![]() |
Con đường Hạnh Phúc luồn lách qua các dãy núi cao |
Năm Khải Định thứ 13 (1928), chính quyền phong kiến Nam Triều chính thức có sắc phong "Biên viễn khả phong đại thần" cho “Thổ ty” Vương Chính Đức, sau đó Vương Chí Sình kế vị. Hai cha con “Vua Mèo” sở hữu vựa thuốc phiện dồi dào bậc nhất Đông dương thời ấy, lại là ông chủ chợ Đồng Văn, nơi được coi là “Hồng Công” của vùng cực bắc Việt Nam, tiền bạc không thiếu và cũng từng ôm mộng mở đường to mà đành ngậm ngùi chịu thua, để rồi mỗi lần về xuôi lại phải huy động hàng chục tráng đinh khiêng kiệu đi bộ ròng rã 3-4 ngày mới xuống được tới tỉnh lỵ Hà Giang.
Tính đến năm 1959, vùng đất rộng bằng cả tỉnh Bắc Kạn, với 8 vạn dân thuộc 16 dân tộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài trong tình trạng đói nghèo và lạc hậu, vì hệ thống giao thông chỉ là đường mòn qua các vùng núi đá cheo leo, hiểm trở, phương tiện giao thông chỉ có ngựa và đôi chân của con người.
Không thể để vùng đất ấy mãi biệt lập, ngày 29.3.1959, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang (Khóa III) họp và ra nghị quyết đề nghị Trung ương và Khu tự trị Việt Bắc cho mở tuyến đường lên Đồng Văn. Được Trung ương và Khu tự trị đồng ý, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10.9.1959, tại Thị xã Hà Giang, Bộ Giao thông - Vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam và tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khởi công mở đường mang tên "Hạnh Phúc".
Để có được con đường “Hạnh Phúc” thực sự đúng với nghĩa đen của nó nối Trung tâm tỉnh lỵ Hà Giang với 4 huyện vùng cao phía bắc, 10 Thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lạị trên cao nguyên đá. Thuở ấy, 4 huyện vùng cao núi đá: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ là một huyện mang tên Đồng Văn, huyện lỵ đặt tại Thị trấn Phó Bảng.
Có lẽ sau chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đường "Hạnh Phúc" là công trình thu hút thanh niên trong cả nước tham gia nhiều nhất. Hơn 1.300 nam, nữ thanh niên xung phong (TNXP) từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương) đã sát cánh cùng hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc trên cao nguyên đá bắt tay vào phá núi mở đường.
Sau năm 1949, Giải phóng quân Trung Quốc đã đánh bại quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Một bộ phận tàn quân Tưởng trốn sang các nước lân cận như Lào, Miến Điện, Việt Nam, dựa vào núi rừng hiểm trở để tránh các đợt truy quét của Giải phóng quân Trung Quốc. Tại Quảng Tây, quân Tưởng lấy vùng Thập Vạn Đại Sơn giáp biên giới Việt Nam làm sào huyệt. Bị đánh tan năm 1951, một bộ phận tàn quân âm mưu chiếm Cao nguyên đá Đồng Văn lập căn cứ.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, "Vua Mèo" Vương Chí Sình rời dinh thự ở Phó Bảng về sống tại dinh Sà Phìn. Sau đó, trở thành ông Chủ tịch huyện Đồng Văn trên danh nghĩa, nhưng quyền lực thực tế đã bị thu hẹp nhiều. Sau kỳ bầu cử HĐND năm 1959, các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Đồng Văn hầu hết được chuyển giao từ tầng lớp quý tộc sang chính quyền dân cử. Tuy nhiên, tổ chức vẫn rất lỏng lẻo, kém hiệu lực. Đầu năm 1959, các toán quân phỉ bắt đầu tổ chức đốt phá trụ sở Ủy ban nhân dân ở các xã Phố Cáo, Bạch Đích và Thắng Mố.
Vào tháng 5 năm 1959, Vương Chí Sình và đại diện mặt trận tổ quốc lên Đồng Văn để thiết lập lực lượng địa phương nhằm ngăn quân phỉ. Tuy nhiên, khi ông về Hà Nội, thuộc hạ là Vàng Chúng Dình (cựu binh Quốc dân Đảng) lại nhanh chóng đẩy mạnh các hoạt động vũ trang chống phá ta, tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cựu “Vua Mèo”.
