![]() |
Lớp học thông minh được trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học như: máy vi tính, màn hình tương tác, hệ thống âm thanh, ti vi thông minh. |
Chiều 15/2, tại Trường Tiểu học Bắc Hà, Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức ra mắt mô hình thí điểm lớp học thông minh.
Theo đó, mô hình thí điểm lớp học thông minh của TP Hà Tĩnh được triển khai từ đầu năm học 2022 – 2023, tại 3 trường tiểu học: Bắc Hà, Nguyễn Du và Nam Hà. Trường Tiểu học Bắc Hà là trường học đầu tiên ra mắt mô hình thí điểm này.
Lớp học thông minh được trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học như: máy vi tính, màn hình tương tác, hệ thống âm thanh, ti vi thông minh… Tất cả được tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết như: sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn theo đúng chuẩn của Bộ GD&ĐT, kho học liệu số…
Hệ thống được quản lý bởi phần mềm trực tuyến, giúp giáo viên thực hiện tổ chức giờ dạy, bao gồm các hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh, thông qua việc sử dụng các thiết bị đã tích hợp trong lớp học thông minh.
Mô hình lớp học thông minh sẽ hỗ trợ giáo viên và học sinh trong công tác dạy và học. Đồng thời, giúp nhà trường triển khai hiệu quả các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học sinh tương tác, tự học với trợ lý ảo, phát triển kho học liệu số, học liệu mở…), đáp ứng kế hoạch ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT và Nghị quyết 03 -NQ/ThU về “Phát triển GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập đến năm 2025 và những năm tiếp theo” của BCH Đảng bộ thành phố.
Theo đánh giá, mô hình thí điểm phòng học thông minh tại Trường Tiểu học Bắc Hà bước đầu có hiệu quả thiết thực, giáo viên vận dụng tối đa các tính năng được tích hợp để mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp các em hào hứng với giờ học và tăng kỹ năng tương tác đa chiều, phát huy năng lực của học sinh. Đặc biệt, thông qua phần mềm, giáo viên có thể giám sát và đánh giá 100% học sinh trong lớp.
Mô hình thí điểm phòng học thông minh ở TP Hà Tĩnh có mức đầu tư gần 500 triệu đồng, được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Việc thực hiện các giải pháp đổi mới phương pháp giáo dục, ứng dụng các mô hình công nghệ thông minh đã trở thành phương tiện hỗ trợ hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn./.