề mộc đã hơn 30 năm, kinh nghiệm cho thấy việc lựa chọn lưỡi cưa tốt ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất công việc và chất lượng sản phẩm. Nhận thấy điều đó nên tôi luôn tin dùng lưỡi cưa nhà Phong Hoa”.
![]() |
Hiện nay cơ sở sản xuất lưỡi cưa Phong Hoa đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng/tháng.. |
Bên cạnh làm kinh tế, anh Phong còn được biết đến với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, Bí thư Chi Đoàn nhiệt tình, gương mẫu của thôn Bình Tiến A và luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên quê hương mình.
Ông Đoàn Minh Cẩn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình Thịnh, đánh giá Phong là người tiên phong, có những bước đi đột phá, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Phong đã biết dựa vào thương hiệu làng mộc Thái Yên để đưa sản phẩm cơ khí của mình vươn xa, đó là bài học cho những bạn trẻ theo đuổi lý tưởng khởi nghiệp.
Với tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất lưỡi cưa đạt hiệu quả kinh tế cao. Hi vọng rằng, cơ sở của anh Nguyễn Minh Phong sẽ tiếp tục thành công, đồng thời tạo được sức lan tỏa, động lực tới các bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp đi lên ngay từ quê hương của mình./.