Con đường mới khởi công được hơn 2 tháng thì thổ phỉ hoành hành khắp nơi. Ngày 30.11.1959, một trung đội phỉ 40 tên do Vàng Chỉn Cáo chỉ huy đã khóa chặt Cổng Trời Cán Tỷ, cắt đứt con đường mòn huyết mạch từ Hà Giang lên Đồng Văn. Hôm sau, toán phỉ chặn Cổng Trời đã tấn công bắt giữ hai đoàn ngựa thồ hàng của tỉnh lên Đồng Văn, đuổi cán bộ quay trở lại.
Một mặt vừa cùng bộ đội tiễu phỉ, vừa vận động quần chúng, các TNXP với dụng cụ lao động vô cùng thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít, ky, sọt và một ít thuốc nổ…, trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu nước, thiếu dầu, thiếu rau xanh, vật vã với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt, có những khi nhiệt độ giảm xuống dưới không độ, nước đóng thành băng trên đá, cả ngàn người vẫn lao vào đục đá mở từng mét một.
Hàng loạt địa bàn trên toàn huyện bị thổ phỉ cướp phá, chúng lùng bắt cán bộ, đốt nhà, cướp của. Từ ngày 12 đến ngày 28.12.1959, hàng loạt cuộc tấn công của phỉ nhằm vào bộ máy chính quyền cơ sở nổ ra. Vàng Chúng Dình, dẫn 200 tên phỉ tấn công thị trấn Đồng Văn; Vàng Dúng Mỷ đánh phá Mèo Vạc, cướp cửa hàng mậu dịch, kho lương thực. Ngày 20.12, đầu lĩnh Phàn Chỉn Sài đưa một toán phỉ đánh vào Na Khê, Bạch Đích, chúng khủng bố tàn bạo bằng cách bắt cán bộ huyện treo lên cây làm bia cho lính bắn. Ngày 28.12, Giàng Quáng Ly chiếm Yên Minh; Vàng Chỉn Cáo, Phàn Dền chiếm Cán Tỷ, Đông Hà (Quản Bạ).
Bọn phỉ cho tay chân loan tin, rằng "Vua Mèo" Dương Trung Nhân ở Mèo Vạc được Mỹ và quốc tế ủng hộ sắp trở về Đồng Văn. Những toán tàn quân Quốc dân đảng bị quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đuổi chạy dạt sang biên giới được tô vẽ thành "các đạo quân quốc tế" giúp "Vua Mèo" khôi phục lãnh thổ thành lập vương quốc tự do.
Thổ phỉ còn tung tin lừa bịp dân, rằng bao giờ đá mọc trên đầu người, dê đực biết đẻ, mộ những người làm đường hóa thành cỏ dại, thì Chính phủ mới mở được đường vào Đồng Văn, mới xuyên qua được “sống mũi ngựa” (Mã Pí Lèng).
Khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề, nhưng với khí thế sục sôi cách mạng của tuổi trẻ, hàng ngàn người tham gia công trình có một không hai này đã không ngại gian khổ hy sinh, quyết bám núi, bám đường, lao động miệt mài nơi rừng thiêng nước độc và loạn lạc.
Ngày 28 tháng 12, Bộ Chính trị chỉ thị cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Khu ủy Việt Bắc và tỉnh Hà Giang phải nhanh chóng dập tắt bạo loạn trên cơ sở nhận định tình hình phát triển nghiêm trọng của sự kiện. Phân đội cơ động Công an Vũ trang cùng phối hợp các lực lượng dân quân, du kích địa phương, Trung đoàn 246 Quân khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 12 cơ động, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang bắt đầu tiến công, truy quét trên toàn bộ các điểm bị phỉ chiếm đóng và hoạt động. Sau nhiều đợt truy quét, lực lượng vũ trang đã đẩy lùi thổ phỉ ra khỏi các khu dân cư.
Các lực lượng vũ trang lại tiếp tục truy kích. Chiến dịch cuối cùng mở ngày 29 tháng 1 năm 1960 đến hết ngày 31 tháng 1 thì thắng lợi hoàn toàn. Gần 400 tên phỉ bị đánh tan tác, phần lớn đều phải buông súng đầu hàng, những người dân nhẹ dạ theo chúng đều được cho về quê làm ăn. Trùm phỉ Vàng Chúng Dình phải tháo chạy về vùng Thập Vạn Đại Sơn để lẩn trốn. Sau đó cũng bị cán bộ an ninh giả làm đặc phái viên từ miền Nam để bắt sống. Loạn thổ phỉ lắng dần, đến năm 1962 thì tan rã hoàn toàn.
Thời gian đã khẳng định ý chí của TNXP khi từng đoạn, từng đoạn đường, được nối thông. Ô tô lần lượt qua Cổng Trời, vượt sông Tráng Kìm, qua Cán Tỷ (Quản Bạ); rồi dốc 9 khoanh, cua M (Yên Minh)... ngày 9.9.1963 con đường vươn đến thị trấn Đồng Văn. Sau 4 năm, với trên 2 triệu ngày công, tuyến đường dài 164 km đã hoàn thành trong muôn vàn gian khổ hy sinh của hàng ngàn Thanh niên xung phong và sự góp sức của hàng ngàn dân công vùng cao.
Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường là 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, lại phải mất thêm gần 2 năm lao động vất vả nữa mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo Mã Pí Lèng. Con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến nơi đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở.
![]() |
Cung đường qua đèo Mã Pí Lèng từ Đồng Văn sang Mèo Vạc |
Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo. Cái tên “Mã Pí Lèng” của con đèo đã nói lên sự hiểm trở của ngọn núi, của con đèo, với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa. Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời, hàng trăm TNXP đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường thêm từng xăng ti mét.
Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá. 17 thanh niên khỏe mạnh, gan dạ nhất đã gia nhập đội cảm tử. Ban chỉ huy công trường gọi là “Đội Cơ dũng”, đem sức người nhỏ bé chọi lại sức mạnh của biển đá nghìn năm.
Trên đỉnh núi đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử”. Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục vách đá, nhét thuốc nổ vào, rồi hô đồng đội kéo lên đỉnh núi. Ít phút sau mìn nổ, vỡ ra một miếng đá nhỏ bé.
Trong công cuộc phá núi mở đường có một không hai đó có người đã hy sinh. Đó là anh Đào Ngọc Phẩm quê ở Thái Nguyên, anh sẵn sàng xa vợ và 2 con, lên Hà Giang góp sức mở đường. Đang leo lên vách đá chênh vênh, Khi thấy 2 bố con người Mông đi chợ bị trượt chân, anh Phẩm vươn người ra cứu, hòn đá dưới chân anh bửa ra, cả người và đá mất hút dưới vực sâu hàng trăm mét. Thi thể anh nát nhừ, chỉ có 2 chân thò ra khỏi tảng đá lớn, khi đưa anh lên mai táng không ai cầm được nước mắt. Hay cái chết của anh Lương Quốc Chanh 19 tuổi, quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn cũng khiến mọi người không thể quên.
Làm việc trong điều kiện quá khắc nghiệt, anh bị ngã nước, đồng đội đã vào tận các bản xa xôi kiếm thuốc, nhưng không cứu được người bạn của mình. Ông Sùng Đại Dùng, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên lao động Công trường, hai vợ chồng ông Đàm Văn Kiền, những TNXP trực tiếp tham gia mở đường “Hạnh Phúc” cùng anh Chanh, vẫn nghẹn ngào mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm về anh. Trước khi nhắm mắt, anh Chanh khóc: “Tôi sẽ chết ở đây, tôi nằm bên vệ đường Hạnh Phúc này. Anh em phải tiếp tục phá đá. Mai đây con đường hoàn thành, anh em về lại Lạng Sơn. Liệu ai còn nhớ tôi không? Tôi sẽ nhớ mọi người lắm đấy”. Mọi người òa lên nức nở, đau đớn tiễn anh đi.
Với 2.946.321 lượt ngày công, đục khoét gần 3 triệu mét khối đá, hầu hết là lao động cơ bắp không có sự hỗ trợ của máy móc. Chỉ bằng lao động thủ công với công cụ thô sơ: cuốc, thuổng, búa, xà beng trong sự quấy nhiễu của thổ phỉ và thiếu thốn mọi mặt về vật chất, làm sao những con người bình dị ấy có thể chiến thắng được cả một biển đá sừng sững hàng ngàn năm như thế?
Chỉ có một câu trả lời: Đó là ý chí, là lòng quyết tâm cùng với niềm tin sắt đá vào tương lai và sức mạnh của chính mình mới có thể khiến đội ngũ Thanh niên xung phong thành công khi chinh phục cao nguyên đá. Đây là công trình đạt nhiều kỷ lục nhất trong lịch sử làm đường ở nước ta: Thi công hoàn toàn bằng sức người, gian khổ nhất, vượt qua vùng núi đá cao nhất, thời gian thi công lâu nhất, số ngày công nhiều nhất…
Chính vì vậy, đoạn đèo Mã Pí Lèng 9 khoanh dài 20 km được coi là công trình “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam. Những năm gần đây, với phương tiện máy móc hiện đại, con đường “Hạnh Phúc” nhiều lần được mở mang tu sửa ngày càng to rộng, dễ đi, con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng không còn làm chết ngựa nữa mà đã trở thành di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan ở vùng lõi cao nguyên đá.
Khu vực đỉnh đèo Mã Pí Lèng còn được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh núi non lý tưởng nhất, từ đây có thể ngắm nhìn khung cảnh núi tiếp núi trập trùng hùng vĩ, đẹp nhất Việt Nam. Hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế, sâu hút dưới chân đèo là một thung lũng kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị, góp phần tạo nên những sắc thái kỳ lạ, kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây.
Tấm bia đá dựng ở lưng đèo Mã Pí Lèng ghi rõ: ngày khởi công con đường “Hạnh Phúc” 10.9.1959, hoàn thành ngày 15.6.1965. Hài cốt của những TNXP ngã xuống trong khi mở đường “Hạnh Phúc” nay đã được quy tập về nghĩa trang riêng được xây dựng tại huyện Yên Minh. Trong lễ kỉ niệm 60 năm ngày truyền thống TNXP, Lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã ghi nhận: "Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn tự hào, đánh giá cao vai trò và sự cống hiến xuất sắc của lực lượng TNXP 6 tỉnh: Cao Bằng - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Hà Giang và 2 tỉnh Nam Định - Hải Dương. Đây là chiến công hiển hách, một biểu tượng đẹp, để lại một sản phẩm vô giá là con đường Hạnh Phúc, góp phần đem lại bình yên, ấm no cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Hà Giang. Hà Giang luôn ghi nhớ sự hi sinh to lớn của các thế hệ TNXP cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và Hà Giang nói riêng".
Cảm xúc trước cung đường huyền thoại, nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương, đã sáng tác ca khúc “Cung đường mùa Xuân” với ca từ rất lãng mạn “… Tay chung tay mở đường lên hạnh phúc, tuổi trẻ bên nhau bạt núi ngăn sông, tuổi trẻ mang theo bao ngàn mơ ước… tuổi trẻ chúng ta từ Cao, Bắc, Lạng, Thái, Tuyên, Hà. Từng giọt mồ hôi thấm vào đá núi, Cổng Trời hiên ngang mang dáng mẹ cao nguyên… Đường lên phía Bắc, đường sang phía Tây là con đường ý Đảng lòng dân, đường Bác Hồ đưa ta tới mùa Xuân”. Chiến công đã đi vào huyền thoại của các TNXP chiến thắng sự khốc liệt của đá trên đại công trường phá núi mở đường “Hạnh Phúc” được kể lại như thế đấy!
Vậy là Hà Giang đã trải qua 2 thời kỳ đại công trường, lần thứ nhất 1959 đến 1965, khai mở con đường Hạnh phúc, lần thứ 2 từ 1998 đến 2006 tập trung giải quyết điện, đường, trường, trạm và nước sạch. Đường vẫn là ưu tiên số một. Bây giờ đường ô tô đã đến được trung tâm 100% số xã, nhưng đến thôn bản vẫn chỉ là đường mòn.
Vùng đất địa đầu Tổ quốc không chỉ có cột cờ Lũng Cú thiêng liêng hay đèo Mã Pí Lèng quanh co mà còn có con đường Hạnh phúc làm say mê lòng người, đặc biệt là các du khách ưa thích mạo hiểm và khám phá. Đây vừa là con đường giao thông huyết mạch, vừa là biểu tượng tinh thần cách mạng của dân tộc ta.
Việc chinh phục con đường được xem là kỳ vĩ nhất Việt Nam này sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc đặc biệt và những trải nghiệm khó quên. Đây chính là con đường kinh tế, con đường du lịch, con đường góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc quê tôi./